Khi “cậu ấm, cô chiêu” tình nguyện về quê làm ruộng

Chưa từng phải làm công việc đồng áng, cuốc xới nặng nhọc, nhưng đã đi tình nguyện, những “cậu ấm”, “cô chiêu” bỗng trở nên thạo việc và chững chạc hơn.

“Sinh viên thanh lịch” cấy hái, làm đường

 

Cô sinh viên trẻ Nguyễn Thị Hải Ly (sinh viên năm 3 khoa Tài chính - Ngân hàng, ĐH Công đoàn) không thích từ “hotgirl” dù cô xinh đẹp và đoạt nhiều giải thưởng của trường khi tham gia các cuộc thi thanh lịch. Nhìn cô, khó ai có thể tưởng tượng cô cũng có thể lội bùn cấy lúa, vác đá làm đường…

 

Dáng người nhỏ nhắn cơ thể lúc nào cũng toát lên khí chất của một thủ lĩnh đoàn dầy dặn kinh nghiệm, cô gái lớn lên ở ngay bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) lại chọn con đường về quê làm tình nguyện.

 

21 tuổi, Ly đã tham gia hàng chục đợt tình nguyện, từ ngoại thành Hà Nội tới miền núi, hải đảo. Lúc đầu không ít bạn bè trong đội tình nguyện nhìn Ly với con mắt nghi hoặc, cho rằng một tiểu thư xinh đẹp, lại sinh ra trong gia đình có điều kiện như Ly thì khó có thể chịu được “nhiệt”.

 

Thế nhưng, khi chứng kiến cô cấy, cày, gặt hái, vét mương, nạo cống, thì hầu hết đều khâm phục… “Mình nhớ nhất chuyến đi tình nguyện năm 2012, bọn mình tham gia Chương trình cùng xây dựng nông thôn mới với bà con nông dân ở xã Xuy Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội)”, Ly nhớ lại.
 
Nhóm sinh viên Đại học Công đoàn tham gia hoạt động nạo vét kênh mương ở xã Xuy Xá (Hà Nội).
Nhóm sinh viên Đại học Công đoàn tham gia hoạt động nạo vét kênh mương ở xã Xuy Xá (Hà Nội).

 

Cả đoàn tình nguyện của Đại học Công đoàn gồm 40 người được sắp xếp để ngủ lại tại nhà văn hoá nhưng không đủ chỗ. Vậy là các nhóm phải kéo nhau vào ở nhà dân. Suốt gần 1 tháng trời, Ly đã cùng ăn cùng ngủ, cùng làm với bà con địa phương.

 

Không bằng lòng với việc dạy các em nhỏ học tiếng Anh, tin học, nhóm sinh viên tình nguyện còn lên kế hoạch hỗ trợ bà con cấy lúa, làm đường. Chỉ một buổi được bác Năm- chủ nhà, chỉ cho cách cấy lúa, Ly đã tự tin làm: “Mạ phải được tách ra thành từng dẻ, đặt nhẹ xuống lớp bùn lầy. Các cây lúa phải được đặt thẳng hàng và song song nhau.

 

Những ngày đầu mình và các bạn trong đoàn chỉ cấy được 1 khoảng bé xíu bằng cái nong, dần dần những ngày sau đó cả đoàn cấy rất nhanh. Xong đám ruộng này lại chuyển sang cấy đám ruộng khác”, Ly hồ hởi kể.

 

Khi lội ruộng, nhiều bạn vẫn quen cung cách “tiểu thư” sợ bẩn, sợ đỉa, Ly lại phải làm gương: “Có những lúc chân bị đỉa bu, máu chảy lênh láng nhưng mình nhờ bạn gỡ ra xong lại tiếp tục cấy. Về tới Hà Nội, ai nấy đều đen cháy”, Ly nói.

 

Cùng trong đội tình nguyện của ĐH Công đoàn, anh chàng Vũ Hoài Thương (sinh viên năm 3, khoa Công tác xã hội) lại có vẻ rắn rỏi lạ thường. Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Mạo Khê, Quảng Ninh, bố mẹ đều là công chức, Thương chưa một lần làm việc đồng áng hay việc nhà. Vậy mà từ ngày rời nhà xuống Hà Nội học, không có chuyến tình nguyện nào là cậu bỏ lỡ.

 

Trong các chuyến đi, Thương nhớ nhất là năm 2010, cậu đi tình nguyện tại xã Đức Xuân (huyện Bắc Quang, Hà Giang) với mục đích giúp bà con làm đường giao thông nông thôn. “Đó là thời điểm bọn mình gần như ăn ngoài rừng, ngủ ngoàn lán, côn trùng, muỗi bọ đốt là chuyện bình thường. Có khi phải đi bộ cả nửa ngày trời mới mua được lương thực để nấu nướng. Nước không có, nhiều khi còn phải lấy nước suối để nấu, tắm thì cũng chỉ biết tắm sông”.

 

Kết quả của 1 tháng tình nguyện, Thương và 39 thành viên trong đoàn đã hoàn thành việc xây dựng 1km đường bê tông cho bà con. Ngoài ra, nhiều thành viên khác tham gia giúp bà con gặt lúa, phơi lúa, xây chuồng trại, xây mới trường học, dạy học cho các em nhỏ… Công tác “dân vận” của đoàn còn tốt đến mức lúc rời đi, cả người đi, lẫn người ở lại đều khóc.

 

Trui rèn bản lĩnh

 

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) từng tổ chức nhiều đợt cho sinh viên đi tình nguyện tại các tỉnh miền núi. Bộ phận đoàn trường cho biết, từ 2-3 năm nay, phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Vì vậy, có nhiều nhóm sinh viên tình nguyện vừa tham gia dạy học cho trẻ, vừa phối hợp cùng bà con dân bản hoặc bộ đội biên phòng để làm đường.

 

Gần đây nhất có một đoàn lên Thái Nguyên làm tình nguyện. Nguyễn Thị Nga - thành viên trong đoàn cho biết: “Bọn mình cũng tham gia đập đá, giúp người dân làm đường, đêm đến cả đội ngủ không mùng màn, muỗi cắn chi chít.

 

Dù đã được tập huấn, hô quyết tâm nhưng nhiều bạn gia đình khá giả không quen vất vả thì không chịu được. Tuy nhiên, có một số bạn khác thì càng khó khăn lại càng “lỳ”, nhận những việc khó nhất và hoàn thành tốt nhất”.

 

Những chuyến đi này, các sinh viên tình nguyện phải ở bản làng vùng sâu, vùng xa nên không có điện, mọi sinh hoạt đều rất thiếu thốn… “Cuộc sống khó khăn, vất vả khiến nhiều bạn quen được nuông chiều biết quan tâm đến người khác và biết cố gắng hơn”- Nga nói.

 

Nguyễn Văn Khuy-sinh viên năm 3, Đại học Ngoại thương, có gia đình làm trang trại nhỏ ở xã Phú Hòa (Lương Tài, Bắc Ninh), kinh tế gia đình khá giả nhưng 3 năm nay, chàng trai này là một hạt nhân tích cực trong phong trào tình nguyện. Năm 2013, Khuy là thành viên Ban tổ chức Chiến dịch Hè tình nguyện của Hội Sinh viên đồng hương Kinh Bắc.

 

Khuy cho biết: “Năm vừa rồi, em tình nguyện đi dạy tiếng Anh cho trẻ tiểu học ở xã Minh Đức (huyện Việt Yên). Khi đi, cả đoàn tự dự trù kinh phí, xin tài trợ. Khi tới địa phương chỉ nhờ xã hỗ trợ nơi ở, mượn xoong nồi bát đĩa. Bạn nào “dân vận” tốt thì xin thêm rau dưa, tuyệt đối không phiền địa phương”.

 

Hội của Khuy hiện có 200 sinh viên đăng ký sẵn sàng đi tình nguyện. “Bọn em không hỏi hoàn cảnh gia đình, nhưng trong số đó em biết có nhiều bạn kinh tế gia đình rất khá giả. Nhất là những bạn ở làng nghề Đình Bảng, Đa Hội… Tuy vậy, đã đi tình nguyện thì các bạn ăn ở như nhau, không có bạn nào tỏ ra cậu ấm, cô chiêu”.

 

Hè năm 2013 này, Hội Sinh viên đồng hương Kinh Bắc cũng chỉ tuyển 40 sinh viên (trong số 200 sinh viên đăng ký) đi tình nguyện. Trước khi đi, nhóm sinh viên này có 3-4 tuần tập huấn để hiểu về nơi đến, về thái độ, về công việc phải làm. “Bọn em khuyến cáo ngay từ đầu, nếu ai có tư tưởng, thái độ chưa sẵn sàng hết lòng vì công việc thì có thể nghỉ. Tuy nhiên, đã đi thì rất ít bạn bỏ cuộc”.

 

Tuy nhiên, các sinh viên tình nguyện vẫn thừa nhận, vẫn còn không ít “cậu ấm”, “cô chiêu” đi tình nguyện để… lấy le với bạn. Ý kiến của một số cán bộ đoàn cho thấy, đoàn nào cũng có 1-2 cô mặc áo xanh đi làm đường, đi dạy học nhưng vẫn trát đầy phấn son.

 

Có cô xuống ruộng cấy lúa chỉ để bạn chụp 1-2 kiểu ảnh đưa lên facebook khoe. Nhìn thấy con thằn lằn, con đỉa là sợ mất vía… Thậm chí có sinh viên khá giả coi đi tình nguyện như đi… picnic, tới nơi chỉ chăm chăm xem có đặc sản gì để ăn, chơi, mời bạn bè.

 

Qua 14 năm hoạt động, Chiến dịch “Mùa hè thanh niên tình nguyện” Hà Nội thu hút hàng chục ngàn bạn trẻ. Các bạn vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, rất nhiều bạn gia đình khá giả lại là những người nhiệt tình nhất tham gia các chương trình tình nguyện hết sức thiết thực... Năm 2013, Chương trình Mùa hè thanh niên tình nguyện tham gia trên nhiều mặt trận xung kích từ giáo dục, y tế, giao thông, kinh tế, xây dựng nông thôn mới...” (Anh Nguyễn Ánh Dương – Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội)

 

Theo Minh Nguyệt - Lê An

Dân Việt