Giới trẻ thoáng về sex hay người lớn khắt khe?

Xưa, người ta kết hôn ngay khi dậy thì. Nay, giới trẻ dậy thì sớm nhưng lại kết hôn muộn nên có chừng 10 năm “để trống” về tình dục. Vậy có nên quá giận dữ khi giới trẻ sống “thoáng” hơn?

“Giới trẻ ngày nay quá buông thả hay người lớn quá khắt khe” là vấn đề được nêu ra tại hội thảo khoa học do Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức ngày 26/12. Theo tiến sĩ Đinh Văn Liên, Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa của viện, những việc mà cách đây 10  năm còn là điều cấm kỵ thì bây giờ với thanh thiếu niên, đó là điều bình thường, như sống chung trước hôn nhân, dắt nhau đi nhà nghỉ…

 

“Vẽ đường cho hươu” không chỉ là phát bao cao su

 

Theo ông Liên, sống theo quan niệm “tình cho không biếu không” nhưng giới trẻ hầu như chưa hề chuẩn bị để sẵn sàng đón nhận những hậu quả không mong muốn, dù khả năng xảy ra những điều “không muốn” đó là rất lớn. Sinh viên ở quê lên thành phố học và công nhân các tỉnh về là hai nhóm sống chung trước hôn nhân nhiều nhất trong giới trẻ. Ngoài lý do xa nhà, thiếu thốn tình cảm riêng, tiết kiệm kinh tế, thì lý do quan trọng nhất là không có sự kiểm soát của gia đình, người thân.

 

“Chúng ta hay kêu gọi phải vẽ đường cho hươu chạy đúng, sau bao nhiêu năm vẽ đường, số lượng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có giảm, nhưng hiện tượng quan hệ tình dục trước hôn nhân lại tăng lên. Vậy chúng ta đã vẽ đúng hay chưa? Chúng ta đã vẽ như thế nào ngoài việc tuyên truyền tình dục an toàn và phát bao cao su như hiện nay?”, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nói. 

 

Đồng tình với ý kiến trên, bà Lê Thị Thanh Nhã, Phó ban Văn hóa - Gia đình, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, cho rằng kiến thức, kỹ năng là cách để giới trẻ tự bảo vệ: “Điều quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để giới trẻ tự đặt câu hỏi về lối sống của mình”.

 

Không thể chỉ phán xét

 

Quan niệm tình dục thoáng, sống chung trước hôn nhân tăng cao là thực trạng nhìn thấy được, nhưng cần nhìn nhận ra sao về chuyện này?

 

Nguyễn Đình Toàn, 26 tuổi, công tác tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, đại diện cho giới trẻ lý giải: “Tôi cho rằng thế hệ đi trước áp đặt cho chúng tôi quá nhiều. Cuộc sống hôm nay không giống như mấy chục năm trước. Chúng tôi không phải trải qua những cuộc chiến khốc liệt, những giai đoạn đói nghèo của đất nước, nhưng chúng tôi cũng chịu áp lực của hội nhập và hiện đại hóa. Và tôi không đồng tình nếu bảo rằng quan hệ với gái mại dâm là thiếu văn hóa”.

 

Theo bà Lê Thị Thanh Nhã, cần có một cái nhìn toàn diện hơn về tâm sinh lý và khoa học về nhận thức tình dục của giới trẻ, không thể chỉ dựa vào văn hóa Á Đông để phán xét: “Ngày xưa 17-18 tuổi mới dậy thì, còn bây giờ là 13-14. Độ tuổi kết hôn của ngày xưa là 17-18, còn bây giờ lại là 24-25. Nghĩa là thế hệ trước, người ta sống đời sống gia đình cùng lúc với giai đoạn có nhu cầu về tình dục. Còn bây giờ giới trẻ có đến hơn 10 năm để trống, trong khi nhu cầu là có thực”.

 

Chưa phải là bức tranh màu xám

 

Một nghiên cứu vừa công bố của một nhóm tác giả thuộc Viện phát triển bền vững Nam bộ cho thấy, 80% thanh niên sống chung trước hôn nhân là vì tình yêu. Điều đó có nghĩa không hẳn giới trẻ coi quan hệ tình dục chỉ là nhu cầu bản năng. “Cái chúng ta cần làm bây giờ không phải là bảo nên như thế này hay không nên như thế này, mà phải giáo dục để các em có trách nhiệm với bản thân”, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Viện phó viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nói.

 

Ở một khía cạnh nào đó, chuyện ngăn cấm của thế hệ trước và sự thoải mái của thế hệ sau chỉ là khác biệt thế hệ. Giới trẻ có khó khăn trước nhu cầu của chính mình, trước sự tiếp biến văn hóa, nhưng đó chưa phải là bức tranh màu xám. Điều quan trọng trước mắt, theo các chuyên gia, vẫn là tạo cho các em một nền tảng vững chắc về nhận thức để có trách nhiệm trước sự lựa chọn của chính mình, cũng như đủ bản lĩnh để đương đầu với những khó khăn. Điều đó không chỉ bắt đầu từ giới trẻ, mà còn phải bắt đầu từ gia đình, nhà trường và cả xã hội.

 

Theo Võ Hà

Đất Việt