Học trò Sài Gòn “máu” kinh doanh

Muốn mua một đĩa CD, một tấm thiệp ý nghĩa tặng bạn bè, hay đơn giản chỉ là tờ báo, học sinh có khi không cần phải ra tiệm. Trong trường, trong lớp đã có sẵn những “nhà cung cấp dịch vụ” rất tận tình.

Nhà cung cấp, nhà tiếp thị áo trắng

Có một cửa hàng báo bé xíu xiu chỉ bán đúng ba loại báo: Mực Tím, Hoa Học Trò, Nguyệt San Sinh Viên 2! vừa ra đời tại Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TPHCM) một, hai tháng nay mà chủ nhân là bốn gương mặt học trò tại chỗ: Lâm Nguyên Hải (10A22), Trần Ngọc Song Hoàng (10A23), Phạm Thị Như Quỳnh (10A17) và Bùi Minh Huy (11A26).

Họ bảo: “Tập làm việc trong giờ rảnh”. Cụ thể bốn bạn chia nhau hai ca sáng, chiều, trực bán báo ngay tại văn phòng Đoàn trường. Sau một tháng làm ăn, mỗi bạn được chia 120.000đ lãi ròng. Hải phấn khởi: “Gần như không ảnh hưởng đến học hành, bớt thường xuyên xin tiền ba mẹ. Oai hẳn lên”. Quỳnh cho biết thêm: “Nếu không có vài trục trặc nhỏ do thiếu kinh nghiệm như bị mất báo, bán ế, không trả báo kịp thì tụi mình sẽ lời thêm chút nữa”.

Trong cặp của Tiêu Văn Long, lớp 11A8 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) luôn có sẵn vài đĩa CD “1.000 cuốn sách hay”, mặt hàng độc quyền mà Long chuyên bán cho bạn bè. Bạn kể: “Một ngày đẹp trời, có một chị dễ thương từ Trường Dược đến văn phòng Đoàn trường tìm người làm đại lý tiêu thụ. Chọn mặt gửi vàng, chị đã tuyển một nhân sự xuất sắc là... mình (!)”.

Một cái đĩa giá 10.000đ, nhỏ gọn mà chứa cả trăm cuốn sách hay. Chỉ cần cài đặt Acrobat Reader (có sẵn trong đĩa) là có thể có ngay một thư viện thu nhỏ trong máy tính của nhà với nhiều chủ đề: văn học nghệ thuật, lịch sử, tin học, sách học ngoại ngữ…

“Lúc đầu, ba sợ mình bán đĩa có nội dung xấu nhưng chính mình đọc và tiếp thị đĩa cho gia đình. Bây giờ ba mẹ yên tâm rồi” - nhà phân phối đĩa này hào hứng. Thật ra anh chàng cao kều, mảnh khảnh như cây sậy này từng có thâm niên đi bán hoa, làm thiệp.

“Cái chính vẫn là vui nhưng mình đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trên thương trường: phải hiểu rõ mặt hàng, làm cho người mua vừa lòng, lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng để nâng cấp đĩa cho tốt hơn...”.

Thử sức học trò

Cùng sở thích mày mò máy tính và... làm ăn, Lê Thế Hiển (12C tin) và Đặng Quốc Hưng (12D5) Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cặm cụi sản xuất tranh dán, móc khóa. Hưng cho biết mình thân với máy tính từ lớp 6, nhưng chơi game là chính! Bị hớp hồn bởi “nhan sắc” các nhân vật trong truyện tranh Nhật Bản như Final fantasy, Kingdom heart..., Hưng nảy ra ý nghĩ muốn có chân dung nhân vật để ngắm!

Hưng còn biết thêm nhiều bạn bè của mình, đặc biệt là nữ sinh, cũng cùng “gu” như mình. Hưng vạch kế hoạch in hình các nhân vật này thành móc khóa, tranh dán và hợp tác với Hiển bán cho các bạn, giá bằng chợ nhưng hình thì “độc đáo hơn n lần”.

Kinh doanh được hai, ba tháng, hai nhà kinh doanh này cười thú thật: “Lời lãi chẳng thấy gì hết”. Năm nay, Hưng dự định thi vào khoa kinh tế Đại học Quốc gia để tha hồ “vẫy vùng” kinh doanh. Hưng khẳng định “lúc đó mình sẽ kinh doanh thật sự đấy!”.

Trong số “kinh doanh cho vui” này còn có hai cô bạn Lý Thu Vân và Nguyễn Thị Thuận Thảo, 12A3 Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), với mặt hàng thiệp làm thủ công (hand-made). Mỗi tấm đều độc nhất vô nhị vì khách hàng học sinh mà, khó tính số một. Thảo, Vân khám phá sự khéo tay của mình từ một lần nhận được món quà của người quen: “Giấy và phụ liệu để làm một cái gì đó”.

Họ thử làm thiệp và tự thấy có trình độ. Những mẫu đầu tiên vừa giới thiệu đã có bạn hỏi mua làm cả hai “phổng mũi”. Càng về sau, khách hàng càng nhiều hơn vì “tụi mình dán quảng cáo ở văn phòng Đoàn trường, giới thiệu với lớp, ở lớp học thêm và... năn nỉ bạn bè bán giùm”.

Hội trại mừng xuân của trường vừa qua, cả hai nhà nữ quản lý rinh nguyên cả gian hàng bán đồ lưu niệm vào ngồi rao mời bạn bè “dẻo quẹo”. Kết quả? Vân cười rất tươi: “Được lớp tin tưởng, tự hào lắm. Nhờ thiệp hết đó”.

Rồi công bố kế hoạch kinh doanh mới: “Tiền lời bán thiệp chia mỗi người một phần đủ để... ăn chè, bò bía, yaourt..., còn phần lớn để làm vốn mua nguyên liệu cho đợt sau”.

Theo Hồng Vân
Tuổi Trẻ