Hoảng hồn nạn nói tục, chửi bậy tràn lan trong giới trẻ
(Dân trí) - Nói tục đã thành thói quen phổ biến, đáng xấu hổ trong giới trẻ nhưng với không it người, nói tục chỉ bởi ...cho vui.
"Giới trẻ bây giờ rất bạo miệng", đó là lời nhận xét chung của nhiều thế hệ người Việt. Người trẻ không ngại "phun châu nhả ngọc" và khi phát ngôn luôn muốn thể hiện cá tính, cái tôi của bản thân.
Người trẻ có nhiều cách biến tấu tiếng Việt, sử dụng những từ ngữ, cách nói chuyện lạ lẫm đến mức đôi khi người nghe không hiểu gì.
Những từ ngữ tục tĩu trên một diễn đàn mạng xã hội
Nói tục cho... vui
Trên mạng xã hội, nơi giới trẻ vẫn “sinh hoạt” hàng ngày, những lời lẽ tục tĩu, bậy bạ xuất hiện với tần suất chóng mặt.
Trên một fan page có tới 500.000 thành viên, hiện tượng nói tục, nói bậy vô cùng phổ biến. Điều đáng nói là, các bạn trẻ nói tục, chửi thề không phải trong trạng thái bị kích động tinh thần, bức xúc bột phát mà nói… cho vui miệng. Với các bạn, sử dụng từ ngữ tục tĩu giờ đây có ý nghĩa như một cách để nhấn mạnh lời nói của mình.
“Ví dụ như mình nói với bạn “Phim này hay lắm mày ạ” thì không hay mà cũng không ấn tượng như là câu “Phim này hay “vcl” mày ạ””, bạn L.T.T sinh năm 1993 cắt nghĩa.
Khi người viết hỏi vì sao cứ phải nói đệm từ tục tĩu vào thì mới được cho là hay, cậu bạn 9x gãi đầu gãi tai, không giải thích nổi.
Giới trẻ nghiện nói tục tới mức đã có những hội thích chửi bậy được lập ra để chia sẻ sở thích này. Số thành viên của các hội thích chửi bậy lên tới hàng chục ngàn bạn trẻ.
Những hội nói tục, chửi bậy có hàng chục ngàn thành viên, đa số là người trẻ tuổi
...và thành thói quen
Có lần, ngồi ở quán trà đá vỉa hè, người viết nghe thấy tiếng nói chuyện của một đám sinh viên (4-5 người). Một anh chàng trạc 20 tuổi nói: “Đờ mờ, thiếu mỗi nửa điểm mà còn tạch, cô hiểm thật. Môn này mà thi lại thì tao trắng ruột”.
Anh bạn khác hỏi: “Cái lề gì thốn? Mày váng to thế cơ mà. Thôi tối đi quẩy giải đen đi” (…)
Câu chuyện còn kéo dài nhưng người viết không thể theo dõi kịp vì còn mải “vừa nghe vừa đoán”. Phải đem những từ ngữ tiếng Việt không hiểu nghĩa đi hỏi một người em thuộc thế hệ 9x, người viết mới biết rằng “đờ mờ” và “cái lề gì thốn” đều là những lời chửi thề được viết tắt, nói lái; còn từ “quẩy” có nghĩa là đi vui chơi, thường là đi sàn nhảy.
Lối nói chuyện đệm từ chửi tục, từ lóng như thế này khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Bằng chứng là nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ nhưng không ai tỏ ra lạ lẫm hay có thái độ gì với những lời lẽ như vậy.
“Giờ nói chuyện với bạn bè mà thỏ thẻ toàn lời đúng chuẩn tiếng Việt chúng nó cười cho. Những lời đó cũng không bậy gì, chỉ là một cách nói chuyện, một thói quen thôi. Khi nào dùng để chửi người khác mới là nói tục chứ”, bạn H.B.A, 22 tuổi chia sẻ.
Yểu điệu thục nữ còn đâu?
Không chỉ các nam thanh niên mới quen nói tục, chửi bậy. Thời nay, nữ tú còn nói tục, “dẻo miệng” thậm chí hơn cả con trai. Qua rồi cái thời yểu điệu thục nữ, con gái phải dịu dàng, nhỏ nhẹ? Trên nhiều diễn đàn, các cô gái chửi còn hay hơn, đanh đá hơn gấp trăm lần đàn ông con trai. Thậm chí, khi các nàng chửi, đám con trai cũng phải chịu thua.
Con gái nói tục, chửi bậy còn bạo miệng hơn cả con trai
Các nàng không ngại văng tục công khai trên mạng bởi những lời nói ngoa ngoắt ấy còn nhận được tự tán thưởng của cộng đồng. Nếu như trước đây, con gái nói bậy lập tức bị tránh xa thì thời nay, con gái nói bậy còn được cho là cá tính?!
Những tiêu chuẩn về sự trong sáng của tiếng Việt đang bị giới trẻ xô lệch một cách không thương tiếc trong một thời gian dài. Khi mà nói tục, chủi bậy đã trở thành thói quen thì việc loại bỏ nó ra khỏi đời sống hàng ngày cần có những biện pháp triệt để và lâu dài.
Liệu giải pháp nào mới có thể “nhổ rễ” những thói quen xấu xí này ra khỏi đời sống của giới trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung?
M.C