Giới trẻ Việt đi lễ hội Thái: Mắt đỏ suýt nhập viện, ướt sũng suốt 3 ngày
(Dân trí) - Đi theo dòng người quá đông, một số người còn bị lạc mất nhóm bạn, không thể dùng điện thoại do tay và quần áo ướt sũng.
Cùng nhóm bạn tham gia Songkran (lễ hội té nước) diễn ra mới đây, Hoa Lê (sinh năm 2000, TPHCM) đã có kỷ niệm đáng nhớ khi bị lạc. Cô hoảng sợ khi đám đông di chuyển liên tục, bắn nước hò reo nên không thể tìm thấy bạn.
Đi theo đám đông 10-15 phút, Hoa Lê cố gắng tìm chỗ trống để dùng điện thoại. Tuy nhiên, tay và quần áo đều ướt nên cô không dùng được máy.
Khi thấy người mặc áo hơi khô, cô gái sinh năm 2000 mới có thể nhờ lau tay và màn hình điện thoại rồi gọi cho nhóm. Sau 5 lần gọi, hai bên mới kết nối được với nhau.
Câu chuyện bị lạc của Hoa Lê chỉ là một trong những trải nghiệm đáng nhớ mà các bạn trẻ Việt khi tham gia lễ hội Songkran chia sẻ với PV Dân trí.
Rã chân nhưng cảm giác rất đã
Võ Duy Khang (TPHCM) - quản trị group Du lịch Thái Lan tự túc - cũng tham gia lễ hội năm nay. Anh đã nhiều lần đến xứ chùa vàng vào dịp Songkran.
Như mọi khi, Khang cùng nhóm của mình cũng gặp một số tình huống "dở khóc dở cười". Mỗi ngày, nhóm của Khang di chuyển khoảng 30.000-40.000 bước nên chân đau. Dù vậy, họ vẫn thấy rất vui, hẹn năm sau đi tiếp.
Anh cho biết: "Ngón tay bắn súng rất nhức. Súng nặng quá cũng khiến mấy bạn tê cả tay, đến nỗi phải mua thuốc dán. Có bạn tai ù cả ngày.
Sau khi về khách sạn để thay đồ rồi đi ăn, cả nhóm vẫn bị bắn nước bởi mọi người không phân biệt bạn có đi bắn nước hay không, đi đâu làm gì. Cứ ra đường, bạn sẽ auto (tự động) bị bắn ướt nhẹp suốt 3 ngày. Thỉnh thoảng, tôi còn bị bôi bột vào mặt trông trắng bệch".
Tình huống không ổn nhất là bị các súng áp suất cao bắn vào mắt. Mắt sưng đỏ và chảy nước cả ngày khiến Khang suýt phải đi bệnh viện khám. Anh thấy may mắn khi các triệu chứng "biến mất" vào hôm sau.
Theo cảm nhận của Khang, 70% người tham gia là nam giới nên nữ thường bị bắn nước nhiều hơn. Nhiều nhóm tham gia bị móc túi, rớt điện thoại. Thậm chí, anh cũng nghe việc một số người bị "đụng chạm".
Đánh son liên tục
Đây là hành động Thái Thu Thủy (đến từ Hà Nội) luôn để ý mỗi khi xuống phố tham gia lễ hội.
"Nhóm toàn phụ nữ nên chúng tôi đánh son liên tục. Tôi sợ nhất là trôi mất son, nhìn mặt không được xinh nữa. Điểm thích nhất là sau khi bắn nước xong, tôi phát hiện đội khác cũng là người Việt và nhập hội", Thủy kể lại trải nghiệm của mình.
Nhóm của Thủy chuẩn bị trang phục rực rỡ để trông nổi bật. Buổi tối, cô mặc trang phục gợi cảm đến quán bar chơi té nước.
Tuy nhiên, chỉ cần ra đường khoảng 10 phút, Thủy đã bị ướt. Có khi đang đứng, cô cũng bị dội gáo nước lạnh vào người với ý nghĩa ban phước.
Lúc di chuyển bằng xe tuk tuk để đến điểm ăn tối, nhóm của cô bị vài người ở một nhà hàng mang xô nước ra dội vào người. Cô phải "giơ tay xin hàng".
Thủy đã nhờ một người bạn mua súng nước ở siêu thị. Nhưng khi tham gia lễ hội, cô mới biết súng của mọi người có lực bắn rất mạnh. Vì ở khu trung tâm thương mại Central World không bán, Thủy đã đi taxi khắp nơi để tìm mua loại tốt hơn.
Kinh nghiệm trang bị của người "từng trải"
Vì đã tham gia nhiều lần, Duy Khang chọn mua súng nước xa điểm bắn và không quên trả giá. Súng to hơi đắt nhưng mang lại cảm giác đã tay khi bắn.
Tuy nhiên, điểm trừ của loại này là bơm nước lâu, và cầm đi cả ngày sẽ gây mỏi tay. Loại có áp suất 7.500 và 9.000 thường bắn thích nhất. Sau lễ hội, bạn có thể mang về Việt Nam, tái sử dụng cho đợt sau.
Súng loại nhỏ 100 baht (70.000 đồng), to nhất khoảng 1.000 baht (700.000 đồng). Khang cho biết, súng rất dễ hỏng. Một người bạn của anh mua 3 chiếc chỉ để dùng trong một ngày. Bên cạnh đó, túi chống nước điện thoại hay kính chắn nước cũng rất quan trọng.
Hòa trong không khí lễ hội té nước sau đại dịch, Khang rất hào hứng. Tuy nhiên, anh nhận thấy nhiều điểm khác biệt so với những năm trước đó.
Khang cho biết, du khách đi bắn nước không nhiều như trước dịch. Các thương hiệu nổi tiếng ở Thái cũng không tổ chức sự kiện hay gian hàng nhiều ở các điểm bắn nước. Năm nay, Khang không thấy ai chơi trò trộn nước màu, mắm hay nước có mùi khó chịu.
Vì đã quen với việc tư vấn khách đi tự túc, anh cũng canh mua được khách sạn giá rẻ, chỉ 700.000-800.000 đồng/đêm cho khách sạn 4 sao. Gần tới lễ hội, những nơi cư trú này có giá lên tới 3 triệu đồng/đêm. Với vé máy bay, anh phải canh hãng vừa mở bán tháng 4 là mua ngay.