Hà Nội - những ngày không thể quên!
(Dân trí) - Gió lạnh dọc sống lưng, Hà Nội lại đang đón đợt gió mùa đông bắc, tôi nhớ lại tin nhắn động viên và lời nói đùa của một người bạn: “Cố lên nhé, hãy ngắm Hà Nội và hình dung mình đang ở Venice”...
Khó có thể hình dung nhiều người dân Hà Nội đang trải qua những ngày vật lộn trong trận "đại hồng thủy". Mất điện, mất nước, hết lương thực… người dân hoảng loạn và thất vọng nhìn những ngôi nhà chìm trong mưa lũ. Một Hà Nội thật khác trong hình dung của tôi.
Ngày "lịch sử"
Tôi xin được gọi ngày 31/10/2008 là ngày lịch sử vì nó thật sự đã mang lại cho tôi quá nhiều những cảm xúc khó nói hết lên lời. Và cũng có thể, không chỉ riêng tôi mà còn với nhiều những con người, những gia đình khác sẽ nhớ mãi ngày “lịch sử” với cơn mưa kinh hoàng, chỉ trong một ngày đã làm thủ đô Hà Nội tê liệt.
Khu nhà tôi sống nằm ở khu phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội, từ xưa đã “nổi tiếng” là “lòng chảo” của Hà Nội. Lúc còn nhỏ, tôi cũng đã từng được chứng kiến những ngày mưa bão lụt lội, các cô chú dưới tầng 1 phải đi sơ tán và chạy đồ đạc như thế nào. Nhưng trong con mắt của những đứa trẻ mới 7, 8 tuổi như chúng tôi thì đó là những ngày vui, thú vị nhất. Trời hửng nắng, nước mưa ngập đến đầu gối người lớn và chừng ngang đùi tụi trẻ con, chúng tôi hì hụi đẩy những chậu, xô nhựa to ra giữa phố… bắt cá, nhưng cái chính là để được vầy nước, để được vùng vẫy đi “bơi” giữa phố…
Tôi ngồi viết những dòng này, tôi và mẹ cùng em trai đã được “di dời” và “bình an” trong nhà của dì tôi. Còn ông bà ngoại tôi vẫn quyết “bám trụ” đến cùng. Cả khu nhà ước chừng vài chục người ở lại, đa số đã phải sơ tán hết. Trước khi đi, mẹ tôi cũng chuẩn bị đầy đủ gạo, nước, lương thực cho ông bà dung đủ trong 2, 3 ngày tới. Ngày thứ 3 ngập trong biển nước, ngày thứ 2 mất điện, không biết bao gia đình ở khu phố nhà tôi và nhiều nơi khác của Hà Nội sống trong cảnh đói khát và mệt mỏi này.
Tôi tìm đủ mọi cách để biết được thông tin, tình hình ngập lụt và cố gắng liên lạc với những người thân, bạn bè cũng đang sống trong tình trạng bế tắc như gia đình tôi. Có cậu bạn nhiệt tình đến mức sẵn lòng đi mua đồ và tình nguyện “bơi” vào để mang thức ăn cho nhà tôi, nhưng cũng có người bạn thản nhiên: “Làm gì mà đến mức thế, cùng lắm đến mai là rút nước chứ gì”. Cũng có thể hiểu tại sao vẫn còn nhiều người nghĩ một cách đơn giản thế, vì họ chưa phải sống trong hoàn cảnh như chúng tôi. Người bạn ấy, cũng như nhiều người khác, nghĩ rằng: “Chỉ sau có một đêm, một trận mưa mà có thể làm nhiều gia đình trở tay không kịp, làm cả Hà Nội tê liệt, cả Hà Nội điêu đứng?”
Những điều không bao giờ quên
Vẫn còn may mắn hơn nhiều gia đình khác ở tầng 1, căn hộ nhà tôi ở tầng 2 trong khu nhà có gần 40 hộ sinh sống, chưa phải lo đến việc chạy đồ đạc nhưng cũng đau đầu chuyện dầu đèn, cơm cháo. Mẹ tôi lội được về nhà tối ngày 31/10, trên tay cầm một mớ rau muống, 4 lạng thịt và vài bìa đậu nát. Cũng trong tối hôm đó, một gia đình dưới tầng 1 có gửi 2 con lên nhà tôi xin ở nhờ và chị con gái lớn năm nay đã 22 tuổi còn bị thiểu năng trí tuệ.
Với những người như ông bà hay mẹ tôi, đã từng trải qua chiến tranh, bom đạn hay mưa bão, thì hình như luôn có sẵn một tinh thần để ứng phó và bình tĩnh đến lạ lùng. Nhưng với tôi, những đứa con sinh sau đẻ muộn, chưa một ngày phải chịu đói chịu rét thì khó có thể giữ vững tâm lý cho được.
Căn hộ 206 bên cạnh nhà tôi, cũng đón 5 người hàng xóm lên ở cùng mà trong đó có 2 chị đang mang bầu. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được sâu sắc câu nói “hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau”. Một sự bao bọc, chia sẻ như bản năng của mỗi con người. Những tiếng hò reo của trẻ con cổ vũ bố lội nước đi tìm mua thức ăn, tiếng người gọi nhau í ới mang xô sang lấy nước mưa, giúp nhau nổ xe máy, cả khu nhà chưa bao giờ náo nhiệt và “vui” đến thế”…
Gió lạnh dọc sống lưng, Hà Nội lại đang đón đợt gió mùa đông bắc, tôi nhớ lại tin nhắn động viên và lời nói đùa của một người bạn: “Cố lên nhé, hãy ngắm Hà Nội và hình dung mình đang ở Venice”.
Ừ, Venice của Việt Nam đấy, mới chỉ ngót 2 ngày mưa, Hà Nội của mình ngập chìm trong nước, mất điện, không đủ đồ ăn… Bao nhiêu người vật lộn cứu tải sản, lo tìm chỗ ở, bao người đã phải chết? Hà Nội đã từng có một trận mưa lịch sử năm 1984, cũng nước ngập, cũng chạy lũ. Đã 24 năm qua đi, thật khó có thể nghĩ hệ thống thoát nước của thủ đô vẫn “thi gan, liều mình” chịu đựng, và không biết có thể chịu đựng được đến bao giờ? Tôi tự hỏi, sau bao nhiêu năm nữa sẽ có người dám khẳng định, Hà Nội sẽ “bình an” sau những cơn mưa?
Ly Vũ