Hội chứng “teen thờ ơ”

Có những điều rất cụ thể, gần gũi lẽ ra bạn nên biết thì hầu như bạn lại không quan tâm. Tớ cá rằng những dẫn chứng tớ đưa ra dưới đây về bệnh thờ ơ của tuổi teen, nhiều bạn sẽ giật mình và thốt lên: Trúng phóc “tim đen”! Vậy thờ ơ là bệnh gì?

Những dẫn chứng cụ thể:

 

- Mai khoe với các bạn: “Tối nay sinh nhật bố tớ. Bố hứa sẽ đưa cả nhà đi ăn bánh pizza và mỳ Ý ở Vincom”. Hoa suýt xoa: “Ôi, ngon tuyệt!”. Hương hỏi: “Bố cậu năm nay bao nhiêu tuổi vậy?”. Mai gãi đầu, gãi tai: “À, ờ, hình như… mà tớ cũng chẳng biết nữa. Chỉ biết hôm nay là sinh nhật bố tớ thôi”.

 

- Hùng kể với bạn bè rằng: “Mình biết bơi là nhờ hè vừa rồi được về quê nội chơi. Mấy anh con nhà bác đã dạy mình tập bơi ở sông. Nước sông vừa trong vừa mát”. Cường chẹp miệng: “Cậu thật là sướng. Có quê để về. Mình chưa bao giờ được ra khỏi thành phố. Mà quê cậu ở đâu vậy? Sông mà cậu tập bơi là sông gì?”. Hùng ớ người: “Mình về nhiều lần rồi, nhưng toàn được bố đưa về bằng ôtô nên cũng chẳng để ý. Cả con sông ấy nữa… cũng không thấy ai nhắc đến tên, nên tớ không rõ…”.

 

- Nhà Ngọc ở tầng 1, ngay đầu nguồn nước nên cứ mở vòi là nước chảy xối xả. Rửa bát, chén, thay vì hứng nước vào chậu, Ngọc cứ xả vòi cho nước chảy vô tư đến khi rửa xong thì thôi. Một bác ở tầng trên xuống chơi, thấy vậy nói: Cháu có biết những nhà tầng trên thiếu nước trầm trọng không, gạn từng giọt, tiết kiệm từng ca vẫn không đủ dùng đấy. Ngọc vô tư trả lời: Đấy là việc của tầng trên. Nhà cháu có thiếu nước đâu mà phải tiết kiệm!

 

- Cô giáo ra đề văn kể về tiết học đầu tiên của năm học mới và thêm một câu hỏi lấy điểm nâng cao: “Em cho biết bác bảo vệ trường mình tên là gì?”. Cả lớp nháo nhác hỏi nhau và đều lắc đầu. Ngày nào cũng gặp bác bảo vệ ít nhất hai lần khi đến lớp và tan học nhưng chưa bạn nào hỏi tên bác ấy là gì, bao nhiêu tuổi, bác ấy làm việc ở trường mình đã bao nhiêu năm rồi?

 

Ly về nhà kể lại với bố mẹ và được biết: Bác ấy tên là Hưng, đã làm việc ở trường hơn 30 năm, từ thời bố mẹ Ly là học sinh trường ấy! - Một thông tin thật thú vị, vậy mà suốt 3 năm học qua, bây giờ Ly mới biết. Nếu Ly biết trước thông tin ấy thì thể nào cũng rinh về điểm 10.

 

Để không biến mình thành người vô tâm:

 

- Thật đáng trách khi bạn bỏ khá nhiều thời gian để tìm hiểu tường tận về ca sĩ thần tượng của mình, về bộ phim đang ăn khách, về mốt thời trang của mùa thu năm nay… nhưng lại tỏ ra thờ ơ với những người thân thiết, những công việc cụ thể hàng ngày. Từ việc thờ ơ, bạn sẽ trở thành người nhạt nhẽo, ích kỷ và thiếu hiểu biết. Vì thế, để trở thành con người hoàn hảo, bạn nên quan tâm đến tất cả những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất, nhưng đôi khi lại rất quan trọng và cần thiết.

 

-  Thay vì ngồi lỳ trước màn hình tivi, bạn có thể ra sân hóng mát cùng ông (bà), trò chuyện, hỏi han thời tuổi trẻ ông (bà) sống thế nào? Công việc ông (bà) đã từng làm? Quê ông (bà) ở đâu? Có bị bệnh gì không… Những câu hỏi ấy vừa tỏ rõ sự quan tâm của cháu với ông (bà), vừa giúp bạn hiểu biết thêm về một thời quá khứ (biết đâu, sẽ giúp bạn làm văn hay hơn chẳng hạn);

Bạn cũng cần phải biết bố (mẹ) bao nhiêu tuổi, đang làm nghề gì, cơ quan ở đâu, sở thích của bố (mẹ) là gì để khi có ai hỏi thăm, bạn có thể trả lời rõ ràng, trơn tru; Khi khách đến chơi, thay vì một lời chào gọn lỏn rồi bỏ lên phòng riêng, bạn nên ngồi lại một chút trò chuyện để biết người ấy quan hệ với gia mình như thế nào? Nhà ở đâu?... Lần sau, nếu người ấy đến mà bố (mẹ) đi vắng, chắc chắn bạn sẽ dễ dàng tiếp đón hơn...

 

- Có thể bạn cho rằng, những điều ấy không biết cũng chẳng sao. Tất nhiên! Nhưng nếu bạn muốn được khen là đứa con hiếu thảo, học trò giỏi giang thì bạn không thể thờ ơ với những dẫn chứng tớ vừa kể trên. Hôm nay bạn thờ ơ với những điều bạn cho là nhỏ nhặt, không quan trọng, ngày mai, bạn sẽ thờ ơ với những điều lớn lao hơn… Vô hình chung, bạn trở thành con người vô tâm, vô cảm đấy!

 

 

Theo Gia Đình & Trẻ Em