Hiện tượng “cá khô” ở Trung Quốc

Không giao lưu, không yêu đương, họ có cuộc sống giống như những con cá khô vì thiếu nước!!!

Nàng “cá khô”

 

Với Vương Linh, phụ trách tài chính một công ty hậu cần lớn ở Bắc Kinh, thứ cô cần nhất hàng ngày là được ngủ ngon.

 

Bốn năm trước, Vương Linh từ bỏ một công việc ổn định ở Hắc Long Giang và chuyển đến Bắc Kinh với mơ ước lập nghiệp ở thủ đô. Nhưng áp lực và cuộc sống hối hả làm cô mệt mỏi.

 

Ngoài việc đi mua sắm, Vương Linh ở lì trong nhà trọ. Lướt mạng Internet và xem tivi là những hình thức giải trí quan trọng nhất. Không phải là Linh ít giao tiếp với người khác, trái lại, cô tâm sự nhiều với bạn bè, nhưng tất cả các cuộc chuyện trò đều bằng điện thoại hoặc qua mạng.

 

Còn Chenyan, 29 tuổi, là giám đốc kinh doanh chi nhánh Ninh Hạ của tập đoàn bảo hiểm China Pacific lại là một “con nghiện” công việc.

 

Chenyan tâm sự là, áp lực công việc nặng nề khiến cô không thể nói chuyện với người khác một cách thoải mái. Tan sở, cô mệt và chỉ thích được một mình hơn là làm ảnh hưởng đến tâm trạng người khác.

 

Và chàng cũng… sắp khô

 

Một số nam giới trẻ tuổi ở Trung Quốc cũng tự nhận họ đang sống kiểu “người đàn ông cá khô”. Mã Đặng, 27 tuổi, biên tập viên một tổ chức truyền thông kể: Anh ít khi ra ngoài tụ tập với bạn bè để tránh những khó chịu do những điều vụn vặt gây ra.

 

Xu hướng sống khép mình ở một số công chức trẻ tuổi đã trở thành mối quan tâm của không ít học giả Trung Quốc. Trần Đồng Minh, phó chủ tịch Học viện Khoa học Xã hội Ninh Hạ, cho rằng sự phát triển của hiện tượng “cá khô” phần lớn là do những áp lực từ xã hội hiện đại khiến cho thanh niên, đặc biệt là những người mới tốt nghiệp đại học chọn lối sống này để tránh đi những rắc rối không đáng có.

 

Theo giáo sư Trần Đồng Minh, xã hội hóa là một trong những phần thiết yếu. Một người sống kiểu “cá khô” trong thời gian quá lâu sẽ bị ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh về thể xác và tinh thần.

 

Theo Minh Thương
Sinh Viên Việt Nam/CRI