Giữ chút duyên thầm xứ Huế…

(Dân trí)- “Khiếp! Con gái Huế chi mà ăn nói dữ dằn. Lại còn văng tục giống bọn con trai…” Lời nhận xét bâng quơ của bà cụ bán chè làm tôi phải giật mình, ngẫm nghĩ…

Nghĩ mãi mới thấy bà cụ nói cũng chẳng sai. Sống ở Huế đã khá lâu, đất Thần Kinh với sông Hương, núi Ngự hiền hòa... Nghe người ta nói nhiều về nét duyên con gái Huế với tà áo dài tím thướt tha, dịu dàng tôi cũng cảm thấy tự hào lây. Nhưng sống lâu, tiếp xúc nhiều, cái niềm tự hào của tôi cũng chẳng tồn tại được mấy chốc, nói vui vui thì nó đang ở giai đoạn “thoi thóp”…

 

“Có ai bán cái dịu dàng…”

 

Không hiểu “duyên số” thế nào mà tôi toàn được mục kích những pha hấp dẫn về chuyện ăn nói của các nàng xứ Huế. Từ cô bé bán rau, cô nhân viên bán hàng đến cả những nhân viên thư viện mẫu mực đều làm tôi sững sờ về cái khoản “nói”.

 

Nhớ có lần mới chân ướt chân ráo vào Huế, tôi đã bị một cô bé chừng 15 tuổi quát vì cái tội mua hàng ở chỗ bên cạnh mà lại vô ý để cái bánh xe lấn sang quầy của cô. Mặc dù, cái bánh xe cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện bán hàng. Thôi thì chỉ biết xin lỗi và nhanh chóng rời khỏi chỗ đó nếu không muốn bị nghe chửi tiếp.

 

Đường tôi ở là đường một chiều, chỉ được phép đi lên. Song song là đường Phan Bội Châu, đường này thì chỉ được phép đi xuống. Nói nôm na, do mỗi lần chắn tàu lại gây tắc đường nên Sở Giao thông Thừa Thiên - Huế mới “cải tạo” hai con đường này thành đường một chiều để giảm bớt lượng xe cộ. Chuyện đường sá cũng gây ra lắm chuyện dở khóc dở cười.

 

Để tránh đi ngược chiều, lúc nào tôi cũng phải đi tắt qua ngõ 63 của đường Điện Biên Phủ. Hôm ấy, tôi cùng đứa bạn đi dạo phố. Lộ trình cũng phải bắt buộc như mọi ngày... Đang bóp còi chuẩn bị rẽ xuống Phan Bội Châu thì đâm ngay vào một xe khác đi ngược chiều. Xe của tôi đổ kềnh ra đường, vừa bất ngờ vừa bị đau, chưa kịp nhìn xem “thủ phạm” là ai thì nghe một giọng Huế đặc sệt: “Bọn bây đi chi lạ rứa. Ưng chết à?”. Sáu cô nàng xinh xắn, ăn mặc model cùng cất giọng, trong khi đây là đường chỉ được phép đi xuống.

 

Chưa hết, các nàng còn vô tư giở giọng thách thức kiểu đường chợ: “Hai đứa có làm chi được sáu đứa không?”. Để tránh rắc rối, tôi kéo vội cô bạn lên xe… Đi được một quãng vẫn nghe tiếng chửi với theo: “Đồ mất dạy!”.

 

Lần khác, đang ngồi đợi làm bìa cho bài nghiên cứu khoa học tại quầy photocopy B.Đ ở đường Ngô Quyền, tôi lại được “rửa tai” bằng những ngôn ngữ thật không mấy dễ chịu của mấy chị làm ở đây. Giọng Huế ngọt lịm, người nói cũng xinh xắn nhưng vẫn “mắng” khách là… “đồ chó má” (tất nhiên là chỉ dám “mắng” sau khi “nạn nhân” đã bỏ đi). Nghe chối tai, tôi góp ý thì bị độp ngay một câu: “Sáng nay ăn nhầm phải môn ngứa à?”

Huế tháng 5 vừa nắng vừa nóng, nghe phải những lời nói ấy càng dễ khiến người ta bực mình và… thất vọng.

 

“Giữ chút gì rất Huế đi em…”

 

Xưa, con gái Huế nổi tiếng vì sự dịu dàng, nữ tính. Cái duyên ấy mặn mà là thế, làm rung động lòng người là thế…

 

…Nay, con gái Huế vẫn dịu dàng, vẫn nữ tính, vẫn “dạ”, “thưa” ngọt lịm, vẫn làm rung động hồn người bằng nét duyên thầm, mái tóc thề, tà áo tím... Nhưng có lẽ, cái “duyên” ấy còn sót lại không nhiều lắm.

 

Từ chuyện ăn mặc cho đến nói năng, các nàng bây giờ cứ muốn tạo cho mình một “phong cách” mới, sành điệu và phải khác người. Cách diễn đạt, điệu bộ, cử chỉ cũng phải thật “cá tính”. Những từ ngữ quen thuộc thường được dùng như: “vô hậu”, “dễ sợ”, “điên”… Nhiều lúc, chuyện văng tục và sử dụng những từ đệm khó nghe là… hoàn toàn bình thường.

 

Cậu bạn tôi ở Hà Nội, đã không giấu nổi vẻ thất vọng sau một chuyến “ngao du” vào Huế. Có thể bạn tôi hơi lãng mạn khi hình dung con gái Huế lúc nào cũng “đóng khung” trong tà áo dài tím, nón bài thơ, thướt tha ngắm sen bên Thành Nội, nhưng lại đủ tỉnh táo để nhận ra nét duyên thầm từ bao đời nay đang mất dần đi.

 

Riêng về phần mình, tôi sợ. Một nỗi sợ rất thực, sợ những câu “dạ”, “thưa” ngọt lịm, sợ cái dịu dàng muôn thuở của người con gái đất Cố Đô sẽ dần trở thành quá vãng…

 

Chiều nay, Huế lại mưa lất phất. “Hạt mưa tình” của người dân xứ Huế gợi biết bao nỗi niềm. Chợt nhớ đến cồn cào mấy câu thơ của Huỳnh Văn Dung:

 

Giữ chút gì rất Huế đi em,

 

     Nét duyên là trời đất giao hòa.

 

Dẫu xa một thời anh gặp lại,

 

 Vẫn được nhìn em say lá hoa…

 

…Như một lời nguyện cầu thánh thiện đến nao lòng!

 

Hồng Phúc