Giới trẻ Trung Quốc và những đám cưới "3 không" bất thường
(Dân trí) - Không lễ đón dâu, không phù dâu hay phù rể, không xe hoa sang trọng, nhiều người trẻ xứ tỷ dân đang ủng hộ những đám cưới tối giản để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.
Sau những cuộc tranh luận không hồi kết với cha mẹ đôi bên, Feng Linrui (28 tuổi) - nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc - đã tổ chức đám cưới "3 không", bao gồm không có lễ đón dâu, không phù dâu/phù rể, không xe cưới sang trọng, tại quê hương An Sơn (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5).
Vợ chồng Feng không thích những phong tục cưới hỏi truyền thống rườm rà. Do đó, cặp đôi cố trì hoãn lễ cưới sau khi đăng ký kết hôn vào năm ngoái.
Tuy nhiên, trước áp lực ngày càng tăng từ phía gia đình, hai người đã thỏa hiệp. Họ đồng ý giữ lại một số nghi lễ truyền thống, đồng thời tổ chức tiệc hỷ đơn giản nhất có thể.
Giống như vợ chồng Feng, ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc ưa chuộng đám cưới đơn giản. Họ không tốn tiền thuê xe cưới sang trọng và từ bỏ các trò "chơi khăm" đôi uyên ương mới cưới.
Một số còn tự dẫn chương trình trong ngày vui của mình, trong khi những người khác chọn không mặc váy cưới, không thuê thợ trang điểm, không mời thợ chụp ảnh…
Những đám cưới "nhiều không"
Các cặp vợ chồng trẻ ở xứ tỷ dân đang cắt giảm mạnh những nghi lễ đám cưới truyền thống, theo Lianhe Zaobao. Họ tổ chức đám cưới cực kỳ tối giản với 3, 4, thậm chí là 5 chữ "không".
Đó có thể là không lễ đón dâu, không đội xe cưới, không phù dâu/phù rể, không người dẫn chương trình, thậm chí là không khách mời. Tùy thuộc từng đôi, họ sẽ quyết định "không" là gì.
Sau khi trao đổi với bố mẹ và người tổ chức đám cưới, vợ chồng Feng đã cắt bỏ được nhiều khá nhiều nghi lễ mà họ cho là thể hiện tư duy lỗi thời: Đập cổng, tìm và đi giày cho cô dâu, bắt cô dâu ngồi trên giường chờ chú rể đến đón…
Feng cũng lược bỏ màn cô dâu - chú rể thổ lộ tình cảm với nhau trước mặt quan khách.
"Đây là điều rất riêng tư, tại sao chúng tôi phải nói cho cả thế giới biết?", cô chia sẻ.
Một điều thú vị khác trong đám cưới của Feng là không có đoạn người cha nắm tay con gái trao cho con rể. Theo cô, nếu người thân trong gia đình phải làm việc này, đó nên là mẹ vì mẹ hy sinh cho gia đình nhiều hơn.
Bên cạnh sự thoải mái, giới trẻ chỉ muốn tổ chức đám cưới đơn giản hơn để cắt giảm chi phí. Như vợ chồng Feng, nhằm tiết kiệm tiền thuê ô tô, hai người loại bỏ những nghi lễ không cần thiết và tổ chức sự kiện trong khách sạn. Mặc dù vậy, đám cưới của họ vẫn tiêu tốn 60.000 nhân dân tệ (hơn 211 triệu đồng).
Tuy số tiền này thấp hơn mức trung bình chi cho đám cưới ở Trung Quốc hiện nay, đó vẫn là một khoản đáng kể đối với những cặp vợ chồng trẻ mới đi làm và không có nhiều tiền tiết kiệm, đặc biệt nếu họ phải gánh mọi chi phí.
Theo một báo cáo năm 2023 về đám cưới lý tưởng của giới trẻ do Youth36kr - tài khoản tập trung vào giới trẻ Trung Quốc trên ứng dụng WeChat - công bố, giới trẻ Trung Quốc đã chi trung bình 147.500 nhân dân tệ (gần 520 triệu đồng) cho đám cưới của mình.
Hầu hết người trẻ đều cho rằng, đám cưới tốn khoảng 30.000-50.000 nhân dân tệ (105-177 triệu đồng) là có thể chấp nhận được.
Nhà nước ủng hộ
Do chi phí đám cưới quá cao, thời gian lập kế hoạch kéo dài và một số tập quán lỗi thời như "hét giá" cô dâu ở Trung Quốc, nhiều thanh niên có thể sợ kết hôn và trì hoãn việc xây dựng gia đình, khiến tỷ lệ sinh giảm càng trầm trọng.
Dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023, với tỷ lệ sinh đạt mức thấp kỷ lục.
Để giảm chi phí tổ chức hôn lễ và đẩy lùi tỷ lệ sinh đang giảm, các quan chức Trung Quốc tận dụng xu hướng đám cưới đơn giản và tăng cường nỗ lực thúc đẩy lợi ích cũng như sự cần thiết của nó.
Mới đây, một cặp đôi đến từ thành phố Gia Hưng (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) được truyền thông ca ngợi vì tổ chức đám cưới chỉ tốn 5.000 nhân dân tệ (hơn 17 triệu đồng). Tin tức này cũng nhận được nhiều sự ủng hộ trên mạng xã hội.
Giới trẻ Trung Quốc thực dụng ngày càng chán việc tổ chức những đám cưới xa hoa, tiêu tốn nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc chỉ để tránh "mất mặt". Ngoài việc loại bỏ các phong tục cưới xin khác nhau, một số thanh niên chỉ đăng ký kết hôn và cắt bỏ hoàn toàn lễ cưới.
Yang Ziyu (29 tuổi) - làm việc tại một công ty công nghệ - đăng ký kết hôn vào năm 2023. Cô không có ý định tổ chức lễ cưới. Họ chỉ thuê một nhiếp ảnh gia để ghi lại khoảnh khắc nhận giấy đăng ký kết hôn tại Cục Nội vụ.
"Chúng tôi không phải người nổi tiếng, không cần tạo dựng mối quan hệ thông qua các sự kiện như đám cưới. Công việc đã đủ mệt rồi, chúng tôi không muốn đánh mất thời gian nghỉ ngơi", cô nói.
Một nghiên cứu do trung tâm khảo sát xã hội của China Youth Daily thực hiện cho thấy, gần 80% thanh niên Trung Quốc được hỏi ủng hộ việc tổ chức đám cưới theo phong cách tối giản. Trong khi đó, hơn 60% cho rằng, sự phổ biến của những hôn lễ như vậy phản ánh việc thế hệ trẻ theo đuổi cá tính và tự do.
Nhà xã hội học Trung Quốc Ai Jun cho biết, đám cưới tối giản không chỉ phù hợp với nhịp sống của giới trẻ ngày nay mà còn phù hợp với nhu cầu đơn giản và rõ ràng của họ. Ông cho rằng, tổ chức đám cưới đơn giản không phải là quay lưng với hôn lễ truyền thống mà là trở lại với chúng.
Chuyên gia Ai Jun nói thêm, các đám cưới truyền thống của Trung Quốc không hoàn toàn giống nhau và hầu hết gia đình đều tổ chức đám cưới tùy theo khả năng của họ. Những hôn lễ gọi là lãng phí, xa hoa thực chất chỉ là đám cưới của người giàu có và quyền lực.