Hiện tượng Ngô Bảo Châu

Cho đến nay, ở Việt Nam chưa bao giờ có một nhà khoa học mới 33 tuổi được công nhận chức danh giáo sư và không cần phải qua chức danh phó giáo sư. Việc công nhận Ngô Bảo Châu là đặc cách, nhưng nếu có tài năng đột xuất thì chưa cần phải “sống lâu” vẫn có thể “lên lão làng”!

Trước khi được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đề nghị đặc cách công nhận giáo sư với 100% số phiếu, tiến sĩ khoa học Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972, đã phải vượt qua hai “cửa ải”: hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở và hội đồng chức danh giáo sư ngành.

 

Cấp cơ sở mà anh Châu phải vượt qua là Viện Toán học - trung tâm nghiên cứu toán học mạnh nhất nước ta, nơi làm việc của giáo sư Hoàng Tụy, một trong hai nhà toán học VN (người kia là cố giáo sư Lê Văn Thiêm) được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1986.

 

Tham gia hội đồng này còn có các giáo sư Ngô Việt Trung và Hà Huy Khoái, hai nhà toán học VN đã được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba; và nhiều nhà toán học nổi tiếng khác như giáo sư Trần Đức Vân (chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành toán), giáo sư Lê Tuấn Hoa (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Toán học VN, phó viện trưởng Viện Toán học).

 

Cho đến nay, ở VN chưa bao giờ có một nhà khoa học mới 33 tuổi được công nhận chức danh giáo sư và không cần phải trải qua chức danh phó giáo sư. Việc công nhận Ngô Bảo Châu là đặc cách, bởi lẽ phải bỏ qua một số tiêu chí vẫn được áp dụng ở nước ta trước đây như phải gom đủ số giờ dạy, phải hướng dẫn bao nhiêu học viên cao học, nghiên cứu sinh, phải trải qua các khóa học chính trị trung cấp, cao cấp...

 

Nghĩa là chưa cần phải “sống lâu”, nhưng nếu có tài năng đột xuất thì vẫn có thể “lên lão làng”. Như vậy, các hội đồng chức danh giáo sư các cấp ở nước ta bắt đầu tiếp cận tiêu chí quốc tế quan trọng nhất đối với giáo sư đại học là trình độ nghiên cứu khoa học, năng lực sáng chế, phát minh những điều chưa từng biết, chứ không phải là kinh nghiệm truyền thụ những tri thức sẵn có như đối với giáo viên tiểu học, trung học.

 

Rõ ràng Ngô Bảo Châu là một tài năng toán học nổi bật. Mùa hè 1988, mới 16 tuổi, đang học lớp 11 tại khối phổ thông chuyên toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Châu đã đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế tại Canberra, Úc.

 

Mùa hè 1989, học lớp 12, dự tiếp Olympic toán quốc tế tại Brunswick, CHLB Đức, một lần nữa Châu lại đoạt huy chương vàng.

 

Châu học tiếng Hungary, sửa soạn sang Budapest học toán. Nhưng bên Đông Âu xảy ra “cách mạng nhung”. Chính quyền mới không cấp học bổng cho sinh viên VN nữa. Do đó anh mới sang Pháp theo học Đại học Paris 6.

 

Là người mang chí lớn vươn tới đỉnh cao, hai năm sau anh thi vào hệ đào tạo tiến sĩ của Đại học Sư phạm Paris, trường đại học danh tiếng nhất nước Pháp. Anh bảo vệ luận án tiến sĩ năm 25 tuổi, rồi luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) năm 31 tuổi.

 

Đầu năm 2004, chưa đầy 32 tuổi, anh được hai trường đại học lớn ở thủ đô nước Pháp (Paris 6 và Paris 11) mời làm giáo sư. Anh nhận lời Đại học Paris 11 vì muốn gần gũi hai nhà toán học thân thiết là Gérard Laumon và Laurent Lafforgue.

 

Cuối năm 2004, tại Đại học Harvard, bang Massachusetts (Mỹ), Viện Toán học Clay tổ chức lễ trao giải thưởng nghiên cứu hằng năm cho Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon nhằm “công nhận thành tựu đặc biệt xuất sắc trong toán học” của hai người. Mỗi năm viện này chỉ trao 1-2 giải.

 

Trong số chín nhà toán học được trao Giải thưởng Clay có cả Andrew Wiles, người đã giải quyết được bài toán Fermat, và ba nhà toán học trẻ về sau được tặng Huy chương Fields (vinh dự dành riêng cho toán học, tương đương Giải thưởng Nobel cho vật lý, hóa học, sinh học...) là Alain Connes, Edward Witten và Laurent Lafforgue - một người bạn thân của Ngô Bảo Châu.

 

Khi nói chuyện với tôi, giáo sư Hoàng Tụy cho rằng báo, đài nước ta chưa giới thiệu đúng mức một “thành tựu khoa học đích thực” như thành tựu của Ngô Bảo Châu, trong khi lại “vinh danh quá mức” nhiều người chưa đóng góp được gì đáng kể cho khoa học nhưng khéo phô trương, tự đề cao. Còn giáo sư Phan Đình Diệu thì nhận xét: “Ngô Bảo Châu quá giỏi!”.

 

Có thể coi Ngô Bảo Châu là một hiện tượng, cũng như ta đã từng coi Đặng Thái Sơn là một hiện tượng. Mặc dù chủ yếu sống và làm việc ở nước ngoài nhưng Đặng Thái Sơn vẫn được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.

 

Bây giờ đến lượt Ngô Bảo Châu làm việc tại Paris nhưng vẫn được đề nghị công nhận là giáo sư kiêm chức tại Viện Toán học (thuộc Viện Khoa học và công nghệ VN). Quyết định kịp thời và sáng suốt đó tạo điều kiện cho những “con Lạc cháu Hồng” dù sống xa Tổ quốc vẫn có “danh chính ngôn thuận” để cống hiến cho đất nước mình.

 

Theo Hàm Châu

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Đặc cách phong giáo sư