Giọt nước mắt của cô công nhân

Nhắc đến chuyện học là Võ Minh Tâm lại khóc, những giọt nước mắt cứ thế tuôn trào. Tốt nghiệp THPT loại giỏi, trúng tuyển ngành Anh văn của ĐH Mở TPHCM. Thế nhưng, con đường đến trường với Tâm giờ đây đã xa vời vợi...

Một cán bộ của Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM) khi dẫn chúng tôi vào nhà Tâm đã chỉ tay ngay vào tủ kính cũ rích và nói “bộ sưu tập huy chương của Tâm đó!”. Nhìn lên tường là những tấm ván ép treo đầy bằng khen của UBND huyện Nhà Bè khen tặng Tâm: tốt nghiệp THPT loại giỏi với điểm trung bình sáu môn thi tốt nghiệp là 9, bằng khen chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh, huy chương vàng môn taekwondo Hội khỏe Phù Đổng TPHCM, giải thưởng Trần Văn Ơn do Thành đoàn trao tặng (Tâm là ủy viên ban chấp hành Đoàn trường)....

 

Nhìn những huy chương vàng, bạc, đồng, tôi chợt nhớ đến lời nói của Tâm: “Em là lớp phó học tập, lại giỏi võ nên không thể... khóc trước mặt bạn bè!”. Ra đường, bạn bè hỏi tại sao không đi học, Tâm trả lời gọn ơ: “Không có tiền không đi học!”, nói xong là vội đi ngay vì sợ bạn thấy mình khóc. Bạn bè gọi điện đến nhà người quen nhờ cho gặp, Tâm cũng không dám gặp. Vả lại đi làm cả ngày mệt mỏi nên đêm về Tâm chỉ muốn cố quên chuyện học đi.

 

Ngày Tâm nhận giấy báo trúng tuyển, gia đình đi vay tiền ở ngân hàng. Ngân hàng không cho vay vì còn nợ. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng không biết mượn ai, cánh cửa vào ĐH coi như đã khép và Tâm nộp đơn xin đi làm công nhân phân xưởng chế biến thực phẩm Công ty TNHH thực phẩm xuất khẩu Hai Thanh (Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè), với ước mong duy nhất: đi làm kiếm tiền năm sau đi học lại.

 

Chuyện của Tâm làm em gái út tên Trang cũng muốn... nghỉ học, mặc dù đang học lớp 12. Út Trang nghỉ học được một ngày thì cô giáo chủ nhiệm ghé lại nhà, sau đó vận động để xã tặng học bổng trị giá 700.000 đồng để Trang đi học tiếp. Cầm tiền về nhà như gió vào nhà trống, đắp chỗ này bù chỗ kia, rốt cuộc Trang vẫn... nợ tiền trường.

 

Mẹ Tâm đã nghỉ bán bánh xèo ở chợ Bà Chồi, bây giờ ở nhà làm “thợ đụng”, đụng đâu làm đó, lúc thì phụ bán cơm, lúc thì rửa chén. Thu nhập cả nhà như dồn lên vai người cha làm phụ hồ ở khu B, Khu công nghiệp Hiệp Phước với số tiền công cho một ngày lao động là 40.000 đồng.

 

Tâm đi làm về là trốn vô phòng vì sợ mình khóc càng làm ba má buồn thêm. Lặng lẽ trong phòng, Tâm càng lo cho con đường học của mình: “Học giỏi có tiếng ở trường, vậy mà cuối cùng lại không được đi học”. Thế nhưng Tâm cũng không kìm nén được khi nghe út Trang nói: “Thấy ba khóc!”. “Có bao giờ ba khóc đâu, vậy mà... Anh em trong nhà ai cũng sợ ba mặc dù ba chưa bao giờ đánh ai cả, ba lúc nào cũng nghiêm khắc vậy mà cuối cùng ba lại khóc”, Tâm kể trong nước mắt. 

 

Khi gặp tôi, Tâm đi làm đã được 12 ngày và thời gian để nhập học đã qua hơn nửa tháng, nhưng ước mơ đến trường chắc chắn vẫn đang nhói lòng.

 

Theo Nguyễn Phan
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm