Hai lần xuất sắc ở ĐH Thanh Hoa

Một lần tốt nghiệp đại học, và mới đây luận văn thạc sĩ. Cả hai lần đều ghi điểm xuất sắc, lại ở ngôi trường nổi tiếng Trung Quốc: ĐH Thanh Hoa. Cô gái xứ Nghệ Đào Nhất Chi Mai đã làm được điều đó như thế nào?

Cô gái đoạt hai danh hiệu xuất sắc: sinh viên xuất sắc của cấp đại học và thạc sĩ Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc). Đó là Đào Nhất Chi Mai - cô gái xứ Nghệ, năm nay mới 25 tuổi, cư trú tại phường Bến Thủy, TP Vinh.

Cuối năm 1997, Mai kết thúc năm nhất Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội với thành tích nổi bật. Vì thế, Mai là một trong ba sinh viên được trường chọn tham gia cuộc thi tuyển vào các trường ĐH của Trung Quốc. Mai “ẵm” nguyên một suất học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc và được Trường ĐH Thanh Hoa - trường danh tiếng bậc nhất Trung Quốc - mời sang học. Nghe tin, “Mai mừng rơn trằn trọc, mất ngủ đến mấy đêm ròng”.

Năm đầu sang học ở Trường ĐH Văn hóa ngôn ngữ Bắc Kinh, Mai bị choáng vì “học bằng giáo trình Trung - Anh rất khó, phương thức giảng dạy của giáo viên cũng khác trong nước nhiều. Nhưng khó mấy cũng phải thử sức”.

Mẹo của Mai là sau mỗi buổi học, tiếp xúc nhiều với các bạn sinh viên Trung Quốc; tranh thủ xem tivi, phim truyện truyền hình để “vừa nhìn, vừa nghe, vừa dịch”; và không quên tính toán thời gian vào thư viện “nghiền” sách. Nhưng trở ngại không dễ bị đẩy lùi nếu mình “không tự mò học thêm và quan trọng nhất là phải siêng đi vào xưởng, xắn tay áo lên mà làm mô hình”. Có những buổi Mai vào xưởng từ sáng sớm đến tối mịt mới đạp xe về lại ký túc xá ăn cơm tối.

Chẳng bao lâu, cô gái thông minh và cần mẫn trở thành sinh viên có thành tích học tập cao nhất khóa. Những phần thưởng đầu tiên đến với cô là lễ tuyên dương lưu học sinh xuất sắc hằng năm của Trường ĐH Thanh Hoa luôn có tên Mai. Đây là lý do, cuối năm 2003, Mai được Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tặng bằng khen.

Khi chuẩn bị hoàn thành đồ án tốt nghiệp năm cuối bậc ĐH, Mai được xét tuyển thẳng vào học chương trình cao học và nhận tiếp một suất học bổng nữa. Gánh nặng hai chương trình khiến cô gái nhỏ nhắn này phải nỗ lực nhiều hơn.

Như không phụ những đêm thức trắng vì “bài vở chất đống”, tháng 7/2004 Mai đã vượt qua số nửa thời gian cao học và là một trong 64 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc nhất trong hơn 3.000 sinh viên của 60 nước trên thế giới đang học cùng khóa tại trường. Lần này, Mai được Sở Giáo dục Bắc Kinh tặng bằng khen “Sinh viên xuất sắc”.

Đang đà học nhưng Mai không bỏ lỡ cơ hội tham gia các công trình thực tiễn cũng như các cuộc thi dành cho sinh viên ngành kiến trúc. Đầu năm 2004, Mai và hai bạn cùng nhóm đã đoạt giải hai cuộc thi “Triển lãm đồ án sinh viên quốc tế năm 2004”, được ban tổ chức cuộc thi mời sang Pháp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Cuối năm 2004, khi biết cuộc thi “Thiết kế nhà hát kịch Quốc Thái ở TP Trùng Khánh”, Mai hăng hái ghi tên tham gia. Kết quả, đoạt giải nhì.

Mai rất để tâm nghiên cứu khả năng bảo tồn và tôn tạo các khu phố cổ. Từ kiến thức về quá trình hình thành, phát triển và tồn tại của phố cổ Dashila ở Bắc Kinh, Mai thấy khu phố này có nhiều điểm tương đồng với phố cổ Hà Nội. Mai hoàn thành luận văn thạc sĩ “So sánh không gian thương mại truyền thống giữa khu Dashila (Bắc Kinh) và 36 phố phường Hà Nội”.

Luận văn được hội đồng khoa học Trường ĐH Thanh Hoa đánh giá là một trong sáu luận văn xuất sắc trong tổng số 115 luận văn tốt nghiệp năm 2006 của học viện. Ông Zhu Wenyi - giáo sư, viện trưởng Học viện kiến trúc, ĐH Thanh Hoa - nhận xét: “Thông qua hình thức so sánh, luận văn đã chỉ ra và phân tích những vấn đề tồn tại trong phố cổ Bắc Kinh và Hà Nội, cũng như nguyên nhân sâu xa của chúng, từ đó nêu ra những đề xuất hợp lý. Luận văn thật sự có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với công cuộc bảo tồn và phát triển khu phố cổ hai nước”.

Luận văn thạc sĩ đã đưa tên Mai vào số 2% của 3.310 sinh viên cùng khóa nhận bằng xuất sắc. Mai cảm động đến lặng người trong buổi trao bằng, khi nghe cả hội trường của trường ĐH danh giá này ồ lên bốn tiếng: “Sinh viên Việt Nam”.

Theo Vũ Toàn
Tuổi Trẻ