Ninh Bình:
Hơn 4.000 tình nguyên viên “căng mình” dịp đại lễ Vesak 2014
(Dân trí) - Để góp phần cho Đại lễ Vesak 2014 thành công tốt đẹp, các tình nguyện viên đã không quản ngại nắng mưa “căng mình” làm nhiệm vụ giúp đỡ các đại biểu, là công tác hậu cần, đảm bảo vệ sinh môi trường… phục vụ cho sự kiện mang tầm Quốc tế.
Ghi nhận của PV Dân trí tại Chùa Bái Đính, giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa, hàng trăm tình nguyên thuộc nhóm tình nguyện vệ sinh môi trường phục vụ Đại lễ Vesak không ngần ngại cầm chổi lao ra giữa sân chùa để thu gom rác.
Ai cũng hào hứng với công việc mặc dù mồ hôi nhễ nhại, sự mệt mỏi thể hiện trên rõ khuôn mặt. Phía ngoài sân, một số tình nguyện viên khác cũng đang lau dọn, giữ điện đài luôn thanh khiết giữa cái nắng oi ả để phục vụ cho lễ tắm phật, cầu an.
Dù thời tiết tại Bái Đính khắc nghiệt, nhưng vẫn không ngăn nổi sự nhiệt huyết của hàng nghìn tình nguyện viên đang phục vụ cho Đại lễ Vesak 2014.
Mặc dù công việc xây dựng khá bận rộn nhưng anh Nguyễn Thanh Bình, đến từ Hà Nội vẫn tranh thủ xin nghỉ phép để được làm tình nguyện viên cho Đại lễ.
Theo anh Bình thì đây là sự kiện trong đại đối với Phật giáo Việt Nam, do vậy anh muốn góp sức của mình để làm nên thành công của Đại lễ. Là người nhanh nhẹn, nhiệt tình nên anh được giao làm Đội trưởng đội Vệ sinh môi trường.
Anh Bình chia sẻ: “Nhóm tình nguyện viên chúng tôi gồm khoảng 300 thành viên đến từ khắp mọi miền đất nước. Các thành viên gồm sinh viên và cả người đi làm. Mọi người đều hòa đồng với nhau và làm việc rất hiệu quả. Ai đến đây cũng mang tâm hướng phật, mong muốn đóng góp công sức của mình để phục vụ vì một Đại lễ Quốc tế thành công tốt đẹp”.
Công việc của bạn Nguyễn Thị Huyền Trang, sinh viên năm cuối trường Đại học Thương mại cũng vất vả không kém. Trang là người giải đáp, hướng dẫn cho bà con, phật tử về dự Đại lễ, điều tiết lúc đông người dồn tại khu vực Điện Pháp Chủ.
Trang tâm sự: “Trong thời gian phục vụ đại lễ, bên cạnh những niềm vui vẫn có nhiều sự vất vả, khó nhọc. Cản trở lớn nhất có lẽ là thời tiết, nắng mưa thất thường khiến các tình nguyện viên có phần mệt mỏi và vất vả hơn. Nhưng đối với chúng tôi, dù khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua”
Bên cạnh đó, cũng có hàng trăm tình nguyện viên khác phục vụ theo xe để đưa đón cho các đại biểu, vị khách quốc tế. Bạn Thu Phương, sinh viên năm cuối trường Đại học Hà Nội cho biết: “Để được tham gia tình nguyện, chúng em đã phải trải qua hai vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh khắt khe và tỉ lệ “chọi” cao hơn thi vào Đại học”.
Theo đó, các tình nguyện viên sẽ phải trả lời phỏng vấn bằng tiếng anh về bản thân, gia đình, đất nước và con người Việt Nam, có hiểu biết về Phật giáo cũng như khu vực chùa Bái Đính để giải đáp cho các đại biểu Quốc tế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là khi các đại biểu sử dụng những từ chuyên ngành hay bản địa.
Trao đổi với PV Dân trí, Đại đức Thích Quang Thạnh - Phó Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Phật Đản LHQ - Vesak 2014, Trưởng Tiểu ban điều phối tình nguyện viên cho biết, Đại lễ Phật đản LHQ có tới gần 4.000 tình nguyện viên tham gia. Trong số đó, lực lượng tình nguyện viên chính thức, thường trực suốt lễ hội bao gồm 2.000 thành viên.
Trong số đó, lực lượng tình nguyện viên được chia làm 2 nhóm lớn: Nhóm hậu cần với 1.600 tình nguyện viên và các phật tử làm ba nhiệm vụ chính là nấu ăn, dọn dẹp và dọn vệ sinh môi trường.
Nhóm lễ tân gồm khoảng 500 sinh viên đến từ các trường Đại học ở Hà Nội được chia làm 4 tổ nhỏ gồm: Tổ nhóm đưa đoàn đại biểu trong và ngoài nước tại sân bay, Tổ nhóm bố trí hướng dẫn đại biểu tại khách sạn, Tổ nhóm tập trung theo đoàn hướng dẫn và nhóm còn lại là phục vụ trong hội trường và các hội nghị.
“Chúng tôi đã tuyển chọn lấy 500 người trong số 1.500 người đăng kí tham gia. Qua 2 lần phỏng vấn, lực lượng tình nguyện viên chỉ còn khoảng 500 em. Những em sinh viên này phải thật xuất sắc, đáp ứng được đầy đủ các kỹ năng cần thiết như về ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và phản ứng nhanh… để góp phần tô điểm vào thành công của Đại lễ Vesak lần này”.
Quốc Cường - Xuân Thái