Hoàng Anh Tiến, nhà khoa học tương lai

(Dân trí) - “Tôi quá bất ngờ trước vinh dự này” là câu nói đầu tiên của Hoàng Anh Tiến, một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2007 do Trung Ương Đoàn, Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam bình chọn.

Thủ khoa khối B vào Đại học Huế trong kỳ thi tuyển năm 1997 và chọn Trường Đại học Y khoa (nay là Trường đại học Y Dược Huế), Tiến nhanh chóng trở thành một trong những kỳ vọng của các thầy cô giáo ở đây.

Sinh ra trong một gia đình trí thức, từ nhỏ Tiến đã được đón nhận một nền giáo dục khá hoàn thiện từ những thầy cô giáo của ngôi trường Quốc Học. Làm sinh viên ngay trong trường mà có bố là giảng viên, đây chính là một trong những động lực để cậu luôn phấn đấu, quyết tâm giành thành tích cao trong học tập. Tiến không chỉ học giỏi mà còn là một người năng động trong các hoạt động xã hội.

Thừa hưởng được sự đam mê khoa học từ bố, sự ủng hộ nhiệt tình của mẹ, lại nhận được sự giúp đỡ từ thầy cô giáo trong trường, Tiến đã thực hiện công trình nghiên cứu khoa học đầu đời khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Đề tài Đặc điểm điện tâm đồ ở vận động viên (VĐV) thành phố Huế (hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng) được thực hiện với việc kiểm tra tim mạch cho 220 VĐV. Với công trình này, Tiến và nhóm bạn đã phát hiện một số VĐV bị mắc những bệnh có nguy cơ đột tử cao.

Sau khi được cảnh báo, những VĐV đã chuyển sang ngành khác, hoặc cẩn thận hơn với sức khỏe của mình trong quá trình luyện tập. Đề tài này làm cho Tiến cảm thấy việc nghiên cứu khoa học thật ra càng gần với cuộc sống và tạo cho những người làm khoa học niềm vui trong công việc. Vì sự thiết thực của công trình nghiên cứu, anh đã đạt giải nhì của cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học Vifotec”.

Năm 2003, Tiến vinh dự được kết nạp vào Đảng khi mới 24 tuổi, cũng đúng vào dịp Tuấn tốt nghiệp đại học. Bằng đỏ, Á khoa của khóa học cùng nhiều thành tích trong hoạt động chuyên môn và xã hội, Tiến đựợc giữ lại làm cán bộ giảng dạy và chuyển tiếp cao học. Hiện tại, Tiến đang học nghiên cứu sinh chuyên ngành nội tim mạch.

 
Hoàng Anh Tiến, nhà khoa học tương lai - 1

Năm 2007, có lẽ là năm thành công nhất của người bác sĩ vừa tròn 28 tuổi khi anh “đựợc mùa” về nghiên cứu khoa học. Cùng lúc đạt 3 giải thưởng: hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải nhì Vifotec với đề tài “So sánh giá trị tiên lượng của N-Terminal Pro B-type Natriuretic Peptide (NT-ProBNP) và phân độ Killip ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp”, giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật với giải pháp: “Kết hợp máy ghi âm với ống nghe để phát hiện hội chứng ngưng thở lúc ngủ (Sleep Apnea Syndrome), giải nhất hội nghị khoa học trẻ trường Đại học Y dược Huế lần thứ 14 với đề tài: “Nghiên cứu hội chứng ngưng thở lúc ngủ bằng máy SASD-07 tự tạo”.

Đặc biệt với đề tài này, Tiến đã đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân: Dùng máy theo dõi nhịp thở tự tạo SASD-07 (Sleep Apnea Syndrome Detective) để phát hiện hội chứng ngưng thở lúc ngủ (một hội chứng còn mới mẻ ở Việt Nam)...

Ngoài giảng dạy ở trường, Tiến còn tham gia khám và điều trị tại Bệnh viện thực hành của Trường đại học Y Dược Huế, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế. Đây cũng là môi trường cho anh thực hiện những dự định ấp ủ cho tương lai… Ngoài ra, anh còn nghiên cứu nhiều đề tài có giá trị khác như: “Đánh giá sự biến đổi nồng độ NT-ProBNP ở đợt cấp của suy tim mạn”, Đề tài được giải nhì tại hội nghị tim mạch miền Trung mở rộng lần thứ 3 và được đánh giá cao do chất chỉ điểm tim mạch NT-ProBNP trước đây vẫn chưa được nghiên cứu nhiều.

Từ những thành công này, anh đã ứng dụng trong tiên lượng bệnh nhân suy tim, nhằm có thái độ xử trí tích cực để hạn chế tần suất tái nhập viện và nguy cơ tử vong. Các đề tài như “Xây dựng chương trình đánh giá kiến thức sinh viên y khoa hệ 6 năm bằng phần mềm lập trình authorware”, giải nhất hội nghị khoa học trẻ các trường Đại học Y Dược toàn quốc 2004, Nghiên cứu vai trò tiên lượng của luân phiên sóng T trên điện tâm đồ (TWA) ở bệnh nhân suy tim, Giải 3 hội nghị khoa học trẻ Trường Đại học Y Dược Huế 2008…

Bận rộn với công việc giảng dạy, điều trị, nghiên cứu khoa học, Tiến vẫn thường theo đoàn bác sĩ của trường đi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo vùng sâu vùng xa của TT Huế. Với Tiến, chặng đường trước mắt của anh vẫn đầy những ẩn số. Ẩn sâu bên trong niềm đam mê nghề nghiệp vẫn là tấm lòng của một trí thức trẻ muốn góp phần nhỏ bé cống hiến cho xã hội… và để tri ơn công sinh thành nuôi dưỡng của vùng đất sinh ra, nuôi dưỡng anh thành tài.
 
Hương Giang