“Học lỏm” từ những Kỷ lục gia

Bạn có thể gõ muỗng và chơi nhạc cụ tự chế như những kỷ lục gia nếu bạn kiên trì tập luyện và coi thất bại là chuyện nhỏ...

“Vua muỗng” dạy bạn vài chiêu…

 

Con trai của GS. Trần Văn Khê, GS. Trần Quang Hải là một chuyên gia âm nhạc châu Á, từng được mời thỉnh giảng tại 70 quốc gia trên thế giới. Theo lời kể của ông, từ năm 5 tuổi, ông đã học cách gõ muỗng và bất ngờ nhận ra từ những chiếc muỗng đã tạo nên những âm thanh truyền cảm khi mình có ý đồ nghệ thuật.

 

Nhờ sự điêu luyện cộng với kiến thức sâu sắc về nhạc học, ông là người đi sâu tìm tòi, cống hiến những phong cách, kỹ thuật gõ muỗng bài bản, đa dạng. Nếu những chiếc muỗng bình thường chỉ có thể gõ kêu keng keng đơn điệu thì trong tay TS. Trần Quang Hải, đó lại là một ban nhạc độc đáo đấy bạn ạ.

 

Chả thế mà, trong ngày hội Kỷ lục gia lần thứ 20 của trung tâm Sách kỷ lục Vietbooks, bác ấy được phong danh hiệu người có khả năng thể hiện nghệ thuật gõ muỗng đa dạng nhất.

 

Bạn có thể học vài chiêu để biểu diễn cho ai kia “lác mắt”. Vua muỗng chỉ bạn nghệ thuật gõ muỗng này, bắt đầu từ kỹ thuật căn bản, bạn bẻ hai muỗng hơi cong, cho chúng đối vào nhau, lấy ngón tay trỏ để vào chính giữa hai cán và nâng lên cho hai chiếc muỗng không đụng đậy tạo một khoảng cách khoảng 2,5mm để tạo nên cao độ.

 
“Học lỏm” từ những Kỷ lục gia - 1
 

Từ kỹ thuật ban đầu này, những chiếc muỗng được khai triển thành nhiều cách gõ khác nhau như với 2 hoặc 3, hoặc 4, hoặc 5 ngón tay, rồi kéo lên hết cánh tay hay đánh lên đùi, khuỷu tay, đánh lên miệng, đánh thành bài bản... theo những tiết tấu, nhịp điệu riêng.

 

Khi đã thuần thục, quen tay, tự khắc bạn sẽ làm chủ được giai điệu sẽ có thể thể hiện các điệu nhạc một cách đa dạng từ jazz, pop, đến techno, hiphop, flamenco như TS. Trần Quang Hải cũng nên. Riêng phần đánh lên miệng, dùng răng để tạo âm thanh lạ bạn phải thật cẩn trọng vì có thể xảy ra tai nạn nghề nghiệp, bạn nhé!

 

Bài học căn bản này đã được bác ấy giới thiệu cho thanh thiếu niên nhiều nước trên thế giới. Các bạn trẻ khắp nơi đều rất lấy làm lạ lẫm, thú vị khi tiếp xúc với một trong những “món” nghệ thuật độc đáo của VN.

 

Bác Hải từng nói vui, với những chiếc muỗng trong tay đi đến đâu cũng không sợ đói! Điều này xuất pát từ câu chuyện có thật, một lần đi ăn phở ở TP.HCM, trong thời gian chờ chủ quán đưa phở ra, bác ấy bỗng “ngứa nghề” biểu diễn với 2 chiếc muỗng.

 

Chủ quán phở được dịp mắt tròn mắt dẹt thưởng thức và tặng luôn bác hai chiếc muỗng và hai tháng ăn phở miễn phí. Trong số 300 chiếc muỗng thuộc bộ sưu tập muỗng phong phú từ nhiều quốc gia mà bác Hải có, có những chiếc gắn với câu chuyện thú vị, giản dị như thế.

 
Học cùng Phù thuỷ âm nhạc

 

Chú Mai Đình Tới, guiness thế giới là người có nhiều nhạc cụ tự chế nhất xuất thân là nhạc công chuyên thổi sáo và kèn tại Nhà hát Tuồng Trung ương. Trong một lần xem đồng nghiệp của mình đánh trống bằng ba cây dùi, chú ấy đã lóe lên một ý tưởng táo bạo: tại sao không bắt miệng thổi sáo, chân đánh trống?

 

Nghĩ là làm, chú ấy ròng rã tập luyện ròng rã 7 năm trời!. Không dễ chút nào khi bắt cả chân và miệng, tay cùng hoạt động một lúc. Năm 92, chú ấy đoạt Huy chương bạc cuộc thi Diễn tấu nhạc cụ toàn quốc với tiết mục thổi sáo - đánh trống chân. Bài học thứ nhất chú ấy muốn bật mí với bạn: Cần quyết tâm và khổ luyện với tinh thần là “biến cái không thể thành có thể” bạn nhé!

 
“Học lỏm” từ những Kỷ lục gia - 2
 

Từ thành công này, chú Tới được đà, ngày đêm sáng tạo nên những nhạc cụ độc đáo: Một cánh cửa kính cũ bị vứt đi được chú biến hình thành cây đàn có giai điệu đẹp như guitar; chai nước ngọt, ống nước bằng nhựa lại biến tấu thành tiếng sáo lúc trầm lúc bổng; những chiếc chén tưởng chỉ có thể đựng đồ ăn lại được chú mài dũa vang lên những âm thanh đàn đá từ đại ngàn, thậm chí, bóng đèn neon kéo lên hệt đàn cò, đàn nhị...

 

Với những nhạc cụ tự chế này, chú ấy có thể chơi hay và chuẩn xác mọi giai điệu, mọi thể loại âm nhạc, từ dân ca, nhạc trẻ đến nhạc quốc tế, cổ điển đến hiện đại. Điều lạ kì là, những nhạc công chuyên nghiệp, nghệ sĩ chuyên nghiệp khi đưa những nhạc cụ đặc biệt này đều khó khăn trong việc thể hiện.

 

Không ít lần chú Tới phải "ôm" những tai nạn do mê nhạc. Có lần, đang biểu diễn thì chính nhạc cụ "đàn chai" tự chế của chú gây hoạ khiến chú sưng vều môi, máu chảy nhỏ giọt sau một cú lướt môi trên chai.

 

Ngoài những tai nạn “xương máu” này chú ấy còn cho biết, nếu may mắn thì phải cả chục lần thử nghiệm chú ấy mới có được thành công, cho ra lò những nhạc cụ không đụng hàng. Thậm chí có khi sau nhiều ngày mày mò tự chế… chẳng ra cái gì cũng là chuyện thường tình.

 

Bài học thứ hai chú Tới muốn gửi gắm bạn: “Hãy coi thất bại là chuyện nhỏ, làm gì có ai thành công mà không thất bại dăm ba lần”. Chú Tới còn hứa hẹn, một ngày gần đây chú ấy sẽ truyền bí kíp chơi nhạc từ những li nước (đổ nước nhiều mức độ khác nhau vào những li nước để tạo ra nhạc cụ”. Bật mí bạn nhé, đây là một trong những ngón nghề theo chú ấy là không khó nhưng cùng với đàn chén, lại được rất nhiều người yêu thích đấy.

 

Theo Mực Tím