“Hiệp sĩ” Khúc Hải Vân "thắp sáng ước mơ hoàn lương" tại trại giam Thanh Xuân

(Dân trí) - Câu chuyện chân thật của hiệp sĩ công nghệ thông tin (CNTT) Khúc Hải Vân đã khiến cho 150 phạm nhân trại giam Thanh Xuân, Hà Nội xúc động và có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Hiệp sĩ CNTT Khúc Hải Vân cùng các đoàn viên thanh niên đã có cuộc giao lưu chân thành với các phạm nhân phân trại số 3, trại giam Thanh Xuân (xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Chương trình mang tên "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" do Thành đoàn - Hội LHTN TP Hà Nội và Huyện đoàn, Hội LHTN huyện Thanh Oai phối hợp tổ chức.

 

Buổi giao lưu có sự góp mặt của Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà, Đại tá Phan Trọng Hà - Phó Giám thị trại giam Thanh Xuân và khách mời là hiệp sĩ CNTT Khúc Hải Vân, Thiếu úy Mai Thị Bích Phương - cán bộ trại giam, phạm nhân Trần Thị Nguyệt, cùng 150 phạm nhân đang cải tạo tại trại giam, 50 đoàn viên thanh niên Hà Nội.

 
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà chia sẻ mục đích chương trình Thắp sáng ước mơ hoàn lương
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà chia sẻ mục đích chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương"
 

Phát biểu khai mạc chương tình, chị Nguyễn Thị Ngà, Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết: "Chúng tôi mong muốn thông qua chương trình này, gửi gắm tới các anh chị đang cải tạo tại trại giam thông điệp là cuộc sống của chúng ta vô cùng tươi đẹp.

 

Có thể mỗi người trong chúng ta ngồi đây đều có một quá khứ chưa trọn vẹn. Song chúng tôi hi vọng mọi người luôn vững vàng niềm tin, lạc quan, yêu đời để xây dựng hiện tại tốt đẹp và hướng tới tương lai tươi sáng hơn".

 

Ngay sau Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Đại tá Phan Trọng Hà cũng có đôi lời gửi gắm tới toàn thể hội trường, mong kế hoạch phối hợp giáo dục phạm nhân độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng thành công tốt đẹp.

 
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà chia sẻ mục đích chương trình Thắp sáng ước mơ hoàn lương
Hiệp sĩ CNTT Khúc Hải Vân, Thiếu úy Mai Thị Bích Phương - cán bộ trại giam và phạm nhân Trần Thị Nguyệt giao lưu cùng các phạm nhân khác tại trại giam Thanh Xuân
 

Bước vào phần giao lưu với khách mời, hiệp sĩ CNTT Khúc Hải Vân là người mở đầu câu chuyện. Anh đã khiến nhiều phạm nhân ngồi dưới ghế khán giả nghẹn ngào khi kể lại những câu chuyện về sự nỗ lực của chính bản thân mình.

 

Lúc tốt nghiệp cấp 3, chiếc máy chữ nổi bị hỏng, Vân được người bạn giới thiệu làm quen với máy tính. Khi chạm tay vào bàn phím, Vân run lên vì nhận ra đây có thể là bước ngoặt cuộc đời. Trải qua bao nhiêu khó khăn và nhờ phần mềm đọc màn hình cho người khiếm thị, Vân đã thành thạo kĩ năng tin học.

 

Vân cùng một người bạn mở trung tâm Tia Sáng năm 2005 để dạy tin học cho người khiếm thị. Cũng năm đó, Vân đỗ vào khoa Văn, ĐH KHXH& NV Hà Nội. Anh vừa đi học, vừa làm thầy giáo xóa mù tin học cho hơn 60 người mù.

 

Thời gian này, Vân và bạn của mình đã sáng tạo ra bộ giáo trình đào tạo tin học cho người khiếm thị bằng âm thanh và hình ảnh. Vân đau đáu mục tiêu tìm một cơ hội cho người mù phát triển chứ không chỉ quẩn quanh với mấy việc vót tăm, làm chổi. Ngay trong năm 2005, Khúc Hải Vân đã được tạp chí Echip tôn vinh là Hiệp sĩ công nghệ thông tin.

 
Mọi người lắng nghe và suy ngẫm về những câu chuyện chân thực
Mọi người lắng nghe và suy ngẫm về những câu chuyện chân thực
 

Qua câu chuyện thực tế của mình, hiệp sĩ CNTT mong muốn mỗi phạm nhân tự nhận thức được giá trị của bản thân mình để không ngừng cải tạo tốt, sớm đến ngày được hòa nhập cùng cộng đồng.

 

Anh bộc bạch: “Ngày niên thiếu, tôi không nhìn thấy gì, ai cũng xa lánh, sợ hãi. Nhưng tôi đã làm cho mọi người yêu quý mình bằng sự chân thành. Tôi biết tôi có thể mang niềm vui đến cho mọi người. Sau này, tôi rút ra bài học, muốn thành công, phải biết được giá trị của mình trong cuộc sống”.

 

Lắng nghe câu chuyện của hiệp sĩ Khúc Hải Vân, phạm nhân Trần Thị Nguyệt (27 tuổi, quê Thanh Hóa, chịu án 3 năm) tỏ ra khá xúc động. Cô là một phạm nhân có tinh thần cải tạo tốt, luôn mong muốn nhận được sự cảm thông của mọi người  vì cho rằng ai cũng có lúc mắc sai lầm chỉ có điều mình phải nhận ra sai lầm, tự cải tạo và sửa chữa.

 

Cô chia sẻ những cảm nghĩ chân thành từ những ngày đầu bước chân vào trại giam, còn nhiều bỡ ngỡ cho tới quá trình tiếp nhận giáo dục từ các cán bộ trại giam Thanh Xuân.
 
Các bác sĩ trẻ thăm khám cho phạm nhân trại giam Thanh Xuân
Các bác sĩ trẻ thăm khám cho phạm nhân trại giam Thanh Xuân

 

Nữ cán bộ trẻ tuổi Mai Thị Bích Phương cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình quản lý, giáo dục phạm nhân. Cô cho rằng với tình hình tội phạm phức tạp hiện nay, việc cảm hóa phạm nhân là một chuyện không hề dễ dàng, đặc biệt là những phạm nhân mới vào trại.

 

Hơn nữa, phạm nhân trong trại giam Thanh Xuân có số lượng phạm tội về ma túy, nghiện ma túy rất cao, nên việc cải tạo phải kết hợp với cai nghiện và các loại bệnh như lao phổi, bệnh mãn tính khá nhiều...

 

Dịp này, 150 phạm nhân trại giam Thanh Xuân, Hà Nội cũng đã được các y bác sĩ đến từ Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam khám và cấp phát thuốc miễn phí. Các bác sĩ đã nhiệt tình khám chữa cho các bệnh nhân bao gồm cả tai mũi họng, khám da liễu, siêu âm và khám phụ khoa...

 

"Thắp sáng ước mơ hoàn lương" là một trong chuỗi những hoạt động trọng tâm của Thành đoàn - Hội LHTN TP.Hà Nội trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng từ 2012 tới 2015.

 

Đây cũng là chương trình cụ thể hóa Nghị quyết đại hội Đoàn thành phố lần thứ XIV trong khâu đột phá “xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh niên thủ đô”.

 

Chương trình thể hiện trách nhiệm cán bộ Đoàn - Hội và tuổi trẻ toàn thành phố trong việc giúp đỡ phạm nhân trong độ tuổi thanh niên tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích trong xã hội, giảm tỉ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật trong thanh niên.

 

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm