Hết Tết, những việc teen nên làm dịp đầu năm
(Dân trí) - Những ngày đầu năm mới, các bạn trẻ thường thực hiện những việc cho bản thân như: khai bút đầu xuân, lập kế hoạch, mục tiêu trong năm mới.
Khai bút đầu xuân
Khai bút là một trong những nét đẹp truyền thống của người Việt Nam với quan niệm đây là khoảng thời gian quan trọng cho một sự khởi đầu mới. Thông thường, sau thời khắc giao thừa, chuyển giao năm cũ sang năm mới, nhiều người lại ngồi viết đôi ba dòng cảm xúc.
Cách khai bút đầu xuân giờ đây không còn trang nghiêm như trước nhưng vẫn là điều được nhiều người trẻ coi là việc nên, cần làm khi bước sang một năm mới.
Trịnh Thị Cơ (trường ĐH Điều dưỡng Nam Định) cho biết: “Nhiều bạn đăng lên Facebook nhưng mình chỉ muốn viết ghi vào trong quyển sổ cầm tay. Cầm bút trong thời gian này, lòng mình cảm thấy thiêng liêng lắm.
Tùy vào cảm xúc của từng năm mà mình viết dài hay ngắn. Mình thường ghi lại trải nghiệm và tổng kết chính mình sau một năm và cảm xúc khi Tết đến, Xuân về”.
Theo Cơ, những dòng khai bút này được coi là cảm hứng, “kim chỉ nam” cho bạn trong suốt 365 ngày sắp tới. Hiện nay, với sự phát triển của Internet, đặc biệt là mạng xã hội, đa số giới trẻ chọn Facebook, blog để khai bút dòng đầu tiên cho một năm.
Lập kế hoạch, mục tiêu trong năm mới
Nếu như tổng kết bản thân là việc làm của những ngày cuối năm thì vào khoảng thời gian đầu Xuân, các bạn trẻ lại lập cho mình kế hoạch và mục tiêu, cách thức thực hiện.
Trịnh Tuấn (trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) cho biết vài năm trở lại đây đã nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc lập kế hoạch đầu năm nên đạt được kết quả rất tốt.
“Sau khi chúc Tết họ hàng, đi chơi với bạn bè, mình thường dành ra chút ít thời gian, ngồi vào bàn làm việc này. Nhờ những tổng kết trước đó, mình dễ nhận ra thiếu sót để rút kinh nghiệm, và lựa chọn được các việc cần làm trong năm mới”, Tuấn nói.
Theo Tuấn, để có thể theo đuổi mục tiêu đến cùng nên đặt ra những dự định, kế hoạch cụ thể, chi tiết, phù hợp với năng lực của bản thân. Bạn cũng đặt ra thời hạn hoàn thành để ép mình thực hiện các công việc cho kịp so với kế hoạch.
Còn Hà Thắm (trường CĐ Bách khoa Hà Nội) lại chia sẻ bí quyết của mình: Đặt ra những phần thưởng tương ứng với từng những mục tiêu, tùy vào mức độ quan trọng mà quà ấy lớn hoặc nhỏ.
Lập kế hoạch chi tiêu
Không chỉ đề ra cho bản thân dự định về học tập, công việc, không ít bạn trẻ còn lập kế hoạch chi tiêu vì không muốn rơi vào tình trạng “cháy túi” mỗi khi cuối tháng.
Phạm Thị Tân (trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên) cho biết: “Đầu tháng rủng rỉnh, cuối tháng thì “chật vật”, khó khăn là tình trạng không chỉ của mình mà còn của rất nhiều sinh viên khác. Bởi vậy, mình muốn quản lý “túi tiền” một cách chặt chẽ, có khoa học để không phải vay mượn tiền ăn, chi tiêu vào cuối tháng”.
Tân cho biết trong năm nay sẽ ghi rõ từng khoản chi tiêu vào một cuốn sổ riêng để kiểm soát rõ ràng hơn, đặc biệt là cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua sắm quần áo, giày dép hay vật dụng cá nhân.
Hoàng Thị Xuân (trường ĐH Mỏ địa chất) có bí quyết riêng khi lập kế hoạch chi tiêu: Lập một danh sách những gì cần mua hoặc làm trong vòng 3 đến 6 tháng tới, phân chia theo các nhóm nhu cầu: cá nhân, gia đình, giải trí, đi lại…
“Trong từng khoản mục chi tiêu, xem xét đâu là thứ bắt buộc phải có, đâu là thứ không có cũng không sao. Từ đó, mình lập danh sách những thứ cần chi tiêu phù hợp nhất với số tiền được bố mẹ cho hoặc kiếm thêm mỗi tháng”, Xuân chia sẻ.
Chúc các bạn lập ra và thực hiện được những kế hoạch bổ ích, phù hợp với nhu cầu, tình trạng của bản thân để có một năm ý nghĩa và thành công!
Hoàng Dung