Homestay ở Quảng Tây

Đặc biệt, hơn 100 thanh niên Việt Nam cùng với thanh niên Trung Quốc trực tiếp tham gia học làm bánh sủi cảo - một trong những nét truyền thống của người dân Trung Quốc vào mỗi dịp Tết, người thân trong gia đình sum họp đoàn tụ.

Tại thành phố Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), đoàn đại biểu Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt -Trung lần thứ 15 năm 2015 đã cùng các thanh niên Việt Nam đang theo học ở Học viện Giao lưu Thanh niên Quốc tế Quảng Tây tìm hiểu văn hóa truyền thống của Trung Hoa. Đặc biệt, các đại biểu có dịp trải nghiệm cuộc sống ở nhà người dân (homestay).

 

Các đại biểu, thanh niên Việt Nam tham gia làm bánh sủi cảo
Các đại biểu, thanh niên Việt Nam tham gia làm bánh sủi cảo

 

Gặp “sứ giả thanh niên” Việt Nam

 

Ngày 12/4, đoàn đại biểu đến thăm Học viện Giao lưu Thanh niên Quốc tế (Quảng Tây, Trung Quốc). Trên sân trường là màu áo xanh thanh niên quen thuộc của 20 học viên.

 

Theo giới thiệu, tất cả đều là cán bộ đoàn, gương mặt thanh niên ưu tú đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang theo học lớp đào tạo cấp cao cán bộ thanh niên quốc tế khóa 38 tại Học viện Giao lưu Thanh niên Quốc tế Quảng Tây, Trung Quốc. Những nụ cười tươi rói, bắt tay và lời hỏi thăm thân tình khi nhận ra đồng hương. Tiếng quê hương Quảng Bình, Quảng Nam, Lạng Sơn, Yên Bái... xôn xao một góc sân học viện.

 

Mới học được hai tuần trong tổng thời gian hai tháng đào tạo, Đặng Ngọc Đông (SN 1990, Hưng Yên) bộc bạch: “Được cử sang đây học không chỉ có vai trò cán bộ đoàn, chúng mình sang đây luôn ý thức bản thân là những sứ giả thanh niên Việt Nam sang Trung Quốc để tìm hiểu, học hỏi những nét tinh hoa văn hóa truyền thống của bạn, đồng thời giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam cho thanh niên Trung Quốc. Vốn văn hóa phong phú sẽ giúp thanh niên giao lưu, hội nhập tốt hơn”.

 

Ngay từ khi nhập học, các học viên Việt Nam và giáo viên, sinh viên học viện đã có một số hoạt động giao lưu, gắn kết nhau. Trong nhiều hoạt động tập thể nhóm, các học viên đều mặc đồng phục là áo xanh thanh niên; tổ chức các chương trình văn nghệ, sinh nhật bài bản; tập nhảy các bài nhảy dân vũ trên nền nhạc Bài ca sinh viên, Việt Nam ơi... để gắn kết giữa các học viên Việt Nam; đồng thời giới thiệu tới thầy cô giáo, học viên thanh niên Trung Quốc và các nước khác.

 

Ngọc Đông cho biết thêm, trong chương trình đào tạo, các học viên được tìm hiểu những môn văn hóa truyền thống của Trung Hoa như: Nghệ thuật thư pháp, võ kungfu, ẩm thực, một số nghề thủ công... Qua những bài học này, các thầy cô truyền đạt những thông điệp, bài học về sự tự tin, đoàn kết và tính tổ chức, góp phần tạo nên sự năng động, hòa nhập của cán bộ Đoàn.

 

Đến từ Tổng đội Thanh niên Xung phong Quảng Bình, Đặng Anh Trung (SN 1991) cho biết: “Các học viên Việt Nam cũng vừa có dịp tham quan và tìm hiểu văn hóa truyền thống tại một số danh lam thắng cảnh tại Quảng Tây, Trung Quốc cùng với các giảng viên”.

 

Các đại biểu, thanh niên Việt Nam thử sức tại lớp học làm đồ thủ công truyền thống
Các đại biểu, thanh niên Việt Nam thử sức tại lớp học làm đồ thủ công truyền thống

 

Các đại biểu thanh niên và học viên Việt Nam đã có dịp tham gia lớp học về nghệ thuật thư pháp, võ kungfu, làm đồ thủ công truyền thống, âm nhạc dân gian... Nhiều thành viên trong đoàn thích thú khi cầm bút lông và viết những dòng chữ mang ý nghĩa may mắn, họ và tên bằng chữ Trung Quốc; Hát những bài ca hữu nghị thanh niên, dân ca Trung Quốc và học chơi các nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc.

 

Đặc biệt, hơn 100 thanh niên Việt Nam cùng với thanh niên Trung Quốc trực tiếp tham gia học làm bánh sủi cảo - một trong những nét truyền thống của người dân Trung Quốc vào mỗi dịp Tết, người thân trong gia đình sum họp đoàn tụ.

 

Anh Lưu Huyền Khởi - Phó Bí thư khu Đoàn khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Phó Chủ tịch Hội LHTN Quảng Tây, Bí thư Đảng ủy Học viện Giao lưu Thanh niên Quốc tế Quảng Tây mong muốn: “Qua các hoạt động giao lưu này, thanh niên hai nước có thể tiếp tục học tập, tìm hiểu lẫn nhau, tăng cường hữu nghị, thúc đẩy hợp tác, cùng làm người kế thừa của mối tình hữu nghị, hợp tác truyền thống; làm người xây dựng mối quan hệ tương lai của hai nước đóng góp vào sự phồn vinh của hai dân tộc”.

 

Trải nghiệm cuộc sống ở nhà dân

 

Trong hoạt động tìm hiểu văn hóa, đời sống người dân Trung Quốc, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam có thời gian trải nghiệm tìm hiểu nét sinh hoạt thường ngày, bữa ăn gia đình của người dân.

 

Anh Lê Quang Tự Do  - Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết: Hoạt động trải nghiệm cuộc sống nhân dân (homstay) là nét mới trong chương trình gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung.

 

Đến ở, ăn tối và chuyện trò với người dân góp phần giúp các đại biểu hiểu hơn về phong tục tập quán, đời sống thường ngày của nhân dân. Qua đó, tạo sự gần gũi gắn bó trực tiếp hơn giữa thanh niên với người dân”.

 

Đoàn đại biểu chia thành nhiều nhóm nhỏ để đến với hàng chục gia đình Trung Quốc đang sinh sống tại thành phố Nam Ninh. Nhóm chúng tôi có dịp đến thăm nhà anh Trần Lâm Phong (SN 1974), tọa lạc bên dòng Ung Giang.

 

Đón nhóm chúng tôi trước cổng nhà, anh Lâm Phong đã dành tặng những bó hoa tươi cho các đại biểu. Theo phong tục của người bản địa khi đón khách quý, chủ nhà tặng cho mỗi đại biểu quả cầu may mắn. Quả cầu được làm thủ công với những đường kim mũi chỉ cẩn trọng, màu sắc bắt mắt và dòng chữ “Thuận buồm xuôi gió”.

 

Gia đình anh có hai vợ chồng và ba con nhỏ. Anh quê ở Quảng Đông, vợ là người Tân Cương. Trong bữa ăn đón tiếp khách đến chơi nhà, nữ chủ nhà khéo sắp xếp đãi khách nhiều món ăn của Tân Cương như thịt dê nướng, mỳ kéo.

 

Qua chị Văn Gia (phiên dịch của đoàn), chúng tôi biết, để nấu món mỳ kéo ngon đòi hỏi phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu, gia vị. Quan trọng nhất là thời gian kéo, tẩm ướp sợi mỳ và nước dùng. Trò chuyện thân tình bên bàn ăn, vợ chồng anh Lâm Phong và các đại biểu đã dành nhiều lời chia sẻ về đời sống gia đình, văn hóa truyền thống của vùng miền; nâng chén chúc mừng sức khỏe.

 

Bên cạnh đó, anh Trần Lâm Phong - một doanh nhân trong ngành bất động sản, từng là Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Tây và đại biểu trong đoàn là doanh nhân về các mô hình, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp... Số điện thoại, địa chỉ mail và những lời hẹn gặp lại nhau ở Quảng Tây và ở Việt Nam cũng được chủ và khách trao nhau.

 

Đến thăm gia đình chị Lương Hạnh Mai (thành phố Nam Ninh, Trung Quốc), anh Đinh Nguyên Vũ – thành viên trong đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam, ấn tượng với sự đón tiếp chu đáo, nhiệt tình và thân thiện của gia chủ.

 

“Gia đình chị Mai đã chuẩn bị nhiều món ăn được chế biến từ vật nuôi, rau quả trong vườn. Đặc biệt, chủ nhà xem việc nấu món ăn cho khách như nấu cho người thân trong gia đình”.

 

Theo Mai Xuân Tùng

Tiền phong