Khi "đại ca" được tình yêu cảm hóa

Rớt nước mắt khi lần đầu tiên được đứa con trai ngỗ nghịch ngày nào chở đi sắm tết, người mẹ ngỡ ngàng trong hạnh phúc, nhìn cậu quý tử đã lột xác hoàn toàn.

Công đầu trong việc biến một “đứa con hư” như Nguyễn Đỗ Hoàng Tuân (23 tuổi, sinh viên ĐH Hoa Sen) trở thành người con thảo, người trò giỏi thuộc về một cô gái có tên Bùi Thị Ngọc Hân, hiện là sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM.

 

Những “phá gia chi tử”

 

Cô Đỗ Thị Dung (Q. 9, TP.HCM) nhớ lại khoảng thời gian đau buồn trước khi Hân xuất hiện trong đời con trai mình: ngày Tuân vừa tốt nghiệp tiểu học, chồng cô lãnh án chung thân do tội ác đã gây ra.

 

Thần tượng là ba trong Tuân sụp đổ, kéo theo cả sự sụp đổ nhân cách của Tuân. Từ một đứa trẻ nhút nhát, sống tình cảm, Tuân nhập bọn với đám bạn xấu sớm trở thành một “đầu gấu” có tiếng ở trường.

 

“Bao nhiêu tiền tôi cho nó nướng hết vào game online, bàn bida, bia rượu...dù chỉ mới là học sinh cấp II. Khi nào tôi giận không cho tiền thì nó mượn xã hội đen...”- cô Dung bàng hoàng nhớ lại. Cô đã từng có ý định từ con, sớm tống Tuân vào trại cải tạo vì sợ “cha nào con nấy”.

 

Cũng là cậu ấm, lại là đích tử đích tôn, được cả gia đình đổ tiền chăm chút nên Nguyễn Nam Cường (Q.7, TP.HCM) thể hiện sự hư hỏng ở một đẳng cấp khác. Tuổi mới 25, Cường đã nổi như cồn ở khoản “sát gái” và ăn chơi tới bến.

 

Với bạn bè, Cường được tôn là đại ca bởi khả năng chịu chơi và chịu chi. Với các cô gái, Cường mạnh tay chi cho quần áo hàng hiệu, trang sức mắc tiền. Lo lắng trước lối sống bạt mạng của con, bố mẹ Cường bèn thắt chặt chi tiêu.

 

Bà Lê Quỳnh, mẹ Cường, sụt sùi kể: “Không cấp tiền, nó giận dỗi bỏ nhà đi không biết bao lần. Thậm chí bán xe, điện thoại, đi vay nặng lãi lấy tiền tiêu xài. Gia đình tôi trả nợ cho con đến mức khánh kiệt mà nó chẳng thèm đoái hoài!”.

 
Khi đại ca được tình yêu cảm hóa
Yêu là cùng nhau hướng đến những điều tốt đẹp của cuộc sống.
 

Tái sinh

 

Núi vàng ăn mãi cũng lở, đến lúc sa cơ cậu ấm rỗng túi, thế là đàn em, các em gái một lượt phủi tay ra đi. Cậu ấm ngày nào giờ cảm thấy cô đơn cùng cực. Trong lúc đó Hà Ân, cô bạn cũ thầm yêu Cường ngày xưa, vẫn ở bên không xa lánh Cường, đồng cảm với những tâm tư của chàng trai trẻ.

 

Xưa nay chưa từng có ai yêu thương chân tình đến thế nên Cường rất ngạc nhiên rồi cảm động trước tấm lòng của cô bạn. Bao lời mẹ cha khuyên răn, dọa dẫm đều chẳng khiến Cường nao núng, nhưng trước Hà Ân anh bạn lại mềm lòng.

 

Để chứng tỏ bản lĩnh của mình trước Hà Ân, Cường về nhà bày tỏ với bố mẹ mong muốn thay đổi cuộc sống, cùng lời hứa không chơi bời, chú tâm vào chuyện làm ăn của gia đình.

 

Dù bất ngờ, bà Quỳnh và chồng cũng cho Cường một cơ hội sửa sai. Cường cặm cụi học nghề từ bố, học thêm một số khóa đào tạo kinh doanh. Bố mẹ Cường bắt đầu giao cho Cường quản lý một số cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ.

 

Trong suốt chặng đường đó, Hà Ân vẫn ngày ngày lo lắng, quan tâm săn sóc Cường... Nhờ có Hà Ân, Cường gần gũi với bố mẹ hơn khi sẵn sàng chở mẹ đi lấy hàng, mua đồ, giúp bố chăm sóc cây cảnh - những việc Cường chẳng bao giờ làm.

 

Cùng với chồng, bà Quỳnh rất an tâm khi tác hợp tình duyên cho đôi bạn trẻ này. Ngày xe duyên đã cận kề, Cường ngại ngùng thừa nhận: “Chính tình yêu chân tình của Hà Ân đã khiến tôi thay đổi đến mức tôi không dám tin”...

 

Ngày gặp Hân ở ghế đá sân trường, thấy Hân xinh, Tuân lân la làm quen chỉ với ý định “giải khuây”- như Tuân sau này thú thật. Anh chàng không ngờ rằng từ đó, cuộc đời mình lật hẳn sang một trang mới!

 

“Tiếp xúc với Hân, tôi bỗng thấy rung động thật sự trước tâm hồn trong sáng, hướng thiện của Hân. Cả cái cách Hân ham học cũng làm tôi... mê mệt” - “ông trùm cúp cua” năm nào gãi đầu.

 

Vậy là sáng sáng Tuân lò dò qua lớp Hân cho Hân trả bài, tranh thủ hỏi Hân cách chia thì, đặt câu môn tiếng Anh - vốn là môn tủ của Hân. Tối tối “đôi đũa lệch” lại dắt nhau đến lớp học thêm toán - lý - hóa.

 

“Ngày đó, trường cấp III chúng tôi học rất khắt khe chuyện học sinh cặp bồ, chỉ có cặp Hân - Tuân được cả cô chủ nhiệm, thầy giám thị... ủng hộ hết mình vì lúc nào đi với nhau cũng thấy bàn chuyện bài vở!”, bạn học của Hân tủm tỉm cho biết. Hỏi Hân dùng bí quyết nào cảm hóa được Tuân, cô nàng lắc đầu: “Hân chỉ tìm cách khơi gợi những điều tốt đẹp của Tuân thôi!”.

 

Còn với Tuân, sự đổi thịt thay da của bản thân là một sự thức tỉnh: “Tôi muốn trở thành một người giống Hân, biết yêu chính bản thân mình và mọi người, được mọi người yêu lại”.

 

Không chỉ tiến bộ vượt bậc về kết quả học tập, được lớp tín nhiệm bầu làm lớp trưởng kiêm luôn bí thư, Tuân cũng mở lòng hơn với mẹ. Ngày Tuân bước vào cổng trường đại học, cô Dung chỉ biết cầm tay Hân khóc nấc: “Con không khác gì ân nhân của gia đình. Cả thằng Tuân và bác như được sinh ra lần nữa!”.

 

“Tình yêu như một thứ thuốc tinh thần kỳ diệu có sức cảm hóa con người”, thạc sĩ Nguyễn Khắc Hiếu, khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tình yêu cũng có thể cảm hóa. Điều đó chỉ xảy ra khi đối tượng gặp phải một chấn động tâm lý, khiến họ cảm nhận sâu sắc về cách ứng xử bấy lâu nay của mình là không đúng.

 

Ngoài ra, đối tượng phải cảm nhận được một loại tình cảm đặc biệt hơn hẳn bình thường mà chỉ người kia mới có thể mang đến, khi đó người kia mới có thể “trị” được họ, nói họ nghe và họ tình nguyện nghe người đó. Thứ ba, người này phải là người có suy nghĩ để biết thừa nhận khuyết điểm và có đủ ý chí để cải biến chính mình.

 

Theo H.Thi - B.Thanh

Tuổi trẻ