Học xong 12 là phải…chia tay?

Teen cuối cấp đều có điểm chung, đó là chuyện tình cảm có chút ảnh hưởng bởi áp lực học tập.

Sau đây là 3 “kịch bản” phổ biến, thường xảy ra đối với các cặp đôi 12 và kết quả có thể dự đoán trước một cách dễ dàng. Bạn có thể tham khảo và thử xem chuyện của mình gần giống với “kịch bản” nào, và bạn có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ họ.

 

Kịch bản 1

 

“Mình quen bạn gái được gần 1 năm, thông qua một nhóm bạn chơi chung. Ban đầu bọn mình hay đùa giỡn, chọc ghẹo cho vui, sau đó cô nàng…chủ động thể hiện tình cảm với mình, và mình đồng ý.

 

Đến nay hai đứa vẫn dành thời gian quan tâm nhau bên cạnh việc ra sức học tập cao độ cho kì thi đại học trong vài tháng tới. Bọn mình gặp nhau hàng ngày (cùng trường mà), cùng nhau học, cùng nhau chia sẻ và động viên khi gặp khó khăn.

 

Hai đứa thi hai trường đại học khác nhau nhưng sau này khi lên đại học nhất định vẫn sẽ cùng đi học chung, đi chơi chung, hay giúp đỡ nhau nếu có thể. Bọn mình có khá nhiều điểm giống và hợp nhau (do cùng môi trường học tập, cùng chơi chung nhóm bạn)”, Trần Long Thuận (lớp 12 trường THPT Nguyễn Công Trứ, Q.Gò Vấp)

 

Dự đoán: Cặp đôi này khá bền, khả năng chia tay rất khó. Bởi vì họ nhất quán trong tư tưởng và có niềm tin dành cho nhau. Lên đại học càng tạo cơ hội cho cả hai xây dựng tình cảm.

 

Cách kể của Thuận cũng khá tự tin, điều này cho thấy suy nghĩ của anh chàng và bạn gái đều chững chạc, nên họ sẽ không chia tay nhau chỉ vì không còn học chung dưới một mái trường.

 
Học xong 12 là phải…chia tay?

Áp lực học tập cuối cấp và hoài bão tương lai ít nhiều ảnh hưởng tới tình cảm hai người. (ảnh minh họa)
 

Kịch bản 2:

 

“Mình có tình cảm với một anh chàng…nhỏ hơn 1 tuổi, cùng trường. Bạn đó học chuyên Vật lý nên giỏi lắm, lại có má lúm đồng tiền dễ thương, thường xuyên lên nhận giải thưởng toàn trường nên mình bắt đầu chú ý, rồi thích khi nào chẳng hay.

 

Lớp mình học nằm ở hành lang ngay trên lớp bạn đó nên 1 lần bạn đó tình cờ nhìn lên, mình đánh bạo làm quen luôn. Bọn mình trò chuyện với nhau ăn ý, hay quan tâm nhau, khá thân thiết, nhưng lời yêu có vẻ khó nói.

 

Vì bạn ấy học cực giỏi nên phải chú tâm học, còn mình thì bận cho đợt thi cuối cấp”, Lương Khả Tú (lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo, Phan Thiết)

 

Dự đoán: Khả năng chia tay của họ rất lớn, vì cả hai không hề hẹn ước điều gì và đây chỉ là một thoáng rung động nhẹ nhàng, đến nhanh rồi đi nhanh. Khi Tú vào đại học thì anh chàng kia lại bắt đầu học 12. Họ sẽ không có thời gian đâu dành cho chuyện tình cảm.

 

Hơn nữa, theo như những gì Tú kể thì cậu bạn kia xem việc học như lẽ sống, nên dù cho sau này khi cậu ấy trở thành sinh viên thì việc “tái hợp” lại là chuyện rất nan giải.

 

Kịch bản 3:

 

“Bọn mình hiện đang rất khắng khít và hạnh phúc, vì học cùng lớp và chia sẻ cho nhau mọi điều. Tuy nhiên, mình không dám nghĩ đến tương lai. Bởi vì sau khi mình thi đại học xong, bạn ấy sẽ đi du học.

 

Bạn ấy bảo rằng sẽ cố duy trì tình cảm, và mình cũng thế. Bạn bè đều bảo với bọn mình rằng: “Rồi cả hai sẽ không bền đâu”. Nhưng bọn mình mặc kệ và cố nuôi dưỡng tình cảm khi còn ở bên nhau”, Trần Minh Trí (lớp 12 trường THPT Nguyễn Công Trứ, Q.Gò Vấp)

 

Dự đoán: Nếu cô bạn ấy đi du học, liệu tình cảm dành cho Trí có còn như trước, hay khoảng cách sẽ làm tình yêu trở nên mờ nhạt? Tình cảm của Trí có thể không thay đổi, nhưng còn cô nàng kia thì thế nào?

 

Bên cạnh nhau đôi khi chưa thể giữ được tình cảm, huống hồ lại phải cách xa nhau như vậy. Nỗi sợ hãi đi kèm với sự thiếu tin tưởng thường dẫn đến hiểu lầm và xích mích. Và khoảng thời gian giữa việc “quen nhau” và “chia tay” thường không quá lâu.

 

Theo Mực Tím

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm