Họ không là “đồ bỏ đi”

Mọi thứ đã thay đổi đối với những người nghiện ma túy, những gái mại dâm khi một nghệ sỹ già đem đến dự án “Sáng tác văn nghệ chống phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV”. Từ lời ca, điệu múa, họ vẫn thấy ánh lên hi vọng cuộc đời.

Trong suy nghĩ của cộng đồng, đa phần họ đã là “đồ bỏ đi” bởi là người của Trung tâm giáo dục 05 - 06 (đối tượng mại dâm, nghiện ma túy). Thậm chí với bản thân, họ cũng nhiều lúc mặc cảm, tự ti.

Rồi mọi thứ đã thay đổi khi một nghệ sỹ già đem đến dự án “Sáng tác văn nghệ chống phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV” (Giải thưởng Ngày sáng tạo 2004 - Ngân hàng Thế giới) và gieo vào lòng họ những lời yêu thuơng.

“Vòng tay nhân ái” là tên vở ca kịch hát theo lời dân ca vùng đất Quảng do nghệ sỹ già Trần Hồng - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng - sáng tác.

Vở ca kịch kể về một cô gái mới lớn, bởi quá ham muốn cuộc sống vật chất nơi đô thành mà cô đã bỏ làng quê nghèo lên thành phố làm tiếp viên. Rồi ít lâu sau cô sa chân vào ma túy.

Thương con gái dại dột, bố mẹ cô bỏ bao công sức đi tìm. Đến lúc gặp được cô  trong trại cai nghiện, dù rất đau khổ  trước những gì con đã làm nhưng cuối cùng ông bà vẫn tha thứ,  mong con sớm trở về cùng bố mẹ.

Vở kịch dài 65 phút, kết thúc trong niềm xúc động. Hơn 80 băng video đã được gửi đến các Trung tâm 05 - 06 trong cả nước. Điểm đặc biệt, đa phần diễn viên trong vở kịch đều đang là học viên Trung tâm 05 - 06 TP Đà Nẵng (từng là đệ tử của ma túy, tiếp viên  nhà hàng, thậm chí có người còn bị nhiễm HIV).

“Khi xây dựng lên CLB dân ca và dựng vở cho các em hát múa, điều tôi muốn hướng tới là tạo ra một sân chơi bình đẳng để ở trong đó các em đã từng lầm lỡ (kể cả nhiễm HIV) không mặc cảm với đời và hy vọng cộng đồng có ngày giang rộng vòng tay đón họ trở về” - Nghệ sỹ Trần Hồng tâm sự.

Hiện năm nay 25 tuổi, đã có vợ và một con. Nổi tiếng bởi bề dày “thành tích” 3 lần vào trại cai nghiện, gợi chuyện mãi, cậu mới dè dặt: “Nhà nghèo, học hết PTTH, em quyết tâm đổi đời khi thành tài trong nghề thợ điện. Một tháng chỉ cần nhận 4 công trình là em sống khỏe, đủ tiền nuôi cả mẹ vợ và con trai 2 tuổi. Một lần nghe lũ bạn rủ rê, em hứng chí chích thử, để rồi ít lâu sau cứ trượt dài.

Đây là lần thứ 3 em tái nghiện buộc phải vào lại trung tâm sau một thời gian dùng thử thuốc cai nghiện Methadone, em cảm thấy khỏe, ăn ngon, ngủ yên. Còn về tinh thần, nhờ có chuyện tập hát trong CLB dân ca mà em cảm thấy lạc quan hơn. Em đếm từng ngày mong sớm được về với gia đình. Lần này, nhất định em sẽ từ bỏ ma túy để kiếm tiền lo cho gia đình đỡ khổ”- Hiện nói, vẻ quyết tâm.

Còn Hoa, cô gái trẻ từng một thời nổi tiếng quậy trong giới “em út” miền Trung (mới ngoài 20 tuổi nhưng Hoa đã đóng rất thành công vai bà mẹ trong vở kịch) thì xúc động kể: “Những giọt nước mắt em khóc khi diễn là có thật đấy vì cứ như nhìn thấy hình ảnh của mình trong cô gái lầm lỡ đó”.

“Ra trại, em sẽ đi đâu và làm gì?”. Hoa lắc đầu: “Chưa biết. Nhưng chắc em sẽ không quay lại nghề đã dẫn em vào đây”.

Trong nhóm “diễn viên” ấy, Lê Ngọc - giọng ca vàng một thời của các vũ trường Đà Nẵng ngậm ngùi: “Những ngày sống trong trại đã mở mắt cho tôi thấy nhiều điều. Chỉ mong khi ra khỏi nơi này, cuộc đời cho tôi cơ hội làm lại”. 

Thêm ít phút nán lại trong khuôn viên hơn 2 ha với khung cảnh thanh bình, Giám đốc Trung tâm Ngô Văn Hoàng kịp chia sẻ thêm ít thông tin: Trung tâm được thành lập cuối năm 2000, hiện có 334 đối tượng cai nghiện ma túy, 33 gái mại dâm; khoảng 8% trong tổng số này đang bị nhiễm HIV.

Điểm nổi bật là sự chống phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV ở đây làm rất tốt. Ngay tại đây, các em vẫn ăn chung, ở chung và được hưởng mọi quyền lợi như các học viên khác. Đáng mừng là vừa qua khi tiến hành kiểm tra, Trung tâm không xảy ra trường hợp lây nhiễm nào.

Để biến chủ trương “Không có đối tượng nghiện ma túy” trong 5 “không” của TP Đà Nẵng (không hộ đói, không mù chữ, không ăn xin, không người nghiện ma túy, không cướp của giết người) thành hiện thực (mặc dù tỷ lệ tái nghiện đã rất khả quan chỉ còn khoảng trên 30% - rất thấp nếu so sánh với tỷ lệ trên 80% của cả nước), ông Hoàng khẳng định:

 “Trung tâm sẽ cố gắng giảm tỷ lệ tái nghiện xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới, bằng cách cho học nghề và  tìm việc làm cho các em sau khi ra trại”.

Theo Thu Huyền
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm