Góc nhìn của Tân
Trần Văn Tân (vừa tốt nghiệp ngành Kiến trúc, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) được bạn bè gọi bằng cái tên khá ngộ “Tân vẽ tranh 3D như thật”.
Vẽ trên sân thượng
Cầm cọ vẽ từ năm lớp 9, Tân vẽ theo cảm xúc và thể hiện những gì nhìn thấy từ cuộc sống thật. Đến nay, Tân đã có thể “chơi” được nhiều thể loại, như: Tranh tường, tranh sơn dầu… nhưng sở thích lớn nhất là tranh 3D đường phố.
Tân chia sẻ: “Lần đầu tiên thấy những bức tranh đó trên một trang web, mình cảm thấy rất khó tả, tự hỏi, sao người ta có thể vẽ ra được tài tình vậy. Mình ước ao một ngày nào đó, mình cũng sẽ vẽ được bức tranh “thật” đến như vậy”.
Tân dành nhiều thời gian nghiên cứu thể loại tranh này. Cậu đặc biệt ấn tượng với các tác phẩm của nữ hoạ sĩ người Mỹ Tracy Lee Stum, bậc thầy trong nghệ thuật vẽ tranh 3D đường phố. Hơn 2 năm “luyện cọ”, Tân đã vẽ được một số tác phẩm tranh 3D đơn giản.
Khi Công viên văn hóa Đầm Sen tổ chức cuộc thi vẽ tranh 3D đường phố, dành cho sinh viên, năm 2014, Tân cùng một số bạn trong khoa Kiến trúc chia thành 4 nhóm, tham gia.
Tân chia sẻ: “Rất may là cả 4 nhóm đều giành giải vì được sự hướng dẫn và ủng hộ nhiệt tình từ các thầy trong khoa. Sau cuộc thi đó, mình rất tự tin vẽ những bức tranh tiếp theo”.
Vì cần có một không gian rộng để vẽ, nhóm Tân hay mượn sân thượng của khoa Kiến trúc. Tân cũng hay đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Cần Thơ, Đồng Tháp… để vẽ tranh khi có lời mời, thỏa mãn niềm đam mê.
Vô cùng công phu
Điểm khó nhất của tranh 3D đường phố là vẽ trên mặt đất và chỉ có một góc nhìn duy nhất. Nếu đặt điểm nhìn lệch một chút, mọi thứ sẽ thay đổi, những chi tiết trong tranh không còn bình thường nữa mà bị bóp méo, kéo dài…
Sáng tạo trên thể loại tranh này, hoạ sĩ đều phải vẽ một hình rất khác so với những gì mà máy ảnh có thể chụp lại. Chính vì điều này, khi muốn vẽ một chi tiết nào đó, Tân phải canh đo, tính toán rất kỹ.
Khá thú vị là vẽ tranh 3D đường phố cũng cần sử dụng máy ảnh cố định để phát hiện ra những điểm sai và tìm cách khắc phục cho ra tác phẩm. Máy ảnh sẽ là điểm nhìn thấy độ 3D của tranh này.
Tân chia sẻ: “Mình thường lên màu theo quy tắc từ xa đến gần, như: Bầu trời, cây cỏ phía xa, cây gần, rồi tới những chi tiết gần nhất. Những chi tiết chính và gần được đầu tư vẽ kỹ hơn.
Vừa vẽ, vừa xem hình mình đang vẽ như thế nào qua máy ảnh để điều chỉnh lại màu sắc và hình khối cho hợp lý. Hình vẽ nhìn ở điểm ngồi vẽ rất khác với nhìn trong máy ảnh”.
Hoàn thiện một tác phẩm nghệ thuật đường phố, tùy vào độ khó, độ tinh xảo, Tân mất tối thiểu một ngày. Anh bạn cho biết thêm: “Mình thích vẽ nhất đề tài thiên nhiên vì có cảm hứng mạnh mẽ nhất, tiếp đó là vẽ động vật”.
Hiện nay, Tân đang là chủ một cửa hàng họa phẩm. Anh bạn rất hài lòng khi được sống giữa một “thiên đường của sắc màu”. Buổi sáng, Tân trông cửa hàng, buổi chiều, Tân đi dạy vẽ cho hơn 40 học viên, chủ yếu là các bạn học sinh, sinh viên và cả những người lớn yêu thích hội họa. Tân còn nhận vẽ tranh tường, trang trí các không gian lớn khi có đơn đặt hàng.
Sinh nhật bạn bè, Tân luôn tạo sự bất ngờ khi tặng các bạn toàn “cây nhà lá vườn”, do chính tay Tân vẽ. Anh bạn bày tỏ: “Mình có thể vẽ lúc nào cũng được, thể loại nào cũng làm mình vui. Nhưng mình vẫn thích vẽ tranh 3D hơn cả.
Thể loại này yêu cầu sự sáng tạo, tính tỉ mỉ và một góc nhìn độc đáo. Mình thích thể hiện những phẩm chất ấy trong tác phẩm và chia sẻ cho bạn bè, mọi người cùng thưởng ngoạn”.
Nghệ thuật vẽ tranh trên đường phố đã có chặng đường dài phát triển trên thế giới. Những cuộc thi vẽ tranh 3D đường phố thường xuyên được tổ chức ở Đức, Anh, Pháp…
Hiện nay, những họa sĩ vẽ tranh đường phố đã có bước tiến vượt bậc trong nghệ thuật tranh 3D. Những bức tranh 3D được vẽ bằng công thức toán học, tỉ mỉ và “chính xác đến từng milimet”. |
Theo Văn Thảo
Sinh viên Việt Nam