Hoạt động tình nguyện cần “chuyên môn hoá” để đạt hiệu quả cao
(Dân trí) - Một số giải pháp từ thực tiễn hoạt động tình nguyện tại địa phương được đúc kết và đề xuất với T.Ư Đoàn để tăng cường hiệu quả của hoạt động tình nguyện: sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, “chuyên môn hoá’ hoạt động tình nguyện…
Ngày 28/8, trong khuôn khổ Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức 5 diễn đàn: “Thanh niên hội nhập”, “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên rèn đức”, “Thanh niên khởi nghiệp”, “Thanh niên sáng tạo”. Trong đó, diễn đàn có chủ đề “Thanh niên tình nguyện” được tổ chức tại Quận ủy Tây Hồ, Hà Nội.
Diễn đàn đàn thu hút những thanh niên tiên tiến có hoạt động tích cực, năng nổ trong lĩnh vực hoạt động tình nguyện trong những năm qua. Qua diễn đàn này, các cá nhân xuất sắc trong hoạt động tình nguyện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ cả nước. Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng chủ trì diễn đàn này cùng gần 100 đại biểu thanh niên tiên tiến.
Nói về vấn đề tập hợp thanh niên làm tình nguyện, đại biểu Đỗ Thị Thúy Hằng – Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Đồng Tháp cho rằng, cần tổ chức các hoạt động tình nguyện và huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia gắn với chuyên ngành học.
Chị nêu ra tình hình cụ thể tại ĐH Đồng Tháp: Đoàn thanh niên tổ chức chương trình “Cùng nông dân ra đồng” dành cho bạn trẻ học khoa Tài nguyên Môi trường, tổ chức cho sinh viên theo chuyên ngành kinh tế hoạt động tham quan mô hình kinh doanh, giao lưu với doanh nhân thành đạt...
CLB Kỹ năng tình nguyện của ĐH Đồng Tháp từ 200 sinh viên khi thành lập, đến nay đã có hơn 800 thành viên và phải chia thành các nhóm nhỏ để hoạt động… Nhờ “chuyên môn hoá” hoạt động tình nguyện, hiệu quả công việc sẽ tăng lên rất nhiều.
Đại biểu Nguyễn Duy Ngân – Bí thư Đoàn TP Hà Tĩnh cũng cho rằng cần tập hợp thanh niên theo đội, nhóm, câu lạc bộ gắn với năng lực của đoàn viên niên và nhu cầu của từng địa bàn.
Anh Duy Ngân đề xuất tuyên truyền các hoạt động Đoàn, Hội qua mạng xã hội cần có sự kết nối giữa các tỉnh, thành Đoàn với T.Ư, cũng như giữa các câu lạc bộ, đội, nhóm; tùy đặc thù chuyên môn nghề nghiệp để tổ chức các hoạt động tình nguyện vừa phát huy năng lực vừa nâng cao tính hiệu quả, bền vững của chương trình.
Đại biểu Cao Thị Hải Vân – Phó Chủ tịch Hội LHTN TP Đông Hà (Quảng Trị), Chủ nhiệm CLB Kỹ năng thanh niên và Công tác xã hội chia sẻ tại diễn đàn về cách thức gây quỹ để tổ chức các hoạt động thiện nguyện.
Chị Vân cho biết tổ chức các câu lạc bộ, đội nhóm nhỏ gắn với các hoạt động chuyên môn như CLB Du ca có các hoạt động biểu diễn văn nghệ, CLB Tình nguyện xanh có hoạt động quyên góp thu mua phế liệu, sách báo cũ để bán lấy kinh phí.
Đại biểu Trần Thế Cường – Bí thư Đoàn cơ sở Trại giam Thủ Đức (Đoàn TN Bộ Công An) chia sẻ về mô hình quyên góp trong chi Đoàn mỗi ngày 1 nghìn đồng. Từ số tiền quyên góp này, chi Đoàn đã ủng hộ xây dựng được căn nhà trị giá 160 triệu đồng. Mô hình này đã được nhân rộng ra khắp các chi Đoàn khác.
Các đại biểu đến từ nhiều địa phương đã tiếp thu ý kiến đóng góp của những đại biểu nói trên, cùng thảo luận về tính ứng dụng của các ý tưởng trong thực tiễn. Qua đó, một số cán bộ Đoàn các dự định sẽ áp dụng những giải pháp mà diễn đàn đưa ra để nâng cao chất lượng hoạt động tình nguyện tại địa phương.
Mai Châm