Hơn 7.000 HSSV tham gia tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông
(Dân trí) - Ngày 13/11, Bộ GD-ĐT, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp tổ chức chương trình "Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT và hướng dẫn kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn cho HSSV năm 2021".
Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng kiến thức pháp luật về an toàn giao thông và kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn cho học sinh, sinh viên đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, cần thiết đối với HSSV.
Tham gia chương trình có hơn 7.000 HSSV thuộc các Sở GD-ĐT Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 - tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Đại học Hồng Đức - tỉnh Thanh Hóa.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra với những diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh/thành trên cả nước, Chương trình tuyên truyền đã được tổ chức dưới hình thức họp trực tuyến nhằm thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ về việc phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho các thầy cô giáo, HSSV và cộng đồng.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, tai nạn giao thông đã và đang là vấn đề được xã hội quan tâm sâu sắc, mang tính toàn cầu mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đương đầu. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO, hàng năm toàn thế giới đã có hơn 1,2 triệu người chết và hơn 50 triệu người bị thương vì tai nạn giao thông, đồng thời, gây thiệt hại tổng thể về kinh tế, xã hội tới 3% GDP toàn cầu.
Trong những năm qua, có thể khẳng định Việt Nam đã kiềm chế được tai nạn giao thông, các tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương đều được kéo giảm qua từng năm.
Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến rất phức tạp, việc kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) chưa thật bền vững, đặc biệt, số người chết và số người bị thương vì TNGT vẫn ở mức cao, tổn thất do TNGT vẫn rất lớn, mỗi năm tổn thất do TNGT ở Việt Nam gây ra khoảng gần 50.000 tỷ đồng, bằng 30% ngân sách giáo dục và 60% giá trị xuất khẩu lúa gạo, tương đương 1,5 triệu người không có thu nhập trong 01 năm.
Theo thứ trưởng Minh, nguyên nhân dẫn đến TNGT có nhiều, từ nguyên nhân do quản lý nhà nước, đến nguyên nhân do hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên vẫn là do ý thức tuân thủ các quy định pháp luật nhà nước về trật tự ATGT của người tham gia giao thông chưa cao, chưa nắm vững quy tắc giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn.
Chương trình nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng tham gia giao thông an toàn và hình thành văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông trong học sinh, sinh viên, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT của học sinh, sinh viên, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên.