Hà Tĩnh: Đầu năm, giá cả tăng… sinh viên “méo mặt”

(Dân trí) - Không chỉ sinh viên Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các bạn sinh viên trọ học trên các TP lớn khác trong cả nước, những cử nhân tương lai trọ học trên địa bàn TP Hà Tĩnh cũng đang lao đao vì giá cả tăng “chóng mặt” những ngày đầu năm.

Ra tết, nhiều thông tin trên báo chí cho rằng: giá xăng, điện,… tăng đã khiến nhiều mặt hàng khác cũng rục rịch tăng giá. Trong đó, giá các mặt hàng thực phẩm tăng “chóng mặt” đã làm cho cuộc sống các bạn sinh viên Hà Tĩnh vốn khó khăn nay lại càng điêu đứng.

Hà Tĩnh: Đầu năm, giá cả tăng… sinh viên “méo mặt” - 1
Giá cả tăng, đến bơ gạo các bạn sinh viên Hà Tĩnh cũng phải đắn đo

Những ngày đầu năm Tân Mão 2011, trên thị trường TP Hà Tĩnh giá cả nhiều mặt hàng tăng, nhất là các mặt hàng thực phẩm tăng làm cho cuộc sống của các bạn sinh viên trọ học trên địa bàn TP Hà Tĩnh gặp không ít khó khăn và nhất là các bạn sinh viên ở các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang,… nơi vừa chịu thiệt hại nặng nề trong hai cơn lũ hồi cuối năm ngoái.

Hiến, sinh viên năm 3, trường ĐH Hà Tĩnh đang sống trong cảnh lao đao vì giá cả tăng. Hiến quê ở một xã nghèo thuộc huyện miền núi Hương Khê, nhà chỉ có hai mẹ con, không ruộng vườn canh tác. Cuộc sống của hai mẹ con Hiến chỉ dựa vào mấy chục gốc bưởi Phúc Trạch và nuôi thêm con lợn, con gà, luống rau. Cơn lũ cuối năm ngoái, nhà Hiến nằm trong vùng rốn lũ nên vườn bưởi và những vật dụng trong nhà đã bị lũ tàn phá tan tành.

“Ra tết, mẹ mới đi vay được một triệu, đưa cho em tám trăm, còn lại mẹ dùng mua gạo. Mới xuống trường được gần một tuần mà tiền trong ví đã ngót nghét một nửa rồi. Hiến nhẩm tính, tiền phòng ra tết ông chủ tăng thêm 50 ngàn là thành 300 ngàn/tháng, tiền điện, tiền nước,… ăn uống cũng mất tháng khoảng 1,2 triệu đồng. Năm trước mỗi tháng dưới 1 triệu có khi em còn dư. Năm nay, mới ra tết mà giá cả đắt đỏ quá”.

Chúng tôi ghé thăm xóm trọ sinh viên nằm trên ngõ 22, đường Lê Duy Điếm, TP Hà Tĩnh. Mới bước chân vào dãy trọ, nhầm tưởng chúng tôi đến thu tiền điện cuối tháng, một nữ sinh viên nhanh nhảu hét toáng lên: “Bay ơi các chú lại đến thu tiền điện rồi kìa”. Một bạn khác, giọng nhẹ nhàng: “Có phải tiền điện chuẩn bị tăng không chú?”.

Lúc chúng tôi đến, trời đã chập tối, chứng kiến bữa cơm tối đạm bạc của 3 bạn sinh viên năm 2, trường ĐH Hà Tĩnh ở phòng 7 của dãy trọ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. “Mâm cơm” chỉ có chén nước mắm, bát cà, tô canh và đĩa rau xào. “Thế này là sang lắm rồi anh ơi. Rau bữa ni cũng đắt lắm. 5 nghìn đồng mà mua rau thì được một chút”, Hợp, một bạn cùng phòng nói.
 
Hà Tĩnh: Đầu năm, giá cả tăng… sinh viên “méo mặt” - 2
Rau xưa nay là một món ăn truyền thống của các bạn sinh viên nhưng giờ cũng đã trở nên một khẩu phần đắt đỏ

Vào thời điểm hiện nay, đối với nhiều sinh, có bữa cơm rau, canh cà nước mắm như nhóm bạn của Hợp cũng là một điều may mắn. Thân Viết Nghinh, sinh viên năm 2, ngành Công nghệ thông tin, trường ĐH Hà Tĩnh, than thở: “Mỗi tháng bố mẹ chỉ cho 1,2 triệu đồng. Nhận xong vài bữa thấy tiền bay vèo mô hết. Cứ đầu tháng đang có bữa thịt, bữa cá nhưng nữa tháng sau thực đơn quen thuộc là: Sáng nhịn, trưa mỳ gói và tối sang lắm cũng là tô cháo, không thì lại quay về mỳ gói”.

Đối với những bạn có điều kiện khá giả hơn, vào thời điểm này cũng đang “méo mặt” vì giá cả tăng vụt. “Mình có thói quen buổi sáng bữa bún, bữa phở, bữa lại tô cháo canh. Nhưng ra tết đến nay, bún, phở hay cháo canh đều tăng từ 3 – 5 nghìn đồng/tô. Nếu cứ như ri chắc là khẩu phần buổi sáng sẽ giảm xuống ổ bánh mỳ hay tô mỳ gói thôi”, Dung, một sinh viên “đại gia”, năm thứ 2, Khoa Mầm non, trường ĐH Hà Tĩnh cũng đã biết tằn tiền chi tiêu trong cơn “bão giá”.
 
Hà Tĩnh: Đầu năm, giá cả tăng… sinh viên “méo mặt” - 3
Sống trong thời "bão giá", khẩu phần ăn của các bạn sinh viên chủ yếu là rau, canh, cà muối

“Em đọc báo thấy, ngày 1/3 tới đây giá điện sẽ tăng 10%, giá xăng cũng có thể tăng 3.000 đồng/lít nữa. Những thứ đó mà tăng thì chắc chắn các mặt hàng khác cũng sẽ tăng “chóng mặt” hơn. Giá cả tăng, sinh viên như tụi em khổ lắm. Năm trước 20 nghìn đồng đi chợ 3 đứa ăn cả ngày, nhưng giờ 40 – 50 đi chợ cũng có thấm vào đâu”, Đặng Thị Hồng, sinh viên trường Cao đẳng Y Hà Tĩnh, lắc đầu.

Có thâm nhập vào cuộc sống sinh viên sống trong thời bão giá chúng tôi mới thấu hiểu được để có một tấm bằng Đại học, Cao đẳng hay Trung cấp các bạn sinh viên không chỉ nỗ lực trong học tập mà còn phải vật lộn với cuộc sống chi tiêu hằng ngày và nhất là việc chắt bóp chi tiêu, xoay xở đủ cách khi sống trong những ngày bão giá.

Đặng Tài – Hà Phương