GS Nguyễn Lân Dũng: Thế hệ 9X nhiều ước mơ, hoài bão lắm
Đó là khẳng định của Giáo sư, nhà giáo Nguyễn Lân Dũng trong cuộc trò chuyện đầu xuân về thế hệ 9X, 10X.
Nói về giới trẻ trong thời đại mới, đặc biệt là các bạn 9X, ông có nhận xét gì về họ?
Giới trẻ được lớn lên trong hòa bình khi đất nước đang hội nhập quốc tế và phát triển công nghệ thông tin nên rất có điều kiện để phát triển tài năng và trí tuệ. Chỉ còn lại chuyện các bạn trẻ có muốn hay không mà thôi.
Theo ông các bạn trẻ Việt Nam có những phẩm chất quý giá nào để có thể tiến tới thành công?
Tôi đã chứng kiến sự trưởng thành của không ít bạn trẻ và trong thực tế rất nhiều bạn trẻ tại Viện chúng tôi (Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học - PV) đã có trình độ chuyên môn sâu hơn chúng tôi.
Các bạn ấy đã và đang làm chủ được công nghệ giải trình tự ADN và chuyển gen để tìm ra các loài vi sinh vật mới cho thế giới và tiến tới sản xuất ra các sản phẩm cao từ các vi sinh vật mang gen tái tổ hợp. Nên tôi nghĩ, phẩm chất cần có là lòng yêu khoa học, quyết tâm tự nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và tinh thần hợp tác trong khoa học.
Ở Viện nghiên cứu nơi ông đang làm việc có nhiều người trẻ không? Điều khiến khiến ông cảm thấy tự hào về họ nhất?
Ở Viện của chúng tôi, đang có 40 bạn trẻ đang làm việc, không ít trong số này được đào tạo từ các nước phát triển về. Điều tôi thấy tự hào nhất là mặc dầu đời sống còn nhiều khó khăn nhưng họ đã biết tự khắc phục để vươn lên làm chủ các công nghệ mới, các thiết bị hiện đại. Và đến giờ, thì các bạn ấy đã bước đầu có chỗ đứng xứng đáng trong sự nghiệp phát triển khoa học và đào tạo sinh viên, nghiên cứu sinh.
Trong số những tấm gương trẻ, ai là người khiến ông ấn tượng nhất?
Tôi may mắn chứng kiến sự trưởng thành của lớp học sinh Khóa I (có con trai tôi và Ngô Bảo Châu theo học) của trường Thực nghiệm Giảng Võ mà bạn tôi- GS.Hồ Ngọc Đại, là người sáng lập lên. Trong khóa học đó không chỉ có Ngô Bảo Châu mà còn có rất nhiều người thành đạt.
Điều này tạo cho tôi một ấn tượng hết sức sâu sắc. Rõ ràng là mục tiêu của Giáo dục trước hết chưa phải là Dạy chữ mà có lẽ quan trọng hơn là việc Dạy làm người. Kiến thức mà các bạn trẻ này thu nhận được sau này chủ yếu là do công sức tự phấn đấu chứ đâu chỉ là thu được từ Nhà trường.
Vậy còn điều gì khiến ông trăn trở nhất ở người trẻ, đặc biệt là các bạn 8X, 9X?
Tôi rất trăn trở đối với con em nông dân, bộ phận cư dân chiếm đến gần 90% dân số nước ta, điều kiện thiếu thốn hơn và phải rẽ ngang khi còn rất trẻ để kiếm sống.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều em xuất thân từ nông thôn nhưng có quyết tâm rất cao và trở thành những trí thức giỏi giang. Trường hợp PGS.TS Dương Văn Hợp, người đang làm Viện trưởng nhiệm kỳ thứ hai là một ví dụ. TS.Hợp xuất thân từ nông thôn và hoàn toàn học trong nước cho đến trình độ Tiến sĩ..
Ngày còn trẻ, ông thường tâm niệm điều gì về tương lai của mình?
Truyền thống gia đình tôi là Nghề Thày. Có lẽ ít ai như tôi có cơ hội học liên tiếp qua 4 trường Sư phạm (Sư phạm Sơ cấp Việt Bắc, Sư phạm Sơ cấp Trung ương, Sư phạm Trung cấp Trung ương, ĐH Sư phạm Khoa học), cho nên từ nhỏ tôi chỉ tâm niệm về nghề làm thầy.
Khi còn trẻ ông có cảm thấy rằng mình bị thiếu định hướng để thực hiện ước mơ của mình hay không?
Tôi lớn lên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có lẽ vì vậy chúng tôi suy nghĩ rất giản đơn. Được học, được đào tạo, được bồi dưỡng thì chỉ mong muốn sớm trưởng thành để có thể đền đáp công ơn của cha mẹ, của nhân dân.
Có ý kiến cho rằng thời kì mạng xã hội phát triển thì giới trẻ càng thiếu hoài bão và khát vọng, theo ông điều đó có đúng không?
Bây giờ các bạn trẻ có nhiều ước mơ, nhiều hoài bão lắm. Nhưng xét kĩ thì giới trẻ hiện có ba nhóm khác nhau.
Một là nhóm có hoài bão, có khát vọng, có quyết tâm và cũng có điều kiện để vượt qua khó khăn nhằm thực hiện bằng được khát vọng hoài bão của mình.
Nhóm thứ hai là có hoài bão, có khát vọng nhưng không có điều kiện hoặc không đủ quyết tâm để vượt qua khó khăn để tiến lên mạnh mẽ.
Nhóm thứ ba tuy không phải là số đông nhưng rất đáng chê trách. Đó là những thanh niên không có lý tưởng chính xác, thích ăn chơi bằng tiền bạc của cha mẹ hoặc tự kiếm tiền một cách bất chính để ăn chơi. Số này rất dễ sa đọa và không hề có một tương lai gì đáng tự hào.
Theo ông làm thế nào để các bạn trẻ phát huy được khả năng của mình đúng đắn nhất để đạt được ước mơ của họ?
Cần có sự quan tâm của gia đình, nhà trường và lớp đàn anh đi trước. Họ cần được sự động viên, giúp đỡ và tạo điều kiện để có thể phát huy năng lực của mình trên con đường đạt tới những khát vọng chính đáng.
Khi một bạn trẻ gặp thất bại trong học tập, công việc cũng như vướng phải những vấn nạn tiêu cực, ông sẽ có những lời khuyên nào dành cho họ?
Hãy nhớ tới lời khuyên của Bác Hồ kính yêu:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí cũng làm nên !
Ông có lời nhắn nhủ gì đến giới trẻ trong năm mới 2013 này?
Năm nay tôi đã bước sang tuổi 76, lại mang hai chiếc stent trong động mạch vành của tim. Thời gian để cống hiến không còn là bao. Hy vọng các bạn trẻ thế hệ 9X, 10X có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn để đưa đất nước đi lên.
Xin chân thành cám ơn Giáo sư. Năm mới chúc Giáo sư mạnh khỏe!
Theo Đất Việt