Góc “khác” của thế giới online đêm
Cộng đồng online đêm thường bị gán với những trò vô bổ như lên mạng rao tình hay truy cập vào những trang web độc, học đòi làm hacker… Nhưng có một bộ phận không nhỏ những cư dân online đêm chuyên nghiệp lại xuất phát từ nhu cầu công việc và… kiếm tiền.
Đưa văn phòng về nhà
Hầu như đêm nào cô bạn Quỳnh Châu, đang làm việc cho Công ty Vietsa cũng online đến 2-3h sáng. Hỏi ra mới biết, công việc chính của cô là gia công phần mềm chạy trên web cho công ty mẹ ở Mỹ nên phải thường xuyên liên lạc và làm việc với những khách hàng cách xa nửa vòng trái đất. Do múi giờ khác nhau nên mỗi khi nhận được cuộc hẹn lúc 8h sáng từ nửa bán cầu bên kia thì ở Việt Nam đã là 22h tối và buổi làm việc nào cũng kéo dài đến gần sáng hôm sau.
Cứ đúng giờ hẹn là máy tính của Châu phải sẵn sàng vào YM để nghe khách hàng mô tả những yêu cầu về sản phẩm hay bắt tay thực hiện thiết kế phần mềm và trực tiếp sửa những lỗi theo đề nghị của khách hàng. "Nhiều lúc mải mê, bị cuốn vào câu chuyện của khách hàng quên mất cả thời gian, khi nhìn lại thì đồng hồ đã chỉ sang con số 5. Nhưng thấy khách hàng không phàn nàn gì nữa thì mình thở phào nhẹ nhõm", cô cho biết.
Do phải online đêm liên tục nên nhiều khi Châu không cần gắn chặt ở văn phòng công ty mà có thể biến căn phòng ở nhà mình thành văn phòng với chiếc máy tính được kết nối ADSL cùng những phương tiện hỗ trợ khác, đặc biệt khi công ty có nhiều dự án vào mùa cao điểm.
"Online ở công ty hay ở nhà cũng như nhau, miễn mình hoàn thành tốt công việc là được rồi! Mà cảm giác online đêm thích lắm - cứ như đang một mình ở trên xa lộ ấy - mạng nhanh ào ào, tha hồ tải tài liệu mà không sợ mạng bị rùa", Châu cười tiết lộ.
Tuy nhiên cũng có lúc gặp phải "sự cố" khiến cô méo mặt như khách hàng hẹn online nhưng đến phút chót lại hủy hay cho "leo cây" chờ đến 2 - 3 tiếng đồng hồ. Đó là chưa kể chuyện người yêu cô ban đầu không vui khi thấy bạn gái cứ online suốt đêm, sợ cô "xao lòng" với một ai khác nên dùng chiến thuật "giám sát" từ xa. Nhưng rồi dần dà chàng cũng thông cảm và trở thành bạn đồng hành thức đêm với cô: "Trước đây anh ấy không thức nổi quá nửa đêm, còn bây giờ đã là một chatter chuyên nghiệp không thua gì mình!", Châu nheo mắt.
Online 2 trong 1
Cũng hay online giữa đêm khuya là anh chàng N.Anh - kỹ sư phần mềm cho chi nhánh của Công ty Tomcom tại Việt Nam. Nhờ kinh nghiệm thức đêm để... chơi game và lùng tài liệu từ thời sinh viên nên chuyện thức đến 6h sáng để làm việc với nhà sản xuất ở Israel hay với nhân viên từ các chi nhánh khác tại châu Á của công ty không mấy "xi-nhê", thậm chí anh chàng vẫn còn tỉnh táo để xách cặp đến công ty ngay sau đó, khi đã uống xong tách cà phê. Nhưng may là những lần thức trắng đêm như thế không nhiều, thông thường những lần online chỉ kéo dài đến gần 3h sáng.
Ngoài giải quyết công việc, anh chàng còn tranh thủ đọc và "săn" trên "kho báu" mạng những tài liệu quý của các nhà xuất bản nổi tiếng như McGraw Hill... để bổ sung thêm kiến thức. Lúc nào chiếc laptop của anh chàng cũng mở sẵn cả chục cửa sổ để dễ dàng tải tài liệu. "Thích nhất là tải được tài liệu trực tiếp từ máy người bạn nào đó cũng đang online như mình; thậm chí còn có thể tự mình học và luyện thi một số chứng chỉ quốc tế trên mạng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đỡ tốn thời gian", N.Anh thổ lộ.
Một điểm thú vị là anh chàng không hề cài bất cứ phần mềm diệt virus nào cho laptop khi online vì "mình không hề vào những trang web đen nên cóc sợ virus - nếu chẳng may bị nhiễm thì cứ sống chung với nó, có sao đâu!".
Và thức đêm làm thương hiệu
Hai ngày nay chỉ ngủ khoảng 4-5 giờ/ngày và online đêm liên tục để "chạy đua" với thời gian, giải quyết những dự án liên quan đến thương hiệu khiến Phương Uyên - nữ chatter còn rất trẻ đang phụ trách mảng tư vấn chiến lược thương hiệu cho một công ty quảng cáo tại TPHCM thèm một giấc ngủ bù vào thứ bảy hay chủ nhật.
Do là dân làm thương hiệu nên việc lên mạng tham khảo - tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn, soạn thảo bản đề nghị cung ứng dịch vụ hay chiến lược truyền thông... cho mỗi dự án là "chuyện thường ở huyện", thậm chí đôi khi phải thức khuya hơn bình thường nếu nhiều dự án có thời gian chuẩn bị quá ngắn.
Tuy nhiên, với Uyên, cảm giác do online khuya mang lại cũng thú vị không kém: "Làm việc ban đêm dễ tập trung hơn vì ít bị quấy rầy. Hơn nữa càng thức đêm hình như đầu óc mình càng tỉnh táo nên làm việc thấy hiệu quả, nhất là công việc liên quan đến sáng tạo. Vả lại có thêm 1 - 2 người bạn thân đồng hành cũng vui! Riết rồi trở thành thói quen, nếu không lên mạng ban đêm cũng thấy thiếu thiếu", Phương Uyên cười bật mí. Vậy là mỗi ngày đều đặn từ 20h tối đến gần 2h sáng hôm sau, cô nàng lại gia nhập cộng đồng online để phục vụ cho công việc mà mình trót yêu thích - làm thương hiệu.
Cách đây không lâu, cộng đồng online đêm cũng biết đến một cách tiếp thị thương hiệu khá dễ thương dù chỉ làm theo kiểu "cò con" của 2 cô sinh viên ĐH Mỹ thuật khi mở shop thời trang trên blog mang tên Jut Fashion. Hầu hết mọi giao dịch, từ giới thiệu sản phẩm đến bán hàng... đều thực hiện thông qua YM, e-mail hay điện thoại. Và cô chủ nhỏ thường xuyên online sau 24h để giao lưu với khách hàng - cũng là những cư dân mạng thích lang thang khuya. Tuy hiện tại, shop tạm ngưng hoạt động do cả hai đang bận rộn với lịch học và thi nhưng nói như lời một thành viên thì "thỉnh thoảng nếu có dịp, Jut cũng online đêm để gặp gỡ bạn bè cho đỡ nhớ!".
Theo Vân Anh
Thanh Niên