Giới trẻ tự tạo cơ hội bằng dự án Gây quỹ cộng đồng

(Dân trí) - Không cần phải “năn nỉ” khắp nơi xin tài trợ, nhiều nhóm bạn trẻ với ý tưởng hay, táo bạo đã biến ước mơ thành hiện thực bằng hình thức “gây quỹ cộng đồng” (Crowd – funding).

Bùng nổ các dự án “Gây quỹ cộng đồng”

 

Hiện nay giới trẻ đang truyền tai nhau một hình thức khởi nghiệp không cần vốn mà vận động mọi người góp quỹ trên mạng với hình thức “crowd – funding”. Hình thức này giống như một kiểu gây vốn cho những dự án của các sinh viên, công ty mới thành lập chưa có tiền. Sức mạnh từ công chúng sẽ giúp những bạn trẻ hoàn thành ước mơ.

 

Dự án thành công và điển hình tại Việt Nam mang tên “Hào kiệt dùng hàng Việt” của một nhóm tên Nhộng với ý tưởng sẽ “tái hiện lại hình ảnh vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Rùa Vàng, Thánh Gióng hiên ngang cưỡi ngựa sắt, Mai An Tiêm bên quả dưa hấu quý báu … qua chiếc áo thun.

 

Bên cạnh đó, một số dự án khác cũng đạt được hiệu quả như “Xuất bản tập truyện tranh Next” với mong muốn tạo ra một sản phẩm truyện tranh của người Việt, nhằm khích lệ và động viên ước mơ theo đuổi truyện tranh của giới trẻ.
 
Dự án Hào kiệt dùng hàng Việt dùng hình thức gây quỹ để biến kế hoạch thành hiện thực.
Dự án "Hào kiệt dùng hàng Việt" dùng hình thức gây quỹ để biến kế hoạch thành hiện thực.

 

Hay nhóm nhảy đình đám St319 cũng thành công với ý tưởng "Video nhạc kịch Never Give Up 2". Đạo diễn Nguyễn Phi Anh cùng các thành viên khác cũng thực hiện gây quỹ cho Dự án nghệ thuật kép với 2 phần: “Góc phố danh vọng” và “Đêm hè sau cuối” cũng được gây quỹ cộng đồng, …

 

Hiện nay, một số bạn trẻ có tấm lòng thiện nguyện cũng sử dụng Crowd – funding như một hình thức vận động vốn có hiệu quả từ cộng đồng. Đó là dự án Tình nguyện Triệu trái tim của SVTN Đồng hương Nghệ An – Hà Tĩnh.

 

Xuất phát từ ý tưởng bán 1 triệu pixel không gian quảng cáo trên website với giá 1USD/pixel, nhóm này muốn tạo ra 1 triệu pixel quảng cáo kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng đến với những hoàn cảnh khó khăn.
 
Nhóm St.319 cũng thực hiện video nhạc kịch với nguồn vốn huy động từ cộng đồng.
Nhóm St.319 cũng thực hiện video nhạc kịch với nguồn vốn huy động từ cộng đồng.

 

Biến ý tưởng, ước mơ thành hiện thực

 

Để có được một dự án thành công bằng việc gây quỹ cộng đồng, đầu tiên, các bạn trẻ phải có một ý tưởng thật hay, thú vị. Việt Khương (trưởng nhóm Nhộng) cho biết: “Điều quan trọng nhất đối với một dự án Crowd – funding chính là ý tưởng. Ý tưởng hay và có ích cho cộng đồng là chúng ta đã thành công một nửa rồi”.

 

Khương chia sẻ, để có thể hiện thực hóa dự án, bạn cùng các thành viên trong nhóm bắt đầu với việc giải thích cho mọi người biết về ý tưởng. Sau đó, nhóm Khương thực hiện công đoạn thiết kế ra sản phẩm cuối cùng. Nhộng chia sẻ với mọi người những mẫu phác thảo, bản vẽ hỏng, quy trình làm việc, … để họ hiểu hơn về câu chuyện các bạn ấy đang cố gắng kể.

 

Sau khi thiết kế xong, Nhộng tiếp tục phát triển sáng tác ra những mẩu truyện tranh ngắn về Mai An Tiêm, Hai Bà Trưng và Thánh Gióng theo cách riêng để người xem có cái nhìn cụ thể hơn về việc tinh thần “Hào kiệt xưa” áp dụng vào cuộc sống ngày nay thế nào. Nhóm Khương đã làm việc cật lực suốt 3 tháng trời để hoàn thành dự án này.
 
Việt Khương với chiếc áo phông, sản phẩm từ dự án.
Việt Khương với chiếc áo phông, sản phẩm từ dự án.

 

Duy Đức “Aiden Nguyễn” (trưởng nhóm St319) chia sẻ: “Chúng mình ấp ủ một dự án thực hiện clip nhạc kịch đầu tiên ở Việt Nam, với nội dung nhằm truyền tải tinh thần đó. Dự án phải có mức vốn, mục tiêu và thời hạn thu hút vốn cụ thể, từ 1 đến 60 ngày”.

 

Đức cho biết sự hỗ trợ từ cộng đồng - những Mạnh Thường Quân hào phóng đã giúp dự án trang trải chi phí video clip để tác phẩm ấy. Clip khi hoàn tất, chính các nhà đầu tư ấy sẽ lại được thưởng thức và sống trong không gian âm nhạc sôi động.

 

Các chi phí xây dựng video clip bao gồm: thuê địa điểm, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhân sự và đạo cụ diễn xuất, tổ chức sự kiện ra mắt video clip, truyền thông.

 

Trong quá trình “gây quỹ”, các bạn trẻ đã gặp không ít khó khăn, đến từ khối lượng công việc và niềm tin của công chúng. Khương cho biết để gọi vốn thành công cần phải tạo dựng được niềm tin từ cộng đồng đối với ý tưởng và người thực hiện. Đặc biệt khi Việt Nam, còn chưa nhiều người biết đến hình thức này nên có sự hoài nghi về mức độ tin tưởng của nó.
 
Nhóm nhảy St.319 cũng trình làng sản phẩm từ dự án.

Nhóm nhảy St.319 cũng trình làng sản phẩm từ dự án.

 

Sau khi gây quỹ, các bạn trẻ sẽ tiếp tục hoàn thành ý tưởng. Khương cho biết: “Chúng mình đang tiến hành giai đoạn 2 của dự án, gọi là “hậu Crowdfunding”. Nhộng thuyết phục những thương hiệu mạnh khác của Việt Nam cùng đồng hành để mang tinh thần Hào kiệt đến nhiều người hơn nữa”.

 

Còn nhóm St319 cũng đã đăng tải video clip lên các mạng xã hội để cho công chúng được thưởng thức và công nhận. Đức bày tỏ: “Đây là một hình thức rất hay để phát triển cho những ý tưởng và đam mê của những doanh nhân, nghệ sĩ, hay bạn trẻ có nhiệt huyết và tham vọng  biến  những dự án thú vị trở thành hiện thực với sự giúp đỡ của hàng triệu người. Sau này, nhóm sẽ tiếp tục thực hiện những dự án crowd – funding ý nghĩa khác nữa”.

 

Hiện nay, nhiều bạn trẻ có số lượng đông đảo bạn bè trên facebook cũng đã sử dụng hình thức này để vận động quỹ cho ý tưởng của mình. Chỉ cần lên tiếng kêu gọi với bộ hồ sơ thú vị, thu hút, các bạn ấy đã có thể hô biến “điều không thể” thành “có thể”.

 

Crowdfunding là một hình thức kêu gọi hay là vận động vốn từ cộng đồng rất phổ biến ở các nước phát triển. Hình thức góp vốn từ cộng đồng cho một điều gì đó có ý nghĩa bắt đầu từ năm 1997 tại Mỹ khi một ban nhạc rock cần tiền để lưu diễn, các fan của họ đã quyết định đóng góp theo kiểu này. Và họ đã lên đường lưu diễn với 60.000 USD được quyên góp.

 

Mô hình này giúp những ý tưởng hay và có ích cho xã hội, cộng đồng có cơ hội trở thành những sản phẩm, tác phẩm thực sự. Những nền tảng crowdfunfing nổi tiếng như Kickstarter, Indiegogo luôn là nơi những ý tưởng như vậy được hiện thực hóa.

 

Hoàng Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm