Hơn 1.000 bạn trẻ diễu hành vì “Khu đất an toàn” không bom mìn

(Dân trí) - Ngày 31/3, tại TP Quy Nhơn (Bình Định) hàng ngàn bạn trẻ tham gia lễ mít tinh, diễu hành kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4 với chủ đề “Khu đất an toàn”.

 

Hơn 1.000 bạn trẻ diễu hành vì “Khu đất an toàn” không bom mìn - 1
Hàng ngàn người tham lễ mít tinh, diễu hành kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4 với chủ đề “Khu đất an toàn” tại TP Quy Nhơn (Bình Định) sáng 31/3.

Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án “Việt Nam- Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (KV-MAP) do Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Cơ quan hợp tác quốc tế Đại hàn dân quốc (KOICA), Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tỉnh đoàn Bình Định phối hợp tổ chức.

Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng một thế giới hòa bình, không có bom mìn, vật nổ; vì một cuộc sống bình yên và phát triển; cổ vũ, động viên các tổ chức chính trị, xã hội, các cá nhân trong và ngoài nước cùng chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn do chiến tranh để lại.

Hơn 1.000 bạn trẻ diễu hành vì “Khu đất an toàn” không bom mìn - 2
Diễu hành các tuyến phố để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nguy cơ bom mìn và vật nổ sau chiến tranh.

Nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ bom mìn và vật nổ sau chiến tranh, hàng trăm học sinh, sinh viên và lực lượng quân đội đã diễu hành quanh các tuyến phố lớn truyền đi thông điệp “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”.

Cùng ngày, tại TP Quy Nhơn đã diễn ra các hoạt động như: Tìm hiểu kiến thức về bom mìn, vật nổ và cách phòng tránh; vẽ tranh tập thể. Theo đó, Ban tổ chức đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Vì cộng đồng an toàn không có tai nạn bom mìn” với sự tham gia của hơn 100 em học sinh từ 8 -15 tuổi đến từ nhiều trường khác nhau trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Theo bà Catherine Phuong, Trợ lý Giám đốc quốc gia của Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bom mìn và vật nổ vẫn đang đe dọa tới người dân ở Bình Định mặc dù chiến tranh đã kết thúc nhiều thập kỷ trước. Qua đó, góp phần giảm các vụ tai nạn gây ra từ bom mìn và vật liệu nổ. 

Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất trên thế giới. Sau hơn 40 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh hiện vẫn đang đe dọa đến cuộc sống của nhiều người dân, ảnh hưởng rất lớn tới sự tăng trưởng và phát triển con người.

Hơn 1.000 bạn trẻ diễu hành vì “Khu đất an toàn” không bom mìn - 4
100 học sinh thi vẽ tranh với chủ đề “Vì cộng đồng an toàn không có tai nạn bom mìn”.

Theo báo cáo hiện trạng tồn lưu, ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam (Giai đoạn I) tất cả 63/63 tỉnh thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm vật nổ sau chiến tranh, diện tích đất đai bị ô nhiễm là 6.1 triệu ha, chiếm 18.71% diện tích cả nước (tính đến tháng 12/2017).

Tại Bình Định, diện tích ô nhiễm bom mìn vật nổ ở địa phương này chiếm 40.96% diện tích đất tự nhiên của tỉnh, 11/11 huyện, thành phố thị xã, và 159/159 xã, phường, thị trấn được xác định là bị ô nhiễm BMVN.

Hơn 1.000 bạn trẻ diễu hành vì “Khu đất an toàn” không bom mìn - 5
Các em đã cùng nhau vẽ lên những bức tranh thể hiện hiểu biết về rủi ro bom mìn, ước mơ của các em về một cộng đồng an toàn, một cuộc sống bình yên...

Nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng Dự án “Việt Nam- Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án trong đó giao Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản và Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam là chủ dự án. Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc hỗ trợ kỹ thuật thực hiện dự án.

Dự án “Việt Nam- Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” bao gồm các hoạt động khảo sát và rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, thu thập số liệu, quản lý thông tin bom mìn, hỗ trợ nạn nhân tai nạn bom mìn, giáo dục người dân phòng tránh tai nạn bom mìn tại Quảng Bình, Bình Định.

Doãn Công