Hoang mang trào lưu… tự kỉ
Với nhiều teen, tự kỉ là một phần tất yếu của cuộc sống, họ kêu gọi “phong trào” tự kỉ đúng cách, tự kỉ tích cực… Chuyện gì đang xảy ra với họ vậy?
(Ảnh minh họa)
Ám ảnh của 2 từ “tự kỉ”
Mấy ngày đầu năm học, TH (lớp 10 trường THPT Phan Châu Trinh) đến giờ giải lao là hay ngồi một góc, không muốn tiếp xúc với ai. Bạn bè xung quanh cứ chỉ trỏ nhỏ to “nhỏ í tự kỉ rồi” khiến cô bạn đâm lo.
TH đã đem nghi ngờ của mình lên trang hỏi đáp của Yahoo, và cô bạn càng hoang mang khi nhận được câu trả lời: “Vậy thì bạn bị tự kỉ rồi, tình trạng của bạn cũng đáng báo động đấy!”. Từ đó TH bị ám ảnh với từ “tự kỉ”, ở đâu lúc nào trong đầu bạn cũng hiện lên ý nghĩ “mình là con bé tự kỉ” nên càng khó mở miệng bắt chuyện với bạn bè. Không những thế TH cứ cho rằng bạn bè không thích nên mới lạnh nhạt với mình, khiến TH càng buồn và mặc cảm.
Khi ba mẹ đưa TH đi khám bác sĩ tâm thần, thì ra bạn chỉ bị tâm lý khó thích nghi mới môi trường mới, thường hay gặp với nhiều tân binh lớp 10 khác, nhất là những bạn trầm tính. Nhưng theo bác sĩ thì nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm. Tuy nhiên, đến giờ TH đã cải thiện được tình hình, cởi mở hơn với bạn bè. TH được một phen hú vía chỉ vì những lời “chém gió” vô tư của bạn bè.
Định nghĩa của teen về tự kỉ?
Khi hỏi nhóm teen trường THPT Nguyễn Công Trứ có hay “tám” về chủ đề “tự kỉ” không, các bạn nhanh nhảu đồng thanh “nói hoài à”. Nhưng khi hỏi tự kỉ là gì, thì thấy mỗi bạn hiểu theo một nghĩa khác hẳn nhau. Như Thủy Tiên (lớp 11) cho rằng đó là một dạng của tự sướng, teen rảnh quá ngồi một mình có những hành động dở hơi chẳng giống ai và quay phim chụp hình lại. Còn T. Hòa (lớp 10) thì hiểu rằng tự kỉ là một bệnh không muốn tiếp xúc với xung quanh, và có nhiều bạn có triệu chứng “giông giống” vậy thì chọc chơi thôi.
Tuy nhiên, các bạn đâu biết với những lời “chém gió” giỡn chơi như vậy, gặp những teen vốn nhạy cảm hay thiếu tự tin khi nghe vậy rất dễ bị ám ảnh và nghi ngờ bản thân mình, gây những tác động tiêu cực không lường trước được.
Tự kỉ và 1001 kiểu biến tướng
Không riêng TH, cứ teen có biểu hiện buồn chán, ru rú một mình là bị bạn bè “chẩn đoán” bị tự kỉ. Teen còn có thú vui… quay phim những khoảnh khắc bí xị của bạn bè và quăng lên Youtube “quảng bá” bạn mình bị tự kỉ. “Nhảm” nhất là clip tự sướng của 3 teen nữ diễn tả các “triệu chứng tự kỉ” phát tán khắp cộng đồng mạng. Các nàng ăn mặc cực xì-tai, ôm gấu bông, ngậm kẹo mút, vừa đọc sách vừa nói hát lẩm nhẩm một mình, mắt thì lúng la lúng liếng. Mỹ Ngọc (16 tuổi, Q. Tân Phú) nhận xét: “Các bạn ấy giả vờ tự kỉ để gây ấn tượng và để mọi người chú ý đến mình thì có.”
Bên cạnh việc “chém gió” bạn, rất nhiều teen đụng một tí là gào lên “mình bị tự kỉ rồi”, với 1001 các kiểu biến tướng.
“Hôm nay phải ở nhà một mình, chắc tự kỉ toàn thân đây!”
“Chán, đừng chờ đèn đỏ 1 phút lại lên cơn tự kỉ”
“Chờ mama 3 tiếng đồng hồ giữa trời mưa, ngồi một mình uống cà phê mà cảm thấy tự kỉ vô cùng…”
Ảnh chụp từ clip "tự kỉ"
Tại sao teen thích đội lốt… tự kỉ?
Một teenboy trên hồn nhiên phán rằng “lâu lâu buồn chán ngồi tự kỉ một chút cũng… vui mà!”.
Một teen girl bào chữa: “Ngồi tự kỉ một mình đâu có sao, mình tự kỉ hoài à, vì mình mít ướt lắm!”.
Rõ ràng, nhiều teen biết mình không hề bị bệnh tự kỉ hoặc/và không biết tự kỉ đúng nghĩa là gì nhưng vẫn “kết” hai từ đó. Facebook đã gây sốc cộng đồng mạng khi mở hội “Những người yêu tự kỉ” với phương châm “Tự kỉ là một phần tất yếu của cuộc sống.” Để mô tả rõ hơn về hội, người sáng lập hội đã giải thích đơn giản dễ hiểu “Tự kỉ là do quá cô đơn và cảm thấy mình không thể hoà nhập cũng như mở lòng với mọi người”.
Chỉ mới mấy tháng mà hội đã quy tụ hơn 500 thành viên, trong đó phần lớn nhận mình “bị tự kỉ” và một số gia nhập vì… ham vui. Thực chất, mọi người vào đây để dốc bầu tâm sự và tìm gặp “những tâm hồn đồng cảnh” mỗi khi có “nỗi niềm riêng” như chuyện tình cảm, gia đình, stress học tập v.v… Và mỗi phát ngôn của họ không quên đính kèm từ khoá “tự kỉ”.
Với nhiều teen, buồn chán đồng nghĩa với việc muốn nghe nhạc hết volume để “quên sầu”. Nắm bắt “tâm tư” này, các thành viên “hội tự kỉ” còn chia sẻ cho nhau những bản e-dosing mới nhất, một thứ được cho là “ma tuý số” đang gây chấn động cộng đồng mạng toàn cầu.
Và đến lúc này, tự kỉ trong ý thức teen không còn là một một căn bệnh của y học, mà nó đã biến tướng thành một trào lưu của giới trẻ muốn chứng tỏ mình cũng biết sống… nội tâm, có tâm hồn nhạy cảm, cũng biết ngồi một mình suy tư, trăn trở?
Nhắn nhỏ cho teen nghi ngờ mình bị tự kỉ
Nếu teen nghi ngờ mình bị tự kỉ thì không nên lên mạng hỏi tuỳ tiện vì bạn sẽ nhận được những câu trả lời “chém gió” khiến bạn hoang mang hơn. Thay vào đó là bạn hỏi những địa chỉ tin cậy như trung tâm tư vấn tâm thần, tư vấn y khoa vì tự kỉ là một căn bệnh cần được chữa trị nghiêm túc.
Tự kỉ là một loại rối loạn tâm thần nặng, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, với các đặc điểm là hạn chế khả năng giao tiếp xã hội, không tiếp xúc qua ánh mắt, không biểu lộ ngôn ngữ cơ thể, không bộc lộ tình cảm với người thân, ngôn ngữ kém phát triển, hay có những hành vi lạ kỳ hay lặp đi lặp lại…
Nhiều bạn cũng hay sử dụng từ “trầm cảm”, “tự kỉ”… để mô tả tâm trạng của họ có vẻ gần giống với một hay hai đặc điểm của bệnh (đương nhiên không phải là bệnh thật). Chẳng hạn một cậu bé tự nhiên thấy hôm nay buồn quá mà không rõ nguyên nhân thì hay nói với bạn bè là mình bị “trầm cảm” rồi, một cô bé tự nhiên thấy hôm nay chán chường, chẳng muốn giao tiếp với ai cũng có thể than vãn là mình đang bị “tự kỉ”… Những trường hợp này nếu cơn buồn hay cơn chán chỉ tồn tại một lúc hay một ngày rồi biến mất thì không sao, tuy nhiên nếu hiện tượng trên kéo dài nhiều ngày thì cần phải đi khám thâm thần hay tâm lý y khoa để được tư vấn tâm lý hay điều trị tâm lý. Cần chú ý là hiện tượng không giao tiếp với người xung quanh có thể là dấu hiệu của nhiều loại bệnh tâm thần ở tuổi thanh thiếu niên như là trầm cảm, tâm thần phân liệt... Còn hội chứng tự kỉ thì thường khởi bệnh lúc còn rất nhỏ.
BS Lê Quốc Nam |
Theo Hoài Anh
Mực Tím