Hoảng hốt nữ sinh đòi kéo chân, phẫu thuật... để "săn" đại gia

(Dân trí) - Người mẹ choáng vàng khi biết cô con gái 16 tuổi ngoan ngoãn, xinh xắn của mình... đặt lịch hẹn độn cằm, nâng mũi tại một trung tâm thẩm mỹ. Theo cháu nói, phải đẹp để "săn" đại gia.

"Chân dài đáng giá ngàn đô"

Chị Hoàng Ngọc Hà, ngụ ở Q.6, TPHCM chưa hết hoảng hốt và không lý giải nổi điều gì đang xảy ra với cô con gái 16 tuổi ngoan ngoãn, vẻ ngoài cũng xinh xắn, cao ráo của mình. 

nusinh.jpg

Nhiều cô gái trẻ đang nhìn sai lệch về giá trị vẻ đẹp hình thể (Ảnh minh họa) 

Chị phát hiện, cháu đã đặt cọc 3 triệu đồng cho hai dịch vụ độn cằm và chỉnh mũi tại một trung tâm thẩm mỹ ở Q.3.

Cũng đôi lần chị nghe con nói ước gì mũi cao hơn, cằm dài thêm một chút thì con... chẳng kém gì hoa hậu, người mẫu nhưng chị không nghĩ nó "ám ảnh" con đến vậy. 

Ban đầu, khi chị hỏi cháu vòng vo chối, nói là... đặt lịch cho bạn. Sau cháu thừa nhận vì cho rằng phụ nữ không cần giỏi, chỉ cần đẹp rồi lấy đại gia thì cuộc đời sống trên nhung lụa. 

"Bố mẹ cấm nên trước mắt, cháu không dám làm nữa nhưng tôi rất sợ trước suy nghĩ của con. Cháu cũng có xu hướng ăn mặc gợi cảm, hở hang không phù hợp với lứa tuổi", chị Hà cho hay và nói rằng sẽ phải quan tâm hơn đến việc định hướng các giá trị cho con gái. 

Cùng chung lo lắng, chị Trần Diệu Linh, ở Q.1, TPHCM cho biết, chị ý thức đến việc giáo dục con gái chăm sóc bản thân, quan tâm đến vẻ ngoài như biết trân quý giá trị bản thân.

Thế nhưng, chị bắt đầu lo lắng khi cô con gái 11 tuổi trau chuốt một cách thái quá, có xu hướng cho rằng mình đẹp nên có quyền và thường đánh giá mọi người qua vẻ ngoài.

Chị đang âm thầm "điều chỉnh" con thì mới đây lại được phen hết hồn khi con bày tỏ khát khao của mình tại lớp học ngoại ngữ là.... có đôi chân dài như siêu mẫu Thanh Hằng. Con gái cũng tuyên bố không chơi với mấy bạn trai con nhà nghèo. 

nusinh2.jpg

Chị Linh trao đổi với con, không ngờ cháu còn đề nghị mẹ góp tiền dần dần để sau này cháu... đi kéo dài chân. Cháu tự tin, đường nét mình không thua ai, chỉ trách hưởng "gen" của bố mẹ nên không cao. Cháu nói: "Chân dài đáng giá ngàn đô". 

Nhiều trường học ở TPHCM, không ít nữ sinh mòn mỏi "cày bừa" trong các cuộc thi hoa khôi, người đẹp, áo dài quy mô từ nhỏ đến lớn không chừa cuộc nào.

Có tiếng nhất là một nữ sinh cấp 3 ở Q.5, chỉ hơn 2 năm "mòn mặt" ở...12 cuộc thi nhan sắc, còn nữ sinh bon chen ở dăm ba cuộc thi thì nhan nhản... 

Xem nhẹ việc học tập, rèn luyện, có những cô gái lao vào các cuộc thi về hình thức kiếm danh hiệu như thể "làm vốn" để vào đời. 

Cái đẹp đang bị nhìn sai lệch 

Một bác sĩ tâm lý ở TPHCM bày tỏ những biến chuyển phức tạp của xã hội làm người lớn đôi khi không kịp giáo dục con trẻ hướng đến các nội lực bên trong.

Chính bố mẹ nhiều khi cũng đang "thái quá" trong việc coi trọng những yếu tố bên ngoài như hình thức, tiền bạc, địa vị... 

Cách nhìn về trai xinh gái đẹp, về sự giàu sang, thành công đang bị nhiều bạn trẻ nhìn lệch lạc. Hình ảnh các cô ca sĩ, hoa hậu, người mẫu... khoe hàng hiệu tiền triệu, cuộc sống xa hoa tác động rất mạnh đến các bạn trẻ. 

Các em nghĩ rằng, chỉ cần có nhan sắc là có được được người này lo, người kia đỡ là có được cuộc sống sung sướng. Họ chưa nhìn thấy rằng sự thành đạt nào bền vững, giá trị cũng cần phải có tài năng, khổ luyện. 

nusinh1.jpg

Vẻ đẹp hình thể cần đi cùng sự đức hạnh và sự tự chủ (Ảnh minh họa) 

GS.TS Thái Kim Lan (GS triết học Phương Đông ở trường Đại học Thành phố Munich, Đức) chia sẻ, cái đẹp của người con gái Việt không còn gò bó trong tiêu chuẩn đẹp vì chồng, vì con, vì gia đình như trước đây. Phụ nữ đang được "cởi trói", ngày càng mạnh mẽ trong việc thể hiện tốt chất "Dung" trong Công - Dung - Ngôn - Hạnh. 

Tuy nhiên, bà cũng ngại ngần cho rằng, ở ta có quá nhiều cuộc thi người đẹp, hoa hậu. Rất nhiều người từ bé đến lớn đều muốn... thành người đẹp, hoa hậu, cách nhìn về cái đẹp đang bị méo mó, sai lệch. 

Theo TS Thái Kim Lan, cái đẹp luôn cần được khuyến khích, trân trọng nhưng chúng ta cần giáo dục cho con trẻ trẻ hiểu cái đẹp cũng phải có phẩm chất.

Chứ hiện nhiều người đang chạy cái đẹp vì người khác như vậy nên mình cũng phải như vậy, đẹp để phô trương, để chinh phục, để toan tính hay để làm thỏa mãn dục tính của người khác. 

"Chúng ta cần dạy con trẻ làm đẹp để trân quý, tôn trọng bản thân và người xung quanh. Cái đẹp đó cần đức hạnh, đi cùng trí tuệ, nhận thức và sự tự chủ của mỗi người mới là dung nhan thuyết phục", bà Lan lưu ý với phụ huynh trong định hướng giá trị vẻ đẹp bề ngoài cho con trẻ. 

Hoài Nam