Giới trẻ sống ảo và những hậu họa khó lường

Một em học sinh chia sẻ ý định tự tử trên Facebook được cổ vũ bởi những nút like của bạn bèchứ không có can thiệp nào và hậu quả xấu đã xảy ra.

Anh Nguyễn Khánh Vinh (sinh viên (SV) khoa Sử, Trường ĐH KHXH&NV) bày tỏ anh có nhiều bạn bè rất thích sống ảo. Anh nói: “Có nhiều bạn luôn cố gắng thể hiện một cuộc sống lộng lẫy khác xa đời thực trên Facebook. Người không quen thì trầm trồ nhưng người quen thì thấy ảo quá, tôi không tin tưởng họ”.

Với suy nghĩ đó, anh Vinh và rất đông các bạn học sinh (HS), SV đã đến tham dự tọa đàm “Hiện tượng sống ảo trong giới trẻ” do Nhà văn hóa Phụ nữ tổ chức chiều 20/12 để trao đổi với chuyên gia tâm lý.

Like để… dằn mặt

ThS tâm lý Đào Lê Hòa An (Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt) hỏi các HS-SV: “Khi nào thì bạn bấm nút like?”. Một SV cho biết: “Em biết có một bạn nói xấu em, em vô like để dằn mặt và ngầm báo cho bạn đó rằng em đã biết rồi nha”. Nguyễn Hoài Phong, SV năm nhất Trường ĐH KHXH&NV, thì bày tỏ: “Em thích ai thì em sẽ like sập tường nhà người ta để họ phải kết bạn lại với em”.

Bên cạnh đó, có nhiều bạn trẻ đã chọn nút like chỉ vì muốn ép người khác thực hiện những điều gây sốc dù nó rất tiêu cực. Trong những vụ việc như một bạn trẻ tuyên bố đủ like sẽ tự tử, một HS khác tuyên bố đủ like sẽ đốt trường thì có rất nhiều bạn trẻ bấm like và tag bạn bè mình like. Sau đó, họ tạo áp lực bắt buộc người câu like phải “nói là làm”.

Một số bạn trẻ chia sẻ rằng những clip gây bức xúc rất dễ được chia sẻ chóng mặt để cộng đồng mạng ném đá. ThS Hòa An nói: “Nhiều người hay lên mạng để chửi người khác, bởi vì khi chửi người khác xấu là họ muốn thể hiện mình là người tốt.

Nắm được tâm lý đó, nhiều người thích đăng những clip gây sốc để mọi người chửi bới, càng chửi họ càng nổi tiếng. Khi like và share thiếu cân nhắc, chúng ta đã tạo điều kiện cho nhiều người cơ hội nổi tiếng một cách không chính đáng”.


Một sinh viên trao đổi với ThS Đào Lê Hòa An về chuyện sống ảo của các bạn trẻ. Ảnh: Hồng Minh

Một sinh viên trao đổi với ThS Đào Lê Hòa An về chuyện sống ảo của các bạn trẻ. Ảnh: Hồng Minh

Quen sống ảo, khó sống thật

Nhiều SV trao đổi rằng khi sống ảo đã trở thành thói quen sẽ rất khó vượt qua để quay lại sống thật. Có rất nhiều “tấm gương” nổi tiếng từ mạng xã hội chỉ bằng cách gây sốc như chàng trai TS giả gái chụp ảnh uốn éo phản cảm, gây hài nhố nhăng… Hiện nay fanpage của anh này đã đạt lượng người theo dõi trên một triệu người. TS cũng được một số công ty mời quảng cáo, dự event. Điều này khiến nhiều bạn trẻ có quan điểm: “Sống ảo như TS vừa nổi tiếng vừa có tiền, cũng không đến nỗi tệ”.

Tham gia buổi tọa đàm, ThS tâm lý Tô Nhi A (giảng viên Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM) chia sẻ về một câu chuyện khá đau buồn. Một em HS vừa mất vì tai nạn nhưng khi gia đình lo hậu sự thì phát hiện ra em đã có mong muốn tự tử, rất có thể vụ tai nạn là do em cố ý. Trên trang Facebook của em đã đăng nhiều bài viết bày tỏ sự đau khổ, buồn chán. Có vài chục lượt like và bình luận nhưng không ai can thiệp, giúp đỡ.

ThS Tô Nhi A nói: “Nếu được chia sẻ thật thay vì chỉ nhận được những like và comment ảo qua quýt trên mạng, bạn trẻ ấy đã có cơ hội vượt qua…”. Không khí khán phòng chùng xuống.

Thấu hiểu con ở lứa tuổi nổi loạn và sống ảo

Lứa tuổi HS bậc THCS là lứa tuổi bắt đầu dễ sống ảo. Phụ huynh phải đồng hành với con cái. Có nhiều phụ huynh rất sai lầm, khi thấy con nổi loạn ở tuổi dậy thì thì nổi giận đánh con. Ở tuổi mới lớn, sự nổi loạn là sự phát triển rất tự nhiên để định hình nhân cách. Đừng cấm con chơi Facebook.

Muốn con không sống ảo thì phụ huynh cần giúp con xây dựng giá trị bản thân mục tiêu dài hạn, mục tiêu đó sẽ định hướng hành vi của con trẻ. Một cậu bé thích giúp đỡ cộng đồng sẽ không có hành vi bạo lực học đường, một cô bé muốn làm khoa học sẽ không làm biếng học. Hãy khơi gợi và giúp con có mục tiêu dài hạn. Có nhiều cha mẹ, thầy cô luôn bắt con trẻ học mà không giúp con trả lời được câu hỏi “Học để làm gì?”. Trẻ con học dưới áp lực mà không có động lực sẽ không muốn chia sẻ trò chuyện với người lớn, càng dễ ngả theo bạn bè và càng dễ sống ảo.

ThS tâm lý TÔ NHI A

------------

Nhu cầu nổi tiếng, được định danh về bản thân của các bạn trẻ là có thật và chính đáng. Tuy nhiên, điều cần nhất là phải xây dựng được giá trị bản thân. Nếu không có giá trị cốt lõi đó, các bạn trẻ dễ dàng có quan niệm sai lầm, sẵn sàng trả giá để nổi tiếng bằng mọi cách, nhất là khi không có đủ năng lực để tỏa sáng bằng tài năng.

ThS tâm lý ĐÀO LÊ HÒA AN


Theo Hồng Minh

Pháp luật TPHCM