Hành trình đến với biển cả của Trung úy trẻ Hoàng Công Minh
(Dân trí) - Trung úy Hoàng Công Minh bày tỏ: "Chẳng biết từ bao giờ, mình đã yêu với màu áo lính hải quân, nguyện một lòng cả cuộc đời được gắn liền với biển cả, với nhà giàn, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc".
Trên hành trình trở thành một Trung úy hải quân radar, Hoàng Công Minh đã phải trải qua một chặng đường vô cùng gian nan và vất vả. Là một người con của dân tộc Cao Lan, ngay từ khi học THPT anh chàng đã được học tập tại trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc - đây là trường dân tộc nội trú đa hệ đào tạo chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dành cho con em dân tộc thiểu số từ Thừa Thiên - Huế trở ra.
Công Minh chia sẻ: "Gia đình có truyền thống "Bộ đội cụ Hồ", nên ngay từ bé mình đã quyết tâm sẽ theo con đường này. Bố mình là thương binh hạng 1/4 mất sức trên 81% cho nên mình cũng đã được miễn đi nghĩa vụ quân sự. May mắn không mỉm cười khi mình thi trượt vào ngôi trường yêu thích, sau đó mình trở về nhà đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự. Khi biết mình đăng ký tự nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự, bố rất vui và ủng hộ quyết định đó".
Đóng quân tại Hà Nội được 1 năm, Minh xét tuyển học bạ vào trường trung cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thật bất ngờ khi nộp học bạ với điểm cộng ưu tiên con thương binh, con em dân tộc thiểu số Trung úy Minh đủ điều kiện nhập học tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân (hiện nay là Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân), chuyên ngành radar bờ.
"Đào tạo chương trình học trong 2 năm, mình về công tác tại Vùng 2 Hải quân (đóng quân trên đỉnh núi Lớn, TP Vũng Tàu), làm việc tại Trung đoàn radar Hải quân 251, vì là trạm radar mới nên mình được chuyển xuống trạm làm trắc thủ radar, suốt hai năm và chuẩn bị được ra nhà giàn công tác", Trung úy Minh tâm sự.
Mong muốn được hiểu rõ hơn về trạm radar, Trung úy Minh vui vẻ chia sẻ: "Được coi là mắt thần của biển, ngẩng đầu là mây, ngoảnh mặt bốn phía cây rừng bao bọc, đóng quân ở Núi Lớn, TP. Vũng Tàu ở độ cao 250m so với mực nước biển, nhiệm vụ của Trạm radar là quản lý, phát hiện mục tiêu trên mặt biển và không phận thấp; huấn luyện trắc thủ radar phân bổ cho các đơn vị trong vùng.
Để kịp thời kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, những mục tiêu lạ đi lại ở cửa biển Vũng Tàu và khu vực giàn khoan dầu khí, các chiến sĩ phải trực canh liên tục 24/24 giờ, không được rời vị trí trực bất kể trong mọi tình huống..."
Vì bố mẹ cũng đã có tuổi, Trung úy Minh luôn muốn được theo bộ binh để vừa gần gia đình, chăm lo cho bố mẹ được nhiều hơn. Nhưng duyên số lại cho anh chàng được gắn với Hải quân. Chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì được làm một lính hải quân về radar, nếu được chọn lại Trung úy Minh vẫn luôn chọn Hải quân, mặc dù phải xa nhà, xa bố mẹ rất lâu.
"Một năm được về phép một lần, nhớ nhà cũng phải cố gắng vì nhiệm vụ của mình không thể bỏ được, bố mẹ ở nhà cũng động viên rất nhiều. Tối nào mình cũng gọi điện về hỏi thăm bố mẹ, nhiều khi thấy những giọt nước mắt của bố mẹ mà mình cũng không thể kìm nén được cảm xúc. Nhiều khi bố ốm đau, anh trai cũng đi công tác xa chỉ có mẹ ở nhà, lo lắng chẳng thể làm gì được", Trung úy Minh bộc bạch.
Cuộc sống sinh hoạt ở trên trạm cũng vô cùng gian lao, đầy những khó khăn, Trung úy Minh cho biết: "Mặc dù so với đường chim bay, Trạm radar chỉ cách mặt đường Trần Phú chưa đầy 300 mét, nhưng để mua được bó rau, ký thịt, bộ đội phải chạy xe máy gần 4km đường núi, hoặc len lỏi trong rừng đồi dốc cả tiếng đồng hồ mới xuống hết núi. Trước những khó khăn ấy, các chiến sĩ đã tận dụng mọi chỗ đất trống trong doanh trại để trồng rau các loại, nuôi thêm gia súc, gia cầm cải thiện bữa ăn.
Tuy nhiên, việc trồng rau xanh của đơn vị gặp khó khăn do đất đai cằn cỗi, gió biển đem theo hơi nước mặn vào khiến rau khó phát triển. Do đó phải cất công đi chở đất màu về bổ sung, tận dụng lá cây, cỏ dại băm nhỏ, đào hố ủ mục trộn đều vào đất và trồng cây làm hàng rào che chắn quanh vườn để hạn chế hơi nước biển xâm nhập. Nhờ đó mà Trạm đã cải tạo được 2.000m2 đất để trồng rau xanh, cây ăn trái, nuôi gần 200 con heo rừng, gần 100 con gà, bảo đảm 85% tổng số thực phẩm".
Trung úy Hoàng Công Minh vừa nhận nhiệm vụ sẽ ra nhà giàn DK1. Được biết, những người làm nhiệm vụ trên nhà giàn khu DK1 thường ít nhất phải trải qua 8-9 tháng mới trở về đất liền.
Dù đã 1 năm chưa về thăm nhà, sắp tới lại đi nhận nhiệm vụ ra bảo vệ nhà giàn tiếp 1 năm nữa, chưa kịp nói lời tạm biệt với bố mẹ, nhưng với Trung úy Minh, đây là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng, là trách nhiệm của mỗi người chiến sỹ nhà giàn. Không ngại khó khăn, gian khổ luôn tỏ rõ lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh với quyết tâm "Còn người, còn Nhà giàn, còn chủ quyền Tổ quốc".
Trung úy Hoàng Công Minh bày tỏ: "Chẳng biết từ bao giờ, nhưng mình đã yêu với màu áo lính hải quân, nguyện một lòng cả cuộc đời được gắn liền với biển cả, với nhà giàn, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc".