Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 10, khóa X: Nhìn thẳng, nói thật

Tại Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 10, khóa X, hầu hết các đại biểu đồng nhất ý kiến cần khách quan, nói thẳng, nói thật, không tô hồng khi báo cáo, đánh giá công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi trong toàn hệ thống Đoàn.

Không chạy đua thành tích

 

Trong phần lấy ý kiến về xây dựng báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2017, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đề nghị các đại biểu cần đánh giá chính xác, trung thực, phản ánh đúng thực tiễn, các con số phải chuẩn.

 

“Báo cáo, đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, chúng ta cần chỉ ra được những ưu và nhược điểm. Trong đó, lựa chọn được những vấn đề trọng tâm, bức xúc, vạch ra được những tồn tại yếu kém để phân tích, mổ xẻ, tìm phương hướng giải quyết nhằm đạt được hiệu quả cao hơn mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta không ép chỉ tiêu, không khoe thành tích mà cần thực chất và chú trọng vào chất lượng”, anh Vinh nhấn mạnh.

 
Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 10, khóa X: Nhìn thẳng, nói thật
Anh Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ mười, khóa X. Ảnh: Lưu Trinh.
 

Đồng quan điểm, anh Bùi Quang Huy, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Đoàn cho rằng, Đoàn cần nhìn thẳng vào sự thật. “Để có được cái nhìn toàn diện và chính xác nhất, ngoài việc đọc báo cáo văn bản của cơ sở Đoàn, T.Ư Đoàn cần có sự khảo sát thực tiễn và kiểm tra ngẫu nhiên. Trong đó, Ban Tổ chức T.Ư Đoàn có trách nhiệm phát huy vai trò của mình để thẩm định thông tin một cách chính xác nhất”, anh Huy nói.

 

Anh Lê Quang Tự Do, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn cho rằng: “Khi đi công tác cơ sở, chúng tôi trực tiếp nghe và thấy rất nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc từ đoàn viên thanh niên địa phương. Thế nhưng, khi nhận được báo cáo từ Đoàn cơ sở gửi về (qua nhiều khâu thẩm định khác nhau), chúng tôi ít khi thấy đề cập đến những hạn chế đó.

 

Có chăng chỉ được nhắc đến bằng những cụm từ chung chung”. Theo anh Lê Quang Tự Do, Đoàn cơ sở không nên e ngại khi nói đến những hạn chế, yếu kém của mình. “Giữa T.Ư và địa phương cần có sự tương tác, trao đổi thường xuyên với nhau khi đánh giá một vấn đề. Những tồn tại, yếu kém có thể vạch ra bằng những gạch đầu dòng nhưng cần đầy đủ, chi tiết”, anh Do nói.

 

Theo chị Nguyễn Thị Ngà, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, Đoàn còn thiếu sự nhạy bén. “Thực tiễn cho thấy, trong khi chúng ta đang loay hoay trên văn bản thì thực tiễn ở cơ sở Đoàn đã có nhiều đổi khác, các bạn đoàn viên thanh niên đã tự hình thành cho mình một trào lưu mới”.

 

Theo chị Ngà, để đánh giá nhanh nhạy, chuẩn xác công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, ngoài việc căn cứ vào văn bản báo cáo, ý kiến góp ý, khảo sát bằng phiếu, Đoàn nên tổ chức một số hội nghị chuyên đề, những cuộc đối thoại trực tiếp với bạn trẻ.

 

Giáo dục gắn liền với thực tiễn sinh động

 

Cho ý kiến về Đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2013 - 2020”, anh Hoàng Quốc Thưởng, Bí thư Tỉnh Đoàn Hải Dương cho rằng, Đề án chủ yếu đề cập đến thanh thiếu niên, trong khi thiếu nhi là một đối tượng giáo dục quan trọng chưa được đề cập đến.

 

Các sản phẩm để giáo dục chỉ mới hướng đến thanh niên, còn thiếu niên chưa có. “Muốn giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách tốt cho các em, chúng ta phải chú trọng giáo dục các em từ rất sớm, từ khi các em bắt đầu bước vào lớp 1”, anh Thưởng nói.

 

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên là một nội dung vô cùng quan trọng. Vì thế, mọi chương trình hành động, hoạt động đều hướng đến giáo dục các bạn trẻ.

 

Theo anh Vinh, hiện Đoàn cũng sáng tạo tổ chức được nhiều nội dung, phương thức giáo dục gần gũi, sinh động, dễ thấm cho thanh thiếu niên như: Hội thi “Ánh sáng soi đường”, các hoạt động hướng về biển đảo.

 

Anh Vinh cũng cho rằng, giáo dục thông qua những hoạt động gắn liền với thực tiễn đời sống luôn tạo được hiệu quả cao. “Điển hình như việc bán dưa hiện nay của các bạn trẻ giúp bà con nông dân Quảng Ngãi là một trong những hành động không chỉ có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tinh thần tương thân, tương ái mà còn tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng”, anh Vinh nói.

 

Theo Lưu Trinh

Tiền phong