"Góc khuất" nghề kiểm duyệt nội dung internet ở Trung Quốc
(Dân trí) - Những người kiểm duyệt nội dung trên internet ở Trung Quốc phải làm việc "thâu đêm suốt sáng", "dán mắt" vào màn hình máy tính. Và cái giá phải trả là sự kiệt quệ về cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chủ yếu được thuê bởi các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, những người kiểm duyệt nội dung mỗi ngày phải dành nhiều tiếng đồng hồ để phát hiện bất kỳ thứ gì có yếu tố kinh dị, bạo lực, khiêu dâm, và các thông tin nhạy cảm chính trị.
Nhân viên kiểm duyệt xem xét một loạt nội dung do người dùng tạo ra, bao gồm video, bình luận, hình ảnh và hồ sơ người dùng. Họ liên tục nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính và thường phải làm việc thêm giờ. Cái giá phải trả là sự kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần.
6 nhân viên từng làm việc trong bộ phận kiểm duyệt nội dung tại các công ty công nghệ lớn chia sẻ với trang Sixth Tone rằng họ phải theo dõi nội dung trực tuyến liên tục, đôi khi kéo dài 14-15 tiếng/ngày. Nhiều người trong số họ mới tốt nghiệp đại học và khao khát được làm cho các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, họ thường xuyên phải làm thêm giờ, chịu áp lực chỉ tiêu, trong khi triển vọng nghề nghiệp không hấp dẫn.
"Chúng tôi giống như công nhân của một nhà máy điện tử. Sự khác biệt duy nhất là chúng tôi làm việc trong một tòa nhà văn phòng", Chen Xiaowen, người từng làm ở bộ phận kiểm duyệt nội dung của ByteDance, công ty internet hàng đầu Trung Quốc, cho biết.
Văn hóa làm thêm giờ tại các công ty công nghệ "996" (nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần) đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi. Chỉ trong vòng 5 tháng, một chiến dịch trực tuyến nhấn mạnh quyền của người lao động và một bài đăng từ chức nhanh chóng được lan truyền rộng rãi. Điều này cho thấy điều kiện làm việc thiếu lành mạnh vốn là điều quen thuộc và là nguyên nhân dẫn đến những cái chết của các nhân viên công ty công nghệ. Hơn nữa, các nhà chức trách cũng nhấn mạnh rằng văn hóa "996" là bất hợp pháp.
Ngày 4/2, cái chết của một nhân duyên kiểm duyệt nội dung tên Mu Se Mu Xin được cho là do làm việc quá sức. Phía lãnh đạo công ty đã đưa ra lời phủ nhận việc nhân viên làm ngoài giờ. Theo đó, công ty nói rằng nam nhân viên 25 tuổi này chỉ làm theo ca 8 tiếng trong dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, cái chết của nam nhân viên do xuất huyết não đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và thương cảm, từ đó cũng cho thấy góc nhìn về cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của hàng chục nghìn người kiểm duyệt nội dung - một vị trí quan trọng nhưng thường bị bỏ quên tại các công ty Internet.
Làm việc "thâu đêm suốt sáng"
Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng chia sẻ nội dung trực tuyến và sự giám sát chặt chẽ hơn của chính phủ trong những năm qua đã khiến các công ty công nghệ nhanh chóng phải mở rộng đội ngũ kiểm duyệt nội dung.
ByteDance, công ty mẹ của Douyin (Tik Tok phiên bản Trung Quốc), được cho là có hơn 20.000 nhân viên kiểm duyệt nội dung, trong khi Bilibili có hơn 2.400 người vào cuối năm 2020.
Tại Bilibili - nền tảng phát triển từ một cộng đồng game và anime thành một trang web chia sẻ video chính thống với 267 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, người kiểm duyệt nội dung chiếm 28% tổng số nhân viên vào năm 2020. Tỷ lệ này là 21% hồi năm 2018, khi Bilibili bị "xóa sổ" một tháng vì xuất bản nội dung mà cơ quan quản lý cho là không phù hợp.
Zhang Jun (27 tuổi), cựu trưởng nhóm tại một trung tâm kiểm duyệt nội dung Bilibili được đặt ở một thành phố nhỏ, cho biết nhóm của mình đã tăng từ 10 người lên khoảng 200 người chỉ trong một năm.
Chàng trai này cũng chia sẻ, anh được yêu cầu xử lý ít nhất 1.600 video trong ca làm 12 tiếng, tức khoảng 2 video/phút. Một số nhân viên đôi khi đã xử lý tới 2.900 video chỉ trong một ca làm.
Hou (23 tuổi), một nhân viên kiểm duyệt nội dung tại văn phòng Vũ Hán của Bilibili, cũng xác nhận rằng mỗi ca làm việc kéo dài 12 tiếng. Anh cho biết, cứ 3 tháng 1 lần, tất cả các nhân viên phải trực ca đêm, kéo dài từ 21 giờ tối đến 9 giờ sáng hôm sau.
Tình hình chỉ trở nên tồi tệ hơn vào thời gian đầu đại dịch bùng phát vào năm 2020, khi hàng chục triệu người chuyển sang các nền tảng mạng xã hội vì phải ở trong nhà.
Trong quý đầu tiên của năm này, những người sáng tạo nội dung và số lượt gửi sản phẩm trên Bilibili đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019, dẫn đến tình trạng tồn đọng hơn 1 triệu video chưa được xem xét trong một tuần, người kiểm duyệt phải tăng ca ngay cả ngày nghỉ.
"Làm việc ca đêm khiến tôi kiệt sức, mắt thì mở nhưng đầu óc lại trống rỗng. Sau một tháng trực đêm, chu kỳ kinh nguyệt của tôi không đều. Tôi cảm thấy như bộ não của mình ngưng hoạt động khi làm việc, mắt bị mờ dẫn đến sai sót và bị cắt lương", Cui Yu, một nhân viên Bilibili gia nhập công ty vào cuối năm 2019 chia sẻ.
Các nhân viên tại ByteDance và một nền tảng video ngắn khác là Kuaishou cũng chia sẻ kinh nghiệm làm việc tương tự.
Chen (26 tuổi) phụ trách theo dõi các đoạn video ngắn tại văn phòng ByteDance ở Trùng Khánh cho biết, ca làm việc của mình kéo dài 9 tiếng, bao gồm 60 phút nghỉ để ăn uống. Nhưng khối lượng công việc hằng ngày và sự lo lắng về KPI khiến cô phải làm việc trong cả bữa trưa.
"Công ty cho rằng chúng tôi có thể xem 2.000 video mỗi ngày rồi dựa vào đó xác định số người cần làm trong một ca, hiếm khi chịu bổ sung thêm người. Tuy nhiên, để đạt KPI, không ai dám nghỉ ngơi. Tôi đã tăng 10kg do lối sống không điều độ khi làm việc ở đó; làm việc thâu đêm suốt sáng khiến tôi có cảm giác như sắp chết", Chen tâm sự.
Wang Yi làm nhân viên kiểm duyệt bình luận tại nhóm của Kuaishou ở phía đông thành phố Vô Tích từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2021. Anh thường làm thêm 20-30 tiếng/tháng nhưng chỉ kiếm được khoảng 6.000 nhân dân tệ (hơn 21 triệu đồng) sau thuế.
"Tôi không thể ngủ được trong thời gian nghỉ ca đêm kéo dài một tiếng, nhiều người đã được chẩn đoán mắc chứng tâm thần", chàng trai 24 tuổi ám chỉ các chứng rối loạn tâm lý thường trầm trọng hơn do kiệt sức về tinh thần.
"Người kiểm duyệt nội dung phải làm việc suốt ngày đêm. Họ không thể sống như những người bình thường với lối sinh hoạt đều đặn".
Bilibili từ chối trả lời các câu hỏi của Sixth Tone về điều kiện làm việc cụ thể. Trước đó, công ty này cho biết sẽ tuyển thêm 1.000 người kiểm duyệt nội dung trong năm nay để "giảm bớt áp lực cho nhân viên" và tăng cường theo dõi sức khỏe của nhân viên sau cái chết của Mu Se Mu Xin.
Công việc bị giám sát chặt chẽ
Trong khi người kiểm duyệt đang xem xét nội dung người dùng trên màn hình, công ty đồng thời giám sát hiệu quả làm việc của họ. Những người từng làm nghề kiểm duyệt nội dung chia sẻ rằng một hệ thống máy tính đã phân tích hoạt động của họ dựa trên số lượng và tốc độ. Điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá hiệu suất và số tiền họ sẽ nhận được.
Chen cho biết, ByteDance đánh giá những nhân viên hàng tháng với điểm số từ A đến D, tùy thuộc vào hoạt động công việc hàng ngày của họ. Trong khi những người có điểm số cao nhất hệ thống có khả năng kiếm thêm hàng chục nghìn nhân dân tệ hàng năm thì những nhân viên xếp hàng thấp hai lần liên tiếp bị yêu cầu nghỉ việc.
"Nó giống như chế tạo linh kiện tại một nhà máy điện tử. Càng làm nhiều, làm tốt, làm nhanh thì bạn trở thành người giỏi nhất. Gong Qin - cựu nhân viên kiểm duyệt nội dung của Douyin có trụ sở tại Thành Đô cho biết, trong tháng đầu tiên những thực tập sinh kiểm duyệt với tốc độ chậm hơn và độ chính xác thấp sẽ phải ở lại làm thêm giờ.
Tháng 11/2021, ByteDance chia sẻ, họ chỉ yêu cầu nhân viên làm việc từ 10 giờ đến 19 giờ.
Trong khi đó, tại Kuaishou, anh Wang cho biết, từ tháng 11 năm ngoái, công ty đã thời gian nghỉ của họ từ 60 phút xuống còn 40 phút, trong ca làm việc kéo dài 8 tiếng. Giờ ăn của họ cũng giảm xuống còn 30 phút và một hệ thống máy tính sẽ tự động bắt đầu lập bảng thời gian nghỉ nếu màn hình giám sát của nhân viên không hoạt động trong một phút.
Nghề nghiệp không có tương lai
Nhiều công ty internet lớn đã thuê giám sát nội dung hoặc chuyển toàn bộ bộ phận của họ đến các thành phố nhỏ hơn, như Thiên Tân, Tế Nam và Tây An, nơi mức lương và tiền thuê nhà thấp hơn các siêu đô thị hàng đầu, để cắt giảm chi phí hoạt động.
Chiến lược này đã thu hút sinh viên mới tốt nghiệp từ các thành phố nhỏ hơn, những người muốn làm việc trong các công ty lớn, mặc dù họ sớm nhận ra cơ hội phát triển nghề nghiệp hạn chế.
Khoảng 20-30% người kiểm duyệt nội dung tại Bilibili nghỉ việc ngay trong 3 tháng đầu tiên, nhiều người trong số họ chọn các vị trí tương đương tại các công ty khác, Zhang nói. Quảng cáo tuyển dụng không yêu cầu trình độ hoặc kỹ năng cao, có nghĩa là nhân viên có rất ít cơ hội để thăng tiến trong công ty.
"Bạn là sinh viên tốt nghiệp đại học với năng lực bình thường đều có thể trở thành người kiểm duyệt nội dung. Vì bất kỳ ai trong lĩnh vực này cũng có thể dễ dàng bị thay thế. Chỉ có khoảng 3% kiểm duyệt viên có thể được thăng chức thành trưởng nhóm".
Sau hơn một năm làm việc tại ByteDance, Chen cho biết cô đã nghỉ việc vào cuối năm 2020 nhưng không thể chuyển sang một hướng đi mới cho sự nghiệp của mình. Công việc kiểm duyệt nội dung không trang bị cho cô bất kỳ kỹ năng mới nào.
"Sơ yếu lý lịch của tôi không khác gì một sinh viên mới ra trường. Khi đi xin việc, tôi bị những người làm ở các lĩnh vực khác xem thường", Chen bộc bạch.
Quá mệt mỏi với công việc, vào năm 2020, Zhang đã chuyển sang làm vị trí tương tự tại một công ty internet nhỏ hơn. Nhưng anh vẫn không hài lòng và dự định sẽ từ chức trong một vài tháng tới để quay lại học tập. Anh muốn dành nhiều thời gian hơn để tập thể dục và đọc sách.
Zhang tâm sự: "Nhân viên kiểm duyệt viên phải đối mặt với những nội dung và quy tắc buồn tẻ mỗi ngày. Những gì tôi đang làm bây giờ không phải là công việc tôi muốn gắn bó".