Học trò yêu bạo: Phá tan hố ngăn thầy - trò

Thẳng thắn chia sẻ là phương pháp hiệu quả giúp học sinh tự tin tiếp cận kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản một cách đúng hướng.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Phú Yên vừa tổng kết mô hình “cùng chia sẻ” do Trung tâm Nghiên cứu giới, môi trường và gia đình trong phát triển (CGFED) cùng Bộ GD-ĐT triển khai vào năm 2013. Phú Yên là tỉnh duy nhất trong cả nước được chọn thí điểm phương pháp giáo dục giới tính (GDGT) này.

 

Thầy ngại, trò xấu hổ

 

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, GDGT, còn gọi là giáo dục sinh sản vị thành niên, đã được đưa vào chương trình giảng dạy từ bậc THCS đến THPT 7 năm nay. Tuy nhiên, sở đánh giá kết quả GDGT mang lại không cao do còn khoảng cách rất lớn giữa thầy và trò.

 

Trong 1 buổi dạy về cơ chế hoạt động của bộ phận sinh dục nam cho học sinh (HS) cuối cấp ở Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa), khi thầy giáo bắt đầu vẽ trên bảng, bỗng có tiếng cười khúc khích, rồi đến khi không thể nhịn được, cả lớp cười ồ. Thầy giáo cũng đỏ mặt, bỏ phấn, đứng cười.

 

“Sao vẽ tới chỗ ấy ngại dữ vậy? Lớp cứ xầm xì giống của bạn này, bạn kia làm bạn ấy đỏ mặt. Cả lớp lại không nhịn được cười”, Nguyễn Diên Thịnh, HS lớp 9E, kể.

 
Học trò yêu bạo: Phá tan hố ngăn thầy - trò
Một buổi giáo dục giới tính theo mô hình mới tại Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên (Ảnh do Trường THPT Nguyễn Huệ cung cấp)
 

Cao Thị Diễm Quỳnh, HS cùng lớp, cho rằng tuổi các em cần biết điều đó. “Thế nhưng, đưa lên lớp giảng dạy thì xấu hổ sao ấy. Để chúng em tự tìm hiểu trên báo, internet là được rồi. Chứ dạy như vậy thì thầy cô cũng ngại, đâu có hỏi; chúng em thì mắc cỡ cũng đâu có phát biểu. Thầy cô cứ nói cho hết giờ thôi”, Quỳnh nói.

 

Thầy Nguyễn Xuân Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, nhìn nhận GDGT như hiện nay không phù hợp. “Bản thân HS xấu hổ đã đành, thầy cô cũng ngại, nhất là những thầy cô trẻ. Thế nên dạy rồi, học rồi nhưng nói thật cả thầy và trò cũng chỉ hiểu về giới tính một cách mù mờ”, thầy Sơn chia sẻ.

 

Ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết GDGT là chương trình được đưa từ nước ngoài vào nên cần thay đổi một số nội dung và cách giảng dạy để phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. “Cách mà chúng ta đã làm vừa qua là không ổn” - ông Thư nói.

 

Thẳng thắn chia sẻ

 

Cũng theo ông Thư, nhận ra sự bất ổn trong phương pháp GDGT ở trường học nên Bộ GD-ĐT đã phối hợp với tổ chức CGFED thí điểm mô hình “Cùng chia sẻ” ở các trường THPT tỉnh Phú Yên.

 

“Cùng mục đích giúp HS hiểu rõ sức khỏe sinh sản nhưng với mô hình này, cả hình thức truyền đạt lẫn nội dung bài giảng đều thay đổi. Giờ học GDGT biến thành buổi sinh hoạt lớp hay một sân chơi hơn là tiết dạy. Tài liệu giảng dạy được soạn như một câu chuyện chứ không giống giáo trình”, ông Thư nói.

 

Trong giờ ra chơi, một nhóm HS lớp 10TL6, Trường THPT Nguyễn Huệ tìm đến cô giáo sinh học Lương Thanh Huệ để hỏi cho rõ về thời gian tinh trùng tồn tại trong trứng. Đó là điều chưa từng xảy ra trước đây.

 

“Trọng tâm của phương pháp này là phải phá vỡ ngăn cách giữa thầy và trò. Phương pháp ấy tạo thế chủ động trong tiếp cận đối với HS; đôi khi đổi ngôi, trò hỏi còn mình mới là người trả bài”, cô Huệ nói vui.

 

Để HS tự tin, chủ động tiếp cận kiến thức, chương trình GDGT tích cực này đã “chọc” đúng tâm lý muốn khẳng định bản thân, muốn làm người lớn của tuổi học trò khi truyền đi thông điệp: Bạn chỉ có thể trưởng thành khi bạn hiểu rõ giới tính của mình và những người xung quanh.

 

“Khi HS thấy cần thiết phải tìm hiểu, tôi sẽ cung cấp tài liệu để các em chia nhóm thảo luận làm sáng tỏ vấn đề. Trong lúc thảo luận, chỗ nào các em chưa rõ thì giáo viên sẽ giúp”, cô Huệ nói thêm.

 

“Chúng em hiểu rằng bạn bè xung quanh đều giống mình. Ai cũng có 1 bộ phận sinh dục với cơ chế hoạt động tương tự và có thể lây nhiễm một số bệnh nếu không được bảo vệ. Vậy thì sao mình phải ngại để tìm hiểu cặn kẽ về nó?”, Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, HS lớp 10TL6, tâm sự.

 

Thầy Trần Thế Công, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, cho rằng chương trình đã thành công khi làm thay đổi nhận thức của giáo viên, HS và cả nhà trường về GDGT. “Cách mà chúng ta dạy GDGT trước đây là sự truyền đạt một phía khiến cả thầy và trò đều giữ kẽ. Phương pháp này truyền đạt đa chiều, chủ động hơn nên đạt hiệu quả cao”, thầy Công nói.

 

Theo ông Thư, mới đây, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên cử 15 cán bộ, giáo viên ra Hà Nội để truyền đạt lại phương pháp GDGT “Cùng chia sẻ”. Sau khi đánh giá cao phương pháp này, Bộ GD-ĐT cho biết năm 2014 sẽ triển khai trong cả nước nhằm thay đổi phương pháp GDGT trước đây. “Riêng ở tỉnh Phú Yên, bắt đầu từ năm 2014, chúng tôi cũng sẽ triển khai giảng dạy phương pháp đó đến tất cả học sinh THCS”, ông Thư khẳng định.

 

Đâu thể cấm học trò yêu

 

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho rằng sở dĩ học trò yêu sớm, yêu bạo dẫn đến nhiều hệ lụy như hiện nay do ảnh hưởng từ việc phát triển sớm về tâm sinh lý. Theo ông Hùng, không ai khuyến khích việc yêu đương trong môi trường học đường. “Tuy nhiên, không thể áp dụng biện pháp quá cứng nhắc để xử lý học trò yêu đương mà cần phải từng bước giáo dục bằng nhiều cách”, ông Hùng nói.

 

Theo thầy Trương Văn Tám - một giáo viên phổ thông ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa - chúng ta không thể cấm các em yêu bởi càng cấm càng khó. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải làm cho các em hiểu được vấn đề giới tính, tình dục là như thế nào để tiếp cận, tiếp nhận một cách lành mạnh, trong sáng.

 

“Đó mới là điều chúng ta nên làm hiện nay. Chứ cứ đưa ra quan điểm này, quan điểm kia, không cho yêu khi đang học hay chưa đủ lớn là không cần thiết ở một xã hội phát triển như hiện nay”, thầy Tám nhìn nhận. (B.Vân - T.Minh)

 

Theo Hồng Ánh

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm