Học từ việc “khoe”… thất bại

(Dân trí) - Không diễn giả nối tiếng, cũng không có sự tham gia của những chuyên gia dạy kỹ năng sống. Chỉ là một buổi trò chuyện của những người đồng trang lứa để mỗi người “nếm trải” lại chính sự thất bại của bản thân và của những người khác.

Đó là buổi trò chuyện “Bài học từ thất bại” do các bạn sinh viên trong nhóm Delta Viet tổ chức tại một tiệm cà phê ở quận Tân Bình (TPHCM) sáng 18/1. Đơn giản vậy nhưng nhưng thu hút hàng trăm bạn trẻ đến để “khoe” sự… thất bại của mình.
 
Học từ việc “khoe”… thất bại - 1
Hàng trăm bạn trẻ dự buổi thảo luận "Bài học về thất bại".

Thất bại nào ảnh hưởng lớn nhất đối với bạn?

Các bạn trẻ cùng thảo luận đề tài: “Thất bại nào có ảnh hưởng lớn nhất đối với bạn, khiến bạn phải suy nghĩ trong một thời gian dài? Sự thay đổi nào ở bạn từ đó về sau?”

Từ những chia sẻ của các bạn trẻ cho thấy phần lớn thất bại đầu đời để lại nhiều dấu ấn nhất với họ đều liên quan đến việc học. Có những thất bại tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng khi được giãi bày và “mổ xẻ” thì mới “thấm” hết tầm quan trọng.

Thất bại đầu đời và cũng “sốc” nhất đối với Nguyễn Văn Tùng, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Bách khoa, là việc thi rớt kỳ thi học sinh giỏi năm lớp 10. Thêm nữa, Tùng còn bị phân tâm khi thấy gia đình người bạn gái cùng lớp bất hòa. “Mình tìm mọi cách giúp cô bạn vượt qua cú sốc nhưng cuối cùng bản thân lại bị cuốn vào những cuộc ăn chơi. Muốn giúp người nhưng lại không tự chủ bản thân nên mình đã trả giá”, Tùng thú nhận.

Phan Văn Nghĩa, sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cũng nhìn nhận thất bại từ việc học. Nghĩa thành thật: “Mình quá tự mãn ở sức học của bản thân, kết cục là rớt “thê thảm” trong một kỳ thi mà mình chắc chắn là đỗ”.

Có những thất bại nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân như hoàn cảnh của Thu Quỳnh, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV: Ba mẹ Quỳnh mất sớm, hai chị em ở cùng dì. Em trai của Quỳnh 17 tuổi rất ngang ngạnh và quậy phá. “Mình đã làm mọi cách để thay đổi, cảm hóa em nhưng không được. Với mình đó là thất bại”, Quỳnh chia sẻ.

Thất bại để thành công

Chủ đề thứ hai của buổi trò chuyện là: “Thất bại là tiền đề cho những thành công về sau? Hãy chứng minh điều đó bằng những gì bạn đã trải qua và chia sẻ”.

Trong phần này, câu chuyện của Nguyễn Thu Hiền, sinh viên Trường ĐH Văn hiến, được quan tâm nhất. Hiền là con gái của một gia đình giàu có, vào đại học cô bắt đầu tập tành kinh doanh nhưng không đến đâu. “Tớ đã từng nghĩ mình không bao giờ là kẻ thất bại”. Hiền nói.

“Hiền quá tự tin nhưng chính điều đó lại là nguyên nhân thất bại”, một bạn trẻ góp ý. Hiền đồng tình: “Chính lúc đó tớ mới có những giây phút chùng xuống, nhìn lại bản thân để biết rằng mình sai ở chỗ nào. Những thứ mà trước đây do quá tự cao nên mình không nhìn nhận được”.
 
Học từ việc “khoe”… thất bại - 2
“Bàn tròn” cùng thảo luận về sự thất bại.

Anh Trọng, một doanh nhân trẻ, mô tả hai dạng thất bại khiến nhiều bạn trẻ “gật gù” đồng tình: “Hôm trước, trên đường đi bạn bị té do vấp phải ổ gà - đó là nguyên nhân khách quan. Hôm nay đi, bạn lại bị vấp té đúng chỗ đó, bởi ổ gà đó, đây là nguyên nhân do bạn chủ quan”.

“Mỗi lần thất bại là một bước tiến gần hơn đến thành công. Nhưng quan trọng là phải dám nhìn thẳng vào sự thất bại đó của mình để dám đối đầu, vượt qua và chinh phục nó”, anh Trọng nói.

Không “đao to búa lớn”, buổi thảo luận rất gần gũi, thiết thực với mỗi bạn trẻ. “Chúng mình sẽ tổ chức thảo luận định kỳ mỗi tháng một lần với các chủ đề khác nhau. Đó không chỉ là nơi giãi bày, tâm sự của mỗi người trẻ với bạn bè cùng trang lứa mà còn để các bạn tìm ra con người, đam mê của mình cũng như bạn đồng hành cùng mình”, bạn Lê Việt Hồng, trưởng nhóm DeltaViet cho hay.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm