Học xong đại học về quê nuôi lợn rừng!

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM, Đỗ Mạnh Hùng (SN 1991) về quê Thái Bình mở trang trại chăn nuôi lợn rừng Thái Lan ở xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Quyết tâm khởi nghiệp từ chăn nuôi

 

Trước khi về Thái Bình mở trang trại, Mạnh Hùng dành nhiều thời gian đi thăm các trang trại trong Nam để tìm hiểu thị trường, giá cả, đặc tính con giống hay khả năng thích nghi của từng con vật với môi trường ngoài Bắc.

 

Với số vốn 100 triệu đồng tiết kiệm sau 3 năm làm việc tại TPHCM, anh Hùng vay thêm ngân hàng để mua ruộng mở rộng diện tích kết hợp chăn nuôi và trồng trọt.

 

Mới đầu, anh Hùng chỉ nuôi gà, vịt nhưng rủi ro liên tiếp ập đến. Sau 3 tháng làm trang trại, một cơn bão lớn khiến đàn gia cầm chết sạch, thiệt hại 300 triệu đồng. Sau đó, anh tiếp tục đầu tư nuôi 3 nghìn con vịt nhưng cũng chết hết vì bị dịch.

 

Không nản, anh Hùng đến các tỉnh: Hòa Bình, Hải Dương, Bắc Giang… để học hỏi mô hình chăn nuôi tìm hướng đi cho mình. Cuối cùng, anh quyết định đầu tư nuôi giống lợn rừng nhập ngoại từ Thái Lan, với 50 con đầu tiên.
 
Anh Hùng đang chăm sóc đàn lợn trong trang trại.
Anh Hùng đang chăm sóc đàn lợn trong trang trại.

 

Anh Hùng cho biết: “Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại lợn, song lợn rừng Thái là loại có nhiều ưu việt. Thức ăn của chúng 95% là thức ăn xanh nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Hơn nữa, lợn có sức đề kháng tốt, tỷ lệ nạc cao nên giá thành sản phẩm cao”.

 

Để có được những con lợn rừng khỏe mạnh, anh Hùng phải tuân thủ quy trình phòng chữa bệnh cho đàn lợn. Từ một tuần đến 10 ngày sẽ phun khử trùng một lần, tiêm vắc xin cho lợn theo ngày tuổi và theo chu kỳ, 4 tháng sẽ tiêm nhắc lại vắc xin phòng tai xanh, lở mồm long móng.

 

Khẩu phần ăn phải theo công thức để đảm bảo thành phần nạc mỡ của lợn. Anh còn có phương pháp chăm sóc riêng. “Khi bắt đầu nuôi lợn rừng, mình tìm hiểu những loại cây nào có thể dùng làm thức ăn cho lợn và phát hiện ở úc, cây chè khổng lồ là nguồn thức ăn phổ biến cho chăn nuôi gia súc. Cây làm tăng hàm lượng đạm, thịt lợn thơm hơn. Từ đó, mình đã nhập giống cây này về trồng”, anh Hùng nói.

 

Không chỉ có phương pháp riêng trong việc tạo ra khẩu phần ăn phù hợp với đàn lợn, anh Hùng còn chọn lọc 50 con lợn rừng bố mẹ có gien gốc thuần chủng để nhân giống.

 

Hiện tại, trang trại của anh có 400 con lợn rừng Thái Lan thuần chủng. Với giá bán trung bình 200 nghìn đồng/1kg, mỗi năm anh thu 900 triệu đồng lợi nhuận từ lợn rừng.

 

Mô hình phát triển kinh tế ở địa phương

 

Sau 3 năm phát triển và mở rộng, đến nay mô hình VAC khép kín trang trại của anh Hùng được hoàn thiện với tổng diện tích là 3ha gồm khu chăn nuôi và trồng trọt cây ăn quả.

 

Anh Hùng cho biết đã thiết kế hệ thống xử lý chất thải khoa học, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến bà con địa phương.

 

Tổng thu nhập cả trang trại của anh Hùng trong 1 năm khoảng hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân trong vùng áp dụng mô hình của mình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

 

Ông Ngô Ngọc Chiêm, Chủ tịch UBND xã Thụy Sơn, Thái Thụy, Thái Bình cho biết: “Hùng là người đầu tiên xây dựng mô hình nuôi lợn rừng Thái lớn nhất tỉnh.

 

Chúng tôi cũng khẳng định đây là một trong những mô hình kinh tế điển hình của thanh niên ở địa phương, đi đầu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương trong xã.

 

Sắp tới các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đoàn viên thanh niên nên đến tham quan mô hình để học tập”, anh Nguyễn Đức Thuận, Phó Bí thư Huyện Đoàn Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nói.

 

Theo Nguyễn Hoan

Tiền phong