Hoa khôi 1m72 trường Báo nói về vấn nạn phong bì

(Dân trí) - Hoa khôi cuộc thi Tài sắc nữ sinh báo chí 2013 Huyền Anh không chỉ gây ấn tượng bởi chiều cao như người mẫu (1m72) mà còn tạo thiện cảm bởi lòng yêu nghề và sự thông minh trong ứng xử. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ về nghề báo chí của cô bạn này nhé!

 

Thông tin cá nhân

 

Họ và tên: Trần Huyền Anh

 

Sinh năm: 1994

 

Hiện đang học năm thứ nhất HV Báo chí và Tuyên truyền

 

Thành tích: Hoa khôi Tài sắc nữ sinh báo chí 2012.

 
Hoa khôi Báo chí nói về vấn nạn phong bì
 

Nhiều người cho rằng báo chí không phù hợp với con gái vì mức độ vất vả, dấn thân. Sao Huyền Anh vẫn lựa chọn ngành Báo chí truyền hình?

 

Lý do Huyền Anh yêu thích và theo đuổi nghề báo cũng rất tình cờ. Đầu tiên là ấn tượng về sự tài giỏi, bản lĩnh và những hình ảnh rất đẹp của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trên truyền hình.

 

Sau đó là ảnh hưởng của anh trai Huyền Anh (anh ấy cũng là một nhà báo). Được nghe anh kể chuyện về những lần tác nghiệp và chỉ bảo rất nhiều điều thú vị về nghề báo, … mình cảm thấy rất yêu thích công việc này và không ngần ngại đăng ký dự thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Và cho đến bây giờ, Huyền Anh vẫn rất hài lòng với quyết định này.

 

Ước mơ của Huyền Anh trong nghề nghiệp tương lai của mình như thế nào?

 

Trong tương lai, Huyền Anh rất muốn theo đuổi và cống hiến hết mình cho nghề báo. Niềm mơ ước từ rất lâu của mình là trở thành một biên tập viên của Đài Truyền hình – được làm việc đúng với niềm đam mê thì không còn gì hạnh phúc hơn mà.

 

Nhưng tất nhiên, để thực hiện ước mơ đó, Huyền Anh đang cố gắng rất nhiều trong quá trình học tập trên ghế nhà trường, cũng như rèn luyện sức khỏe, phẩm chất đạo đức và các kỹ năng khác. Nghề báo là một nghề có rất nhiều khó khăn vất vả, mình nghĩ chỉ khi nào trang bị đủ kiến thức, bản lĩnh thì mới có thể bước vào nghề được.

 
Hoa khôi Báo chí nói về vấn nạn phong bì
 

Là vấn đề không mới, nhưng cũng chưa bao giờ “hạ nhiệt” trong dư luận là nạn phong bì trong môi trường báo chí. Huyền Anh nghĩ sao về hiện trạng này?

 

Huyền Anh nghĩ, môi trường báo chí là một môi trường vô cùng phức tạp, mà ngay bản thân mình cũng chỉ là một cô sinh viên năm thứ nhất, cũng chưa có một cái nhìn hoàn chỉnh và bao quát nhất cho hành động “đưa và nhận phong bì trong hoạt động báo chí”.

 

Tuy nhiên, mình rất tâm đắc câu nói của chị Đoàn Mỹ Anh – Hoa khôi Press Beauty năm 2012 – cũng là câu trả lời ứng xử rất thông minh của chị khi được hỏi ý kiến về vấn đề này: “Nếu phong bì của cơ sở mang tính chất ủng hộ, động viên cho nhà báo sau quá trình tác nghiệp thì đó là việc làm đúng, tích cực.

 

Còn chiếc phong bì đó dùng để mua chuộc nhà báo, để bóp méo sự thật, để người phóng viên viết ra những thông tin sai lệch thì đó lại là một hành vi tiêu cực, trái với đạo đức, và thậm chí còn vi phạm pháp luật nữa”.

 

Huyền Anh rất đồng ý với quan điểm của chị Mỹ Anh, vì theo mình, việc gì cũng có hai mặt của nó, chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng để đánh giá hiện tượng. “Chiếc phong bì” vốn không có lỗi gì cả, vấn đề chính là do bản thân chúng ta đã sử dụng chúng đúng hay sai.

 
Hoa khôi Báo chí nói về vấn nạn phong bì
 

Trong quá trình tác nghiệp, hẳn sẽ có lúc va chạm chuyện phong bì. Nếu có doanh nghiệp, cá nhân mà bạn đến viết bài muốn gửi phong bì, Huyền Anh có nhận không?

 

Nếu trong tương lai, khi Huyền Anh trở thành một nhà báo và đi tác nghiệp tại cơ sở, mà họ lại muốn gửi phong bì, thì mình sẽ tùy từng trường hợp để cư xử sao cho hợp lý.

 

Nếu đây chỉ là món quà đơn thuần cho công sức mà mình và ekip đã bỏ ra trong khi tác nghiệp, thì thật khó mà có thể từ chối cơ sở được vì đây chỉ thể hiện sự cảm ơn và là nét văn hóa đẹp trong công việc mà thôi. Còn nếu cơ sở sử dụng chiếc phong bì để yêu cầu mình viết bài sai sự thật, hay các hành vi tiêu cực nào khác, thì đương nhiên phải thẳng thắn từ chối rồi!

 
Hoa khôi Báo chí nói về vấn nạn phong bì
 

Theo Huyền Anh, những bức xúc về vấn đề phong bì có thể giải quyết được không? Bạn có ý tưởng gì để hạn chế bớt tình trạng này?

 

Theo Huyền Anh, một vấn đề tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực còn tùy thuộc rất nhiều vào cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá nó. Theo cá nhân Huyền Anh, chúng ta đừng quy chụp tất cả những hành vi đưa – nhận phong bì là tiêu cực, là “vấn nạn”.

 

Nhưng chúng ta cũng cần lên ánh mạnh mẽ những hành vi dùng phong bì để gian dối, bóp méo sự thật trên báo chí. Huyền Anh sẽ theo nghề báo trong tương lai, rất mong muốn hiện tượng “phong bì” này có thể chuyển đổi từ “vấn nạn” trở thành “nét văn hóa”, cũng như báo chí sẽ có một môi trường hoạt động thực sự trong sạch, tốt đẹp.

 

Nhân dịp ngày Báo chí Việt Nam, Huyền Anh xin được gửi đến tất cả các nhà báo, phóng viên, những người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí và đặc biệt là các thầy cô giáo đang giảng dạy tại Học Viện Báo chí - Tuyên truyền, ngôi trường mình đang học tập lời chúc sức khỏe, may mắn thành công.

 

Xin chúc các anh chị nhà báo, phóng viên của báo điện tử Dân trí có thêm nhiều tác phẩm báo chí hay, đặc sắc và ngày càng chiếm được nhiều sự tin yêu của độc giả!
 
Hoàng Dung

 

Hoàng Dung