Hàng trăm sinh viên, đoàn viên, nhân viên tham gia nhặt rác bờ biển

(Dân trí) - Hàng trăm bạn trẻ là sinh viên, Đoàn viên thanh viên, nhân viên văn phòng đã tham gia nhặt rác tại bờ biển Vũng Tàu tại hoạt động “Ngày Quốc tế làm sạch Bờ biển 2018”.

Sự kiện diễn ra vào ngày 29/9 tại Bãi trước bờ biển Vũng Tàu. Hàng trăm tình nguyện viên là sinh viên Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, Đoàn viên thanh niên tại Vũng Tàu và nhân viên của các công ty hưởng ứng sự kiện đã trực tiếp đi gom, nhặt rác và tham gia các hoạt động tuyên truyền làm sạch bờ biển, bảo vệ môi trường biển.

Các bạn trẻ đi nhặt rác dọc bờ biển trong chương trình Ngày Quốc tế làm sạch Bờ biển 2018
Các bạn trẻ đi nhặt rác dọc bờ biển trong chương trình "Ngày Quốc tế làm sạch Bờ biển 2018"

Anh Phan Trung Minh Tuệ, điều phối viên ngày hội cho hay, hơn 350kg rác thải bờ biển được thu gom. Nhưng không đơn thuần chỉ là nhặt rác làm sạch bờ biển, mà qua đó, hoạt động muốn tạo động lực cho những người tham gia, họ sẽ truyền tải đến người thân và bạn bè của mình cũng như truyền tải đến cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường biển.

Đồng thời, thông qua sự kiện này, đẩy mạnh việc tái chế như một trong những trụ cột giúp giải quyết bức tranh lớn về môi trường không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới.

Tổ chức Bảo vệ Bảo tồn Đại Dương – Ocean Conservancy vừa công bố, có tới 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm: Vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút… Theo kịch bản dự báo xấu nhất, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Lượng nhựa được tiêu thụ hàng năm tại châu Á được dự kiến sẽ tăng tới 80% trong 10 năm tới, vượt ngưỡng 200 triệu tấn vào năm 2025. Việt Nam với 28 tỉnh thành ven biển, sẽ chịu ảnh hưởng vô cùng lớn từ tác động này.

Hàng trăm sinh viên, đoàn viên, nhân viên tham gia nhặt rác bờ biển - 2

Kiểm tra và phân loại rác thải sau hoạt động thu gom
Kiểm tra và phân loại rác thải sau hoạt động thu gom

Theo thông tin từ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Việt Nam đứng thứ 4 châu Á về phát sinh nhiều chất thải nhựa, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Phillippines. Trong khi đó, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, tỉ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp, chủ yếu dựa vào lực lượng thu mua phế liệu và một số cơ sở xử lý chất thải rắn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi ni lon/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỉ túi ni lon bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng.

Hoài Nam