“Hành trình tin tưởng”
Với câu hỏi:”Chân dung của người LGBT Việt Nam ra sao?”;”Họ là ai, họ đang muốn kể những câu chuyện gì?”, Lương Thế Huy và Phạm Ngọc Nam đã dành một tháng đi dọc 17 tỉnh, thành đất nước, nghe và ghi lại trải lòng của những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
Những chuyện chưa kể
Đi đường nghe chuyện LGBT khởi đầu ở Hà Nội, từ ngày 4/4/2015. Tới mỗi tỉnh, thành, Huy và Nam sẽ tìm đến từng kết nối viên. Kết nối viên di chuyển đến tỉnh, thành tiếp theo và “trao” thành viên trong chuyến đi cho kết nối viên mới.
Để có thời gian chuẩn bị, Huy đã nghỉ việc 3 tháng tại Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), còn Nam thì vẫn còn đi làm nên hai anh bạn chỉ có thể tranh thủ gặp buổi tối để lên kế hoạch cho chuyến đi.
Khi ý tưởng về hành trình được thông báo rộng rãi trên mạng, lập tức có hơn 200 người từ 51 tỉnh, thành đăng ký làm kết nối viên. Huy và Nam chọn 51 người và phỏng vấn trong vòng một tuần. Nam kể: “Mỗi cuộc gọi điện khoảng nửa tiếng đồng hồ, tổng cộng là 25 tiếng. Nói chuyện xong, tai luôn nóng ran”.
Huy (trái) và Nam.
Chuẩn bị cho chuyến hành trình dài 3.000km, Huy và Nam “độ” một chiếc xe Honda Win 100 rất bền và khỏe.Vậy mà đến Ninh Thuận, hai anh chàng vẫn bị gió ở miền “Viễn Tây Việt Nam” thổi lệch hành lý, rách áo, đứt khóa giáp bảo hộ và thậm chí thổi bay luôn cả… biển số xe.
Có đêm, Huy và Nam chạy xe đến Phú Yên, đi ngang qua đoạn đường đang làm thì phát hiện đánh rơi hành lý, trong đó, có 2 ổ cứng lưu giữ nhiều dữ liệu của hành trình. Huy phải băng ra giữa đường tìm lại, mặc cho xung quanh tối om và nhiều xe khách lao qua.
Hành trình cầu vồng
Hai anh bạn gọi chuyến đi xuyên Việt của mình là “hành trình của sự tin tưởng”, bởi vì nếu không đủ tin tưởng, bạn sẽ không gặp được kết nối viên, cũng như không thể được nghe chuyện của những nhân vật dọc đường.
Sau buổi offline cộng đồng “cầu vồng” ở Hải Phòng, Nam chở một bạn về nhà thì bắt gặp một chị chuyển giới nữ đang hát rong. Ở miền Nam, người chuyển giới thường chọn những công việc tạp kỹ để mưu sinh nhưng ở miền Bắc thì hình ảnh này khá hiếm.
Vậy nên, Nam gọi điện cho Huy,đang ở khách sạn, chạy ra. Chị chuyển giới nữ này nói giọng miền Nam làm Huy và Nam rất bất ngờ. Chị cho biết, quê chị ở Bình Phước, sống ở Hải Phòng đã hơn 20 năm. Vì cuộc sống đưa đẩy mà chị ra Bắc.
Kết thúc câu chuyện, chị dừng lại rất lâu để chọn một bài hát về miền Nam tặng cho Huy và Nam. Đó là một trải nghiệm khó quên đối với hai anh bạn.
Đến Quảng Nam, hai bạn được gặp một bạn đồng tính nam tên Năm. Sau một tai nạn, Năm liệt nửa người và phải ngồi xe lăn. Khi Huy và Nam hỏi về sự thiệt thòi, Năm cho biết, không xem đó là khó khăn. Năm phụ trách truyền thông cho cộng đồng LGBT Quảng Nam.
Lần offline đầu tiên, họp tại TP. Tam Kỳ,cách nhà Năm chỉ 15km, thấy Năm không đi, mọi người hỏi rất nhiều nhưng Năm chỉ trả lời “em đi lại không tiện”. Khi biết Năm bị liệt nửa người, từ đó về sau, cả nhóm đều kéo xuống nhà Năm để tổ chức họp mặt.
Đặt chân qua nhiều vùng miền, Huy và Nam thấy rõ chân dung chân thật của cộng đồng LGBT. Có những người bị kỳ thị nhưng họ vẫn sống và yêu như bao nhiêu người bình thường khác, dù vẫn còn rất nhiều thử thách bởi cái nhìn định kiến của cộng đồng.
Đến những tỉnh, thành như Kon Tum, Nha Trang (Khánh Hòa), Huy và Nam được chứng kiến và lắng nghe nhiều câu chuyện của người trong cuộc, không chỉ là các cá nhân trong cộng đồng LGBT mà còn là những bậc phụ huynh có con trong nhóm LGBT.
“Có những câu chuyện đến từ kết nối viên nhưng có những câu chuyện, nhân vật mình gặp được do cái duyên, như cô lao công bán cơm ở Nghệ An, cô bán nước ở Bắc Ninh.
Tất cả những câu chuyện ấy vừa rất riêng, vừa mang đến một hình ảnh chung chân thực, về một cộng đồng đang rất cần được xã hội quan tâm, chia sẻ” , Huy nói.
Theo Thanh Huyền
Sinh viên Việt Nam