Học trò và sex: “Thử” ngay trong trường!

Giờ chơi, tại một trường THCS ở quận 3 (TPHCM), một nhóm học sinh cả nam lẫn nữ xúm xít ở một góc khuất cuối sân. Giữa vòng tròn, hai nhân vật chính một nam một nữ đang chơi trò oẳn tù tì. Sau mỗi đợt tù tì, người thua bất kể nam hay nữ lại... cởi một nút áo. Những chiếc nút áo liên tục được cởi ra...

Tìm hiểu và... thử

Trò chơi rất may đã kịp dừng lại trước khi cô bạn gái, dáng dấp trông đã khá phát triển, kịp cởi những chiếc nút... chính diện vì bị giám thị phát hiện.

Chuyện không cá biệt, một vài giáo viên (GV) cho biết: “Trò này xưa rồi. Ở trường tôi (một trường THCS điểm khá nổi tiếng của TP) cũng có lần bắt gặp trường hợp HS bán trú buổi trưa rủ nhau oẳn tù tì... cởi”.

Cũng may trò chơi này chưa phổ biến lắm có lẽ vì nó ồn ào dễ gây sự chú ý của giám thị, nhưng việc tìm hiểu sex từ Internet của những cô cậu học trò lại khá quen thuộc. Một GV tin học tại một trường THPT bán công kể: “Đang giờ học Internet tôi cứ thấy một HS mặt mày đờ đẫn rất lạ. Hết giờ, khi HS ra khỏi lớp, tôi kiểm tra lại máy của em, trên mạng còn lưu lại một địa chỉ mới truy cập. Mở thử, tôi giật cả người trước những tấm ảnh diễn tả những cảnh quá nóng. Đây chính là lý do giải thích cho hành vi lạ lùng của cậu HS”.

Cô cũng cho biết thật ra nhà trường cũng có máy chủ để kiểm tra HS trong những giờ học mạng, nhưng lại không đủ người để có thể ngồi kiểm tra liên tục nên mới lọt lưới. Sự việc này thật sự cần chú ý khi hiện nay môn tin học đã được đưa vào giảng dạy đại trà ở các trường cấp II, III và hầu như nhiều trường THPT ở TPHCM cũng đã nối mạng Internet.

Có lần, chị lao công của một trường THCS chìa cho xem một vật nhỏ với lời thì thầm “vừa nhặt được ở nhà vệ sinh nam”: một bao cao su đã dùng vẫn còn vương chứng tích.

“Chẳng lẽ em nào đó dám sử dụng trong trường, hay chỉ là một trò đùa nào đó của HS nam?”, chị lao công đặt vấn đề. Thắc mắc của chị cũng không cá biệt khi tại một trường THPT ở Phú Nhuận, một vài phụ huynh đã sửng sốt khi nhìn thấy cũng vật ấy đang treo lơ lửng trên một cành cây trong sân trường.

Hiện nay dù nhiều trường đã có phòng tư vấn sức khỏe sinh sản nhưng kiểu xuất hiện như vậy rõ là không bình thường. 

Khảo sát mới đây ở trường THPT tại TPHCM cho kết quả: 4,55% HS khối 10; 5,04% HS khối 11; và 6,8% HS khối 12 nhìn nhận từng quan hệ tình dục với người khác giới.

Lồng ghép và ngoại khóa

Một trường THPT ở nội thành TPHCM đã mạnh dạn thực hiện một cuộc khảo sát bỏ túi. Kết quả nếu công bố có thể khiến các bậc cha mẹ phải giật mình.

 

17,7 - 27,42% HS cho biết từng xem phim ảnh sex, trong đó 27,4% xem qua phim ảnh, 23,32% qua Internet, 17,7% qua ảnh chụp.

 

Tỷ lệ này tăng dần theo độ tuổi, lớp 10 chỉ có 18,2%, qua đến lớp 11 tăng lên 26,9% và lớp 12 là 35,9%, trong đó, nam thể hiện sự tò mò nhiều hơn nữ.

Hai năm nay, với chương trình THCS mới, nội dung giáo dục giới tính được dạy lồng ghép vào chương “Sinh sản” môn sinh học lớp 8. Cách học cũng được thay đổi theo hướng tích cực hơn, GV tổ chức các hoạt động tìm hiểu. Chủ yếu giáo dục HS “thay đổi hành vi”; hiểu thế nào là sống lành mạnh, có kỹ năng từ chối...

Còn ở THPT, năm học 2005-2006 này chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản của Viện Chiến lược Bộ GD-ĐT mới được đưa vào chương trình học cũng bằng việc dạy lồng ghép vào ba môn văn, sinh, địa (chương trình THPT mới).

Tuy lồng ghép khá bài bản, số lượng môn được dạy lồng ghép nhiều nhưng kết quả còn tùy thuộc nhiều vào việc GV đưa vào đến mức độ nào, nhấn nhá ra sao.

Ngoài ra, nhiều trường ở TPHCM đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tư vấn giáo dục giới tính cho HS. Nhưng hoạt động này không phải lúc nào cũng tỏ ra hiệu quả.

Một phụ huynh HS than phiền: “Trường THPT của con tôi phối hợp với một công ty sản xuất các mặt hàng vệ sinh phụ nữ tư vấn giáo dục giới tính cho HS. Mới nghe thì hay nhưng thực tế lại phản tác dụng, khi việc tư vấn diễn ra trước hàng trăm HS cả nam lẫn nữ dưới sân trường khiến nhiều nữ sinh, trong đó có con tôi, sượng sùng giấu mặt không muốn nghe, nói chi tới việc đặt câu hỏi nhờ tham vấn. Sau buổi tư vấn, đơn vị tài trợ phát mỗi nữ sinh vài “miếng” sản phẩm của công ty”.

Riêng việc có nên đưa giáo dục giới tính cho HS vào chương trình như một môn học chính thức tại nhiều nước, ông Lê Ngọc Lập - chuyên viên phòng trung học Sở GD-ĐT TPHCM - cho rằng: “Việc giáo dục giới tính cho HS cần nhiều yếu tố: gia đình, nhà trường, y tế, xã hội... Riêng đối với ngành giáo dục, theo tôi, chỉ nên đầu tư vào các hoạt động ngoại khóa cho đa dạng, thiết thực, sinh động, phù hợp tâm sinh lý HS và làm đều tay. Nếu đưa vào chương trình thành một môn học chính sẽ kéo theo điểm số, đánh giá, đội ngũ GV... nặng nề thêm cho HS”.

Theo Kim Liên
Tuổi Trẻ