"Gyaru peace" - trào lưu chụp ảnh gây sốt cộng đồng mạng
(Dân trí) - Thay vì những cách tạo dáng thông thường như bắn tim, nháy mắt, v-sign đã quá đỗi quen thuộc đối với giới trẻ, một trào lưu chụp ảnh mới có tên là "Gyaru peace" đang ngày càng nở rộ.
Những ngày gần đây, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp vô số các hình ảnh, clip tiktok của những thần tượng, bạn trẻ ngửa lòng bàn tay và dùng hai ngón trỏ và giữa tạo thành ký hiệu chữ V ngược. Thực chất, đây là một xu hướng tạo dáng mới được biết đến với tên gọi "Gyaru peace", vốn xuất phát từ đất nước Nhật Bản.
Trong đó, thuật ngữ "Gyaru" bắt nguồn từ cách phát âm tiếng Nhật của tiếng lóng trong tiếng Anh là "gal", cụ thể hơn, "Gyaru" từ lâu đã là một trong những văn hóa thời trang nổi tiếng nhất ở Nhật, bao gồm việc trang điểm mắt đậm, nhuộm da, kiểu tóc đậm... của những cô gái sành điệu tại xứ sở hoa anh đào.
Còn về phần "peace" - ký hiệu hòa bình từ trước tới nay vẫn là động tác phổ biến mọi người thường hay sử dụng khi chụp hình. Thoạt nghe ban đầu, sự kết hợp tưởng chừng như không mang lại ý nghĩa gì đặc biệt nhưng giờ đây đã trở thành một cơn sốt khiến giới trẻ toàn cầu hào hứng làm theo.
Chưa hết, trào lưu "Gyaru peace" càng trở nên nóng hơn khi một số nghệ sĩ nữ nổi tiếng ở K-pop bắt đầu chụp hình với cách tạo dáng này. Tiêu biểu có thể kể đến những idol người Nhật hoặc có gốc Nhật như Rei - IVE, Giselle - aespa, Tsuki - Billlie, Hikaru - Kep1er,…Dần dần, "Gyaru peace" trở nên thịnh hành đối với tất cả các nghệ sĩ không phân biệt là nam hay nữ, có gốc Nhật hay là không, chẳng hạn như Wendy - Red Velvet, Winter - aespa, Kai - TXT, Minhee - CRAVITY,…
Tuy đại đa số mọi người đều khá hưởng ứng và phản ứng tích cực với "Gyaru peace", thế nhưng trên thực tế cũng xuất hiện không ít những ý kiến trái chiều đến từ cư dân mạng của Hàn Quốc nhận xét tiêu cực về trào lưu nêu trên.
"Tại sao những idol người Nhật lại bắt đầu trend này? Đáng nhẽ ra nó chỉ nên được phổ biến ở Nhật".
"Trông cách tạo dáng này có phần hơi gượng ép"
Đánh giá về trào lưu "Gyaru peace", Linh Hoa (21 tuổi, Hà Nội) cho rằng: "Trào lưu này theo mình cảm nhận thật sự rất mới mẻ, cách tạo dáng cũng khá độc lạ và gây ấn tượng cho công chúng. Mặt khác thì mình cũng có hâm mộ một vài nghệ sĩ nhất định ở K-pop nên khi được chứng kiến biểu cảm họ hưởng ứng "Gyaru peace" khiến mình thấy hết sức thú vị và muốn trào lưu này có thể lan rộng hơn nữa trong tương lai."
Nguyên An (19 tuổi, Hà Nội) - đồng tình với những quan điểm tích cực và chia sẻ: "Cá nhân mình nhận định "Gyaru peace" đơn thuần cũng chỉ là một cách tạo dáng đặc biệt lấy cảm hứng từ những yếu tố đã tồn tại từ xưa như phong cách "Gyaru" của Nhật và kí hiệu hòa bình "peace", biến tấu và thêm thắt một chút để khiến nó trở nên đặc sắc hơn những cách tạo dáng phổ thông trước đây. Thế nên đối với mình, việc này chẳng qua cũng chỉ như được tiếp cận và làm quen thêm một thứ trào lưu mới, cùng bạn bè chụp những pô ảnh với cách tạo dáng hay ho hơn."
"Nếu chúng ta nhìn từ góc độ của người Hàn và nắm bắt được cả những hiềm khích tồn tại trước đó giữa hai quốc gia Hàn Quốc - Nhật Bản thì mình nghĩ việc nảy sinh một số phản ứng không mấy tích cực là điều khá dễ hiểu. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, trào lưu này vẫn không tạo ra bất cứ ảnh hưởng nào nghiêm trọng nên mình nghĩ việc quy chụp và áp đặt việc sử dụng của một bộ phận người Hàn chưa thật sự đúng đắn", Minh Đức (18 tuổi, Hà Nội) nhận xét thêm về vấn đề trên.
Dù vậy, cũng không thể phủ nhận "Gyaru peace" đã và đang tiếp tục trở thành một trào lưu thịnh hành ngày nay, nổi bật với sự dễ thương và mới mẻ như thổi lên một làn gió mới thay thế cho những cách tạo dáng cũ đã có phần tẻ nhạt và buồn chán.