Hiệp sĩ tuổi 20
Những tháng năm tuổi trẻ của họ không phải để trở thành Hiệp sĩ mà để phấn đấu, phát huy trí tuệ và nghị lực, chung tay đưa công nghệ thông tin tiếp cận gần hơn với cộng đồng.
Đó là những nét chung của những Hiệp sĩ tuổi 20 tại Lễ tôn vinh 15 Hiệp sĩ Công nghệ thông tin (do tạp chí e-CHÍP tổ chức) diễn ra tại Hà Nội.
Những con đường Hiệp sĩ
Khi Nguyễn Ngọc Minh và Nguyễn Hữu Mai công bố họ đã thành công trong việc thuyết phục Sun Microsystems tích hợp tiếng Việt cho Java 1.5 - nhiều người coi đó như “cơn địa chấn” trong cộng đồng CNTT VN. Nhưng không mấy ai biết rằng để có được kết quả có ý nghĩa đối với đông đảo người sử dụng ngôn ngữ lập trình Java, họ đã trải qua một quá trình làm việc không ngừng nghỉ, theo đuổi mục tiêu đến cùng và nhiệt huyết đóng góp cho cộng đồng.
Ra trường năm 2001, đôi bạn thân Minh và Mai (cùng sinh năm 1978) chung tay xây dựng diễn đàn Nguoimau.net và phát hiện ở VN chưa hề có hệ thống CNTT nào hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng forum mã nguồn mở trên cộng nghệ Java. Ý tưởng chợt lóe… Năm 2003, vài tháng sau khi đoạt giải nhì Trí tuệ VN với forum tự tạo Mvnforum viết trên nền công nghệ Java, diễn đàn Javavietnam.org do Minh và Mai sáng lập chính thức lên mạng, trở thành “sân chơi” cho người mê tin học và ngôn ngữ Java.
Đến lúc này “dân IT” mới biết, ngay từ trước đó, Minh và Mai đã âm thầm vận động Sun Microsystems tích hợp tiếng Việt vào ngôn ngữ Java khi mà ngôn ngữ này đã được sử dụng rộng rãi và tích hợp nhiều ngôn ngữ trên thế giới nhưng tiếng Việt thì không. Lý do mà Sun Microsystems đưa ra là số lượng người dùng Java tại VN còn hạn chế. Hành động này của họ cuối cùng đã không là “điên rồ” khi Microsysstems công bố trên toàn thế giới ngôn ngữ Java được tích hợp tiếng Việt.
Thành công của họ chính là đóng góp lớn nhất để hai người trẻ tuổi đầy tự tin, năng động này cùng bước lên bục trao danh hiệu Hiệp sĩ CNTT 2005. Những nỗ lực liên tiếp và không mệt mỏi của họ được đền đáp vì Mai và Minh luôn xác định “đây là cơ hội, nếu bỏ lỡ, sẽ vuột mất”, điều này có nghĩa cộng đồng Java VN sẽ bị thiệt thòi.
Không có nụ cười rạng rỡ, không có vóc dáng thể thao và những năm tháng học tập ở nước ngoài như “đôi bạn Java” Minh và Mai, Nguyễn Công Hùng (sinh năm 1982) viết lên đời mình một câu chuyện mang màu sắc huyền thoại cổ tích.
Hùng bị bại liệt toàn thân, chân tay mềm oặt, không có khả năng vận động, cả người thu gọn trên chiếc xe lăn. Và Hùng đã vượt lên trên sự tương trợ của cộng đồng, vượt lên số phận khắt nghiệt để trở thành giám đốc cơ sở đào tạo tin học và ngoại ngữ nhân đạo Công Hùng ở vùng quê nghèo Nghi Lộc, Nghệ An.
Nếu như Ngọc Minh và Hữu Mai từng gửi hàng trăm email, nhiều lần lên tiếng kêu gọi, vận động hàng nghìn người khác lên tiếng với Sun… thì từ năm 2003, Công Hùng cũng đã lập nhóm Nối vòng tay lớn ở xã mình sống, bắt tay vào hướng dẫn tin học những thanh thiếu niên khuyết tật và lành lặn đến với CNTT, xây dựng website Conghung.com để phổ biến khiến thức tin học đến cộng đồng…
Ông Nguyễn Công Lịch, bố Hùng kể: “Hùng chơi cái gì cũng chán, nhưng đến khi thấy chiếc máy tính thì thích mê”. Hùng đã trở thành người dạy tin học miễn phí ở một vùng quê. Hiện căn nhà 50m2 của gia đình Hùng đang có 17 em khuyết tật theo học, ăn ở luôn tại nhà… Câu chuyện của Nguyễn Công Hùng đã chắp cánh cho rất nhiều ước mơ vượt lên số phận khắc nghiệt để vững tin hơn vào cuộc sống. Hôm Hùng ra Hà Nội nhận danh hiệu Hiệp sĩ, có hàng chục, hàng trăm người bạn hay tin tìm đến với Hùng, chung vui với Hùng.
Mang trên vai tinh thần thiện nguyện
Cũng làm website như biết bao người, nhưng Nguyễn Hữu Tuấn (sinh năm 1981, cựu SV xuất sắc của khoa CNTT, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) chọn xây dựng không chỉ cho mình một website có tên Nhắn tìm đồng đội (www.nhantimdongdoi.org). Đó là cách để Tuấn thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mình trước nỗi đau của các gia đình có thân nhân là liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Ngay trước hôm nhận danh hiệu, Tuấn thông báo một tin vui: vừa có thân nhân liệt sĩ tìm được phần mộ của người thân từ website Nhắn tìm đồng đội. Cũng với tấm lòng như Tuấn, Trịnh Công Thanh (sinh năm 1978) và Nguyễn Bích Ngọc (sinh năm 1983), góp nên tiếng nói không vô cảm trước nỗi đau da cam mà các nạn nhân Việt Nam phải gánh chịu khi tự nguyện xây dựng website Chất độc da cam (www.chatdocdacam.info). Nay website này liên tục được nâng cấp, ngày càng trở nên hoàn thiện, phong phú hơn trong khi đó, hai bạn trẻ vẫn bận rộn với những chương trình tình nguyện luôn đón đợi hai người, trên không gian mạng cũng như ngoài cuộc sống.
Tinh thần thiện nguyện, hoạt động vô vụ lợi vì cộng đồng của những người trẻ tuổi như Minh Ngọc, Hữu Mai, Công Hùng, Hữu Tuấn, Bích Ngọc, Công Thanh… là những bài học sống động của việc áp dụng CNTT vào cuộc sống. “Tin học là lĩnh vực duy nhất bạn có thể hiện thực hóa những hoài bão tưởng như quá sức. Đó là nơi duy nhất bạn có thể tự học hỏi tất cả. Nó mở ra cơ hội cho tất cả chúng ta, nhất là những người trẻ. Điều quan trọng là bạn có nắm bắt được cơ hội hay không”, Hữu Mai, một Hiệp sĩ tuổi 20, đã tự tin nói thế sau một chặng đường dài đến với CNTT.
Mai cùng với những hiệp sĩ CNTT khác, dù là Hiệp sĩ bại liệt như Nguyễn Công Hùng nhưng đã biết đứng trên “công cụ khổng lồ” là tiến bộ của khoa học công nghệ nói chung, CNTT nói riêng. Mang trong mình tinh thần tình nguyện, những người có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong lĩnh vực CNTT đã khiến không gian “ảo”, không gian mạng… có thêm một sức mạnh mới: sức mạnh tinh thần.
Theo Bùi Dũng, Hoàng Mai
Tuổi Trẻ