Hai cuộc chiến vĩ đại qua hơn 2.000 trang nhật ký
(Dân trí) - Nhiều tác giả của những tập sách nhỏ này đều không còn nữa. Và mỗi phần trong những tác phẩm nhật ký này chỉ như một lát cắt về cuộc sống, chiến đấu trong thời chiến, nhưng khi hợp lại đã thành một bức tranh chân thực với bao nỗi buồn nhân thế…
Đó chính là tâm tư cũng như mong muốn để NXB Công an nhân dân tiếp tục công việc đầy ý nghĩa là sưu tầm và xuất bản những lá thư, nhật ký thời chiến Việt Nam bằng việc phát hành tủ sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” bộ mới gồm 10 cuốn: Cuộc chiến quyết tử, Tuổi thanh niên sôi nổi, Bão lửa cầu vồng, Độc thoại và đối thoại, Trời xanh không biên giới, Một thời lính trận, Tháng ngày thương nhớ, Tôi là người may mắn, Cuối trời mây trắng bay, Đường ra trận.
Chọn đúng thời điểm vào những ngày kỷ niệm 60 năm ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, NXB Công an nhân dân chính thức cho ra mắt bộ sách này.
Một trong 10 cuốn sách là “Thời thanh niên sôi nổi” của tác giả Lê Chấn đã được Đảng uỷ Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ công an quyết định lấy làm tài liệu giáo dục truyền thống trong lực lượng công an nhân dân. Tác giả Lê Chấn là một cán bộ Công an lão thành, nguyên là thành viên của nhóm “Thất Hiền” huyền thoại ở Hải Dương trong thời kỳ Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Cũng như những tác phẩm đã xuất bản của tủ sách “Mãi mãi tuổi hai mươi”, 10 tác phẩm bộ mới này đều đều là những trang viết vô cùng sinh động, những góc nhìn của những người trong cuộc về 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Có những trang viết quyết liệt, dữ dội và có cả những trang viết da diết, ngập tràn niềm nhớ…
Các cuộc chiến khủng khiếp, đẫm máu và cũng không kém phần hào hùng mà những người thuộc thế hệ sau có lẽ không bao giờ hình dung nổi đã lần lượt hịên ra trên từng tranh sách. Trong tác phẩm “Cuối trời mây trắng bay”, dưới tựa đề “Khắc sâu mối thù này”, Liệt sĩ Trần Danh Hài đã có cả một phần riêng để miêu tả sự ghê rợn quang cảnh một làng sau trận càn ở Vĩnh Linh, Quảng Trị năm 1967: “Mặt trời như đổ lửa trên đập Vĩnh Linh. Từng xâu tay người treo lủng lẳng trên những cành dương liễu khô trụi. Những thây người bị chặt khúc, những xác người bị tưới xăng đốt chát tới xương, những khói thịt bầm tím, những đống xương tay, xương sống bị lóc hết thịt trắng hếu…”
Và còn cả những trang viết đầy nước mắt, những giây phút yếu lòng không giấu giếm giữa những khoảng lặng của mặt trận Thừa Thiên Huế năm 1972 của một người trai trẻ, chàng lính viên Lê Văn Cổn trong tác phẩm “Một thời lính trận”: “Có một cái gì đáy khô cứng đang chặn lấy cổ mình. Những hình ảnh không bao giờ quên được cứ hiện về. Mẹ mình từng bao nhiêu năm rồi lo cho mình từng bát cơm, lo cho mình từng buổi đi học về muộn. Làm sao xoá được hình ảnh cha mình đã khóc nức nở khi tiễn mình đi. Vì sao những hình ảnh ấy lại hiện về lúc này, lúc mà trước mắt mình là cả những dãy đồi chạy trụi, tan hoang, loang lổ vì những trận pháo kích, những trận bom toạ độ, bom bi… Mắt mình rưng rưng rồi cay xè như những lúc bị khói bom, khói pháp ập vào. Mình tựa vào cây AK nức nở”.
Hơn 2.000 trang nhật ký, trang nào cũng ẩn chứa những góc cạnh khốc liệt của chiến tranh, nhưng đọng lại trong người đọc vẫn luôn là một nỗi niềm chan chứa chất anh hùng ca và đầy vẻ lãng mãn của những người lính vừa cầm bút vừa cầm súng.
M.M