Hoa khôi Tràng An: Mạnh mẽ đón Tết đầu xa nhà
(Dân trí) - Sau gần 5 tháng đặt chân tới ngôi trường nghệ thuật danh giá đất Mỹ - Oberlin, cô bạn Hoa khôi Tràng An xinh đẹp, tài năng Trần Khánh Linh có cuộc trò chuyện thú vị với Dân trí nhân dịp năm mới 2015.
Những “va đập”, chuyển giao văn hóa
Chào Khánh Linh, nhìn lại một năm vừa qua, đâu là dấu mốc lớn nhất trong cuộc sống của bạn?
Dấu mốc đáng nhớ nhất trong năm qua của mình chính là học kì đầu tiên trên đất Mỹ tại trường ĐH Oberlin. Thực sự trong hơn 4 tháng qua mình đã thay đổi rất nhiều.
Đến ngôi trường Oberlin để viết tiếp đam mê nghệ thuật, khó khăn lớn nhất của một cô du học sinh Việt khi nhập học ở môi trường quốc tế đa văn hóa là gì?
Nhiều người cứ nghĩ đi du học là dễ dàng, nhưng thực sự nó là một trải nghiệm đầy thử thách. Ban đầu đến trường mình cũng hay tủi thân lắm, vì nhiều khi bạn bè nói nhanh quá hoặc về những chủ đề xa lạ quá mình không hiểu hết được để trả lời cho phù hợp.
Thứ hai là ở trường mình thì học sinh Mỹ thường không bắt chuyện với học sinh châu Á, nên các bạn châu Á thường hay chơi thành cụm riêng với nhau. Lúc đầu mình cũng có xu hướng như thế, nhưng dần dần đã phải ép bản thân cởi mở hơn rất nhiều để chủ động bắt chuyện với người Mỹ.
Theo Khánh Linh, một du học sinh ở trời Tây thường sẽ gặp phải những“cạm bẫy” nào?
Mình may mắn được học ở Oberlin, nơi mà mọi sự khác biệt đều được tôn trọng. Học sinh, giáo sư, đến cả các nhân viên trong trường ai cũng đều rất tốt, nhiều khi khiến mình cảm giác như đang sống trong một thế giới bong bóng quá an toàn. Nhưng nhờ những chuyến du lịch vào kì nghỉ, ở Lexington, Chicago, Boston và hiện tại là New York, mình gặp được nhiều người hơn, trải nghiệm được nhiều thứ “đời” hơn.
Cám dỗ đầu tiên là tiêu nhiều tiền, vì ở Mỹ nhiều đồ đẹp, giá phải chăng mà chất lượng lắm, mua hàng online cũng tiện nữa, nên nhiều khi học sinh dễ bị mua nhiều hơn mình cần (mình thường xuyên phải kìm lại thói quen này).
Một cám dỗ nữa chính là sự tự do. Không ai kiểm tra bạn làm gì, nên rất dễ để nới lỏng sự nghiêm khắc với bản thân, ví như bùng học một buổi sáng để ngủ nướng hay nghe lời bạn bè thử uống rượu bia... đều là những điều nhỏ thôi nhưng nếu tiếp tục nhiều, bạn sẽ trượt dài mà không hay biết.
Điều quan trọng nhất khi sống tự lập là bạn phải luôn tỉnh táo và nghiêm khắc trước những lựa chọn của mình.
Thích nghi để theo đuổi “Giấc mơ Mỹ”
Được biết, vừa đây, Linh là người sáng lập dự án mang tên “Finding Asia in America”, bạn có thể chia sẻ về cảm hứng, động lực, mục đích và tình hình thực hiện dự án này?
Có lẽ, trước hết phải nói về Kì Mùa đông ở Oberlin. Trường mình dành 1 tháng cho học sinh lựa chọn hoặc là học một lớp nâng cao môn tuỳ chọn ở trường, hoặc làm một dự án trong nước hoặc nước ngoài, trường sẽ hỗ trợ một phần kinh phí.
Để tốt nghiệp, sinh viên phải hoàn thành đủ 3 trên 4 Kì Mùa đông. Thường thì học sinh năm nhất sẽ về nhà ăn chơi cho thoả thích đã, dành 3 năm sau làm sau, nhưng mình luôn nghĩ phải tận dụng thật tốt thời gian của mình, không được bỏ phí bất kì điều gì.
Mình thích nhiếp ảnh, không phải chuyên nghiệp gì nhưng đó là một trong những cách để mình tăng sự sáng tạo và kĩ năng quan sát, cũng như thể hiện góc nhìn về thế giới.
Ban đầu mình chỉ định kết hợp đi du lịch và chụp một bộ ảnh về cuộc sống của người Việt Nam ở Mỹ, nhưng sau đó mình nhận ra, trải nghiệm của mình, một nữ sinh Việt, so với trải nghiệm của các bạn châu Á của mình có rất nhiều điểm giống nhau. Vì thế mà “Finding Asia in America” (Tìm Châu Á ở Mỹ) ra đời.
Và đó là dự án hướng đến tất cả du học sinh châu Á ở Mỹ?
Chúng mình cùng phải trải qua sốc văn hoá, thay đổi múi giờ, rào cản ngôn ngữ và văn hoá; chúng mình đều đang đấu tranh với bản thân từng ngày để thích nghi với môi trường này, vậy tại sao không hướng dự án tới tất cả? Thế nên mình đã thành lập một nhóm nhỏ, với kế hoạch sẽ đến thành phố New York chụp ảnh, phỏng vấn người châu Á và người Mỹ gốc Á ở đó rồi sau đó mở triển lãm ảnh ở Oberlin.
Hi vọng mọi người sẽ có được một cái nhìn rõ nét hơn về những khó khăn mà người châu Á/Mỹ gốc Á đang gặp phải ở đây, rằng “giấc mơ Mỹ” không phải chỉ toàn màu hồng.
Mình cũng mong muốn gợi nhắc những ai đang gặp phải những khó khăn tương tự rằng: bạn không đơn độc trong cuộc sống này. Dự án cũng kêu gọi đóng góp được hơn 1.000 USD rồi, hi vọng số tiền này sẽ giúp chúng mình hoàn thành dự án thật tốt.
Mạnh mẽ để xứng đáng
Là con gái, đi học xa gia đình, Khánh Linh có bao giờ vì nhớ gia đình mà “khóc nhè” không?
Thực ra cuộc sống du học vô cùng bận rộn, nên mình chỉ thấy nhớ nhà những lúc đọc hay xem được điều gì cảm động về gia đình, hay Skype nhìn thấy ông bà, bố mẹ và em trai. Mặc dù không thường xuyên đến thế, nhưng nỗi nhớ Hà Nội, nhớ gia đình luôn nhắc nhở mình sống thật tốt và xứng đáng với những gì mình đã nhận được.
Năm nay là năm đầu tiên Khánh Linh đón năm mới 2015 ở nơi cách Việt Nam 12 giờ đồng hồ, cảm xúc của bạn thế nào?
Dường như, điều lớn nhất mà cuộc sống du học mang đến cho mình là sự độc lập. Mình nghĩ, bản thân đủ mạnh mẽ đón Tết đầu tiên xa nhà.
Có lẽ đến Tết âm, khi ở Mỹ vẫn phải đi học còn ở nhà thì đang rộn ràng đón Tết thì mình sẽ khá buồn và tủi thân… Còn bây giờ dù không được ở bên gia đình, nhưng mình được ở bên người bạn thân nhất của mình ở New York náo nhiệt. Bạn ấy vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần tuyệt vời nhất cho mình.
Bạn có thể chia sẻ về dự định của mình trong năm mới 2015?
Ước mơ và dự định mình nghĩ nên giữ cho bản thân thì hơn, “nói trước bước không qua” mà. Còn phương châm sống của mình thì luôn là sống hết mình và sống có ý nghĩa, mình sẽ vẫn tiếp tục như vậy thôi!
Cảm ơn Khánh Linh, chúc bạn có nhiều năng lượng để thực hiện đam mê, kế hoạch năm mới.
Lệ Thu
Mọi bài vở, ý kiến đóng góp về hoạt động của du học sinh, hội SV Việt Nam tại các nước hay thông tin, kinh nghiệm du học, quý độc giả có thể chia sẻ đến mục Du học báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email duhoc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |