Hai người con thành đạt của GS Nguyễn Lân Dũng
(Dân trí) - Sinh ra trong một dòng họ danh giá, hai người con của GS Nguyễn Lân Dũng may mắn hơn chúng bạn vì có môi trường sống và học tập lý tưởng. Tuy nhiên, không ỷ thế của gia đình, ông anh Nguyễn Lân Hiếu và cô em út Nguyễn Kim Nữ Thảo đã tự mình dựng nên sự nghiệp khoa học của mình.
Chàng trai mang ba tính cách
Cậu bé Nguyễn Lân Hiếu ngay từ nhỏ đã bộc lộ sự say mê đối với công việc của mẹ - PGS. TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu. Với công việc, anh học cách làm việc khoa học của bố. Trong cuộc sống, anh chịu ảnh hưởng từ người bác - Giáo sư Nguyễn Lân Tuất (hiện là nghệ sĩ công huân tại Nga).
Anh tâm sự: “Tôi vẫn thấy mình chưa thể theo kịp được sức làm việc của bố cũng như các bác, các chú trong gia đình (tôi thường đi ngủ sớm hơn bố tôi). Chính vì vậy, tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi rất vui khi đi đâu mọi người cũng biết đến bố tôi và khen cụ thật hiền. Đấy là những cái quý nhất mà bố tôi đã giúp tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.
Suốt trong quá trình học tập và công tác, bác sĩ Lân Hiếu đã đạt được rất nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Điển hình là giải thưởng của Hội Tim mạch Nhật Bản trao cho nghiên cứu có giá trị, trong tổng số hơn 100 đề tài nghiên cứu từ nhiều nước trên thế giới. Từ sau giải thưởng này, một số nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới đã đồng ý và áp dụng theo phương pháp cải tiến đã được thực hiện tại Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, nơi anh đang công tác.
Hiện nay, bác sĩ - thạc sĩ Nguyễn Lân Hiếu vừa là giảng viên của Trường Đại học Y Hà Nội vừa là bác sĩ của Viện Tim mạch Việt Nam. Anh đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ Y khoa. Anh không mong muốn trở thành “sếp” mà muốn có trình độ chuyên môn để giúp đỡ các bác sĩ trẻ. Nghề y luôn luôn phải gắn với bệnh nhân - đó là tâm niệm của anh.
Cô gái giàu cá tính
Trái với người anh trai, cô con gái rượu Nguyễn Kim Nữ Thảo lại tỏ ra rất say sưa và thích thú với các công trình nghiên cứu khoa học của bố. Thảo thích thú làm quen với thế giới không nhìn thấy khi đến thăm phòng thí nghiệm Vi sinh vật học của bố Dũng.
Thảo cũng có thành tích học tập rất đáng nể. Cô đã từng đoạt giải Olympic Sinh học quốc tế tại Bỉ, giải nhất Sinh học toàn quốc ở lớp 11 và giải nhì ở lớp 12. Khi theo học lớp Cử nhân tài năng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Thảo nhiều lần được cấp bằng Gương mặt trẻ tiêu biểu, giải thưởng Nữ sinh Việt Nam, bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bằng khen của Thành đoàn TNCS Hà Nội...
Sau khi đi thực tập tại Nhật, Thảo đã cùng các chuyên gia Nhật Bản phát hiện được nhiều loài xạ khuẩn mới từ các chủng phân lập tại Việt Nam. Thảo được nhận học bổng đi học tại Hà Lan và Mỹ. Và Thảo đã chọn Mỹ để thực hiện luận án Tiến sĩ Sinh học trong thời gian tới.
Theo lời kể của bạn bè, khi còn làm việc tại Trung tâm Công nghệ sinh học - Đại học Quốc gia Hà Nội, Thảo là cô gái có cá tính độc lập. Cô sẵn sàng tranh luận nảy lửa để bảo vệ chính kiến của mình trong công việc nếu thấy đó là đúng và cũng lại là hạt nhân đoàn kết không thể thiếu được trong các sinh hoạt tập thể và các hoạt động xã hội.
Phạm Thanh