Học ngôn ngữ của yêu thương

(Dân trí) - Những âm thanh không nghe được, những câu nói không có tiếng, tất cả tạo nên ngôn ngữ tĩnh - ngôn ngữ cử chỉ, đang thu hút rất nhiều bạn trẻ theo học trong nhịp sống sôi động và gấp gáp hiện nay.

Ngôn ngữ tĩnh không hề... tĩnh

 

Ngôn ngữ cử chỉ là ngôn ngữ chữ cái và chữ số ước hiệu để giao tiếp với nhau, có thể biểu đạt chính xác những từ mà bạn muốn nói bằng cử chỉ và hành động. Quan trọng hơn, để biểu đạt ngôn ngữ này, bạn phải chú ý đến nét mặt vui hay buồn, thân thiện hay không,…

 

Theo chân những bạn trẻ, chúng tôi đến phòng học ngôn ngữ tĩnh tại văn phòng của diễn đàn Người khuyết tật Việt Nam. Lớp học với hai thầy cô giáo, hơn 20 bạn trẻ, không có tiếng giảng giải, nói chuyện nhưng tất cả rất chăm chú say sưa với bài học của mình, kèm theo những tiếng cười ngạc nhiên thú vị.

 

Thanh Nam (Công ty Thuỷ sản Hạ Long) đang tập chỉ cần lắc mình một chút, tay đưa lên đưa xuống, nét mặt rạng rỡ hứng khỏi để nói từ “nhảy”. Nếu hai tay bạn để trước ngực, bàn tay khum lại như đang gõ bàn phím, mọi người sẽ biết ngay đó là cái máy tính.

 

Bạn muốn rủ ai đó đi chơi, chỉ cần để ngón cái và ngón út xoè ra, các ngón còn lại cụp vào, đưa hai tay sát lên má, gần cằm, lắc lắc. Miêu tả đất nước Việt Nam, ngón trỏ và ngón giữa xoè ra như chữ V, vẽ từ trên xuống dưới, như chữ S.

 

Các bạn trẻ vẫn say sưa nhất học từ “I love U”, chỉ cần đưa ngón tay chỉ vào mình, hai ngón tay lồng lên nhau, lòng bàn tay úp vào nhau. Thế là bạn đã thổ lộ xong tình cảm rồi đấy.

 

Các bạn trẻ thường gọi đùa đây là ngôn ngữ “nói bằng cả trái tim”. Sử dụng ngôn ngữ tĩnh, bạn không hề được “tĩnh” tẹo nào. Ban đầu, các bạn trẻ phải học miêu tả các chữ cái, ghép vần.

 

Để “nói” những câu dài hơn, hoặc hát một bài chỉ bằng cử chỉ hành động, bạn phải rèn luyện rất nhiều. Trí tưởng tượng của người học phải phong phú, con người thật linh hoạt, chân tay luôn “khua khoắng” để tìm cách biểu đạt suy nghĩ. Sự liên tưởng giữa hình ảnh và từ ngữ khiến bạn luôn phải vận động để giao tiếp với người cùng ngôn ngữ.

 

Từ tò mò đến yêu thích

 

Minh Thương (ĐH Sư phạm) ban đầu theo học lớp này chỉ vì thích mê mệt ngôn ngữ cử chỉ giống trên phim, có gì đó lãng mạn một chút. Nhưng khi theo học ngôn ngữ này thật sự, bạn mới thấm thía được hết ý nghĩa của ngôn ngữ này.

 

Ngôn ngữ không chỉ đơn giản là lãng mạn, mà còn hữu ích trong việc dạy học sau này của Thương. Thùy Linh (Khoa Sinh - ĐHKHTN) đi học ban đầu vì tò mò. Khi tiếp xúc với lớp học, Linh càng ấn tượng với thầy cô giáo.

 

Hai thầy cô giáo đều khiếm thính, nhưng luôn tận tình giảng giải cho các bạn. Thông qua sự học hỏi và giao lưu, Linh đã hiểu hơn về cuộc sống của thầy cô và người khiếm thính. Cách diễn đạt bằng cử chỉ tạo cho người đối diện cảm giác chân thật và tình cảm hơn bằng lời nói.

 

Học ngôn ngữ này, Linh đã học được cách diễn đạt cảm xúc nhiều hơn.

 

Nguyễn Phương Thảo (K48 Khoa Tâm lý, ĐH KHXH&NV) theo học được hai tháng và quyết định sẽ chọn đề tài làm luận văn là cách giao tiếp của người khuyết tật. Không chỉ yêu thích ngôn ngữ này, Thảo còn muốn những gì mình học được sẽ giúp ích phần nào cho người khiếm thính. Họ có trí tưởng tượng rất phong phú, họ chỉ không có cơ hội thể hiện mà thôi.

 

Đa phần, các bạn trẻ mới đầu chỉ thử học ngôn ngữ vì nó rất lạ. Nhưng càng học càng hay, họ cảm nhận ngôn ngữ cử chỉ như học tiếng Anh, tiếng Pháp. Từ sự tò mò ban đầu, lớp học ngôn ngữ cử chỉ ngày càng có nhiều bạn trẻ theo học vì sự yêu thích và những việc làm suy nghĩ tích cực hơn.

 

Tinh thần ngôn ngữ tĩnh

 

Bài học lớn nhất trong lớp ngôn ngữ tĩnh là sự yêu thương và chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Không chỉ học, các bạn trong lớp đã trở thành những phiên dịch cho người khiếm thính ở chi hội người khuyết tật. Tất cả những hoạt động đó hoàn toàn tự nguyện, để những người khuyết tật không bị cảm thấy cô lập giữa xã hội.

 

Anh T.Lâm (Viện nghiên cứu phát triển cảng Nhật Bản), học viên từ những ngày đầu cho biết: “Tiếp xúc với những người khiếm thính, bằng ngôn ngữ cử chỉ, mình cũng cảm nhận được họ có rất nhiều suy nghĩ và vô tư. Hy vọng có thể tham gia được nhiều hoạt động hơn nữa, để thấy việc học này thật sự hữu ích”.

 

Hiện tại anh Lâm đang viết một giáo trình hướng dẫn cho người Việt Nam học ngôn ngữ ký hiệu, chia sẻ kinh nghiệm để từ một người chưa biết có thể học được một cách tốt nhất và nhanh nhất.

 

Thầy Trần Ngọc Tuấn và cô Nguyễn Thuỳ Linh (Trường dạy nghề Hoa Sữa) mỗi buổi dạy 2 tiếng và tiền thù lao ít ỏi chỉ với một mong muốn: “Tôi hy vọng mọi người có thể nắm bắt được ngôn ngữ ký hiệu rồi người bình thường phiên dịch cho người khiếm thính”.

 

Xa hơn nữa, thầy Tuấn còn muốn đào tạo được nhiều phiên dịch để có thể giúp đỡ người khiếm thính ở các trường ĐH, toà án, công an, các dịch vụ xã hội, họ có thể hoà nhập cộng đồng hơn.

 

Người khiếm thính cũng muốn được đóng góp cống hiến cho xã hội, ngôn ngữ cử chỉ chính là một phương tiện hiệu quả cho họ. Nếu ngày càng có nhiều người học ngôn ngữ này, nhất là các bạn trẻ thì những điều người khiếm thính mong muốn chắc chắn sẽ thực hiện trong nay mai.

  Nam Hải