Giới trẻ Nhật “kết” tiểu thuyết trên ĐTDĐ
Phần lớn các tác giả của tiểu thuyết trên điện thoại di động (ĐTDĐ) là thiếu nữ tuổi đôi mươi. Dù “mạch truyện thường ủy mị, sướt mướt, đó là thế giới của thiện, ác và hoàn toàn không có chất văn chương”, tuy nhiên nó đang thật sự thu hút giới trẻ ở Nhật.
Hơn 1.300 năm qua, các nhà văn Nhật Bản đã kiến tạo một trong những nền văn học tinh tế và sâu sắc nhất thế giới, từ những bài thơ haiku gói gọn trong mười bảy âm tiết cho tới những tiểu thuyết đầy chất biến ảo của nhà văn đương đại Haruki Murakami. Nhưng nay thì nền văn học nước này đang bị bao vây giữa những thiết bị hiện đại và phổ biến khắp nơi, đó là điện thoại di động.
Lần đầu tiên, danh sách các tiểu thuyết bán chạy nhất ở Nhật bị "xâm chiếm" bởi những cuốn sách được xuất bản, được đọc và trong nhiều trường hợp được viết trên điện thoại di động, phần lớn tác giả của những cuốn sách này là các thiếu nữ đang độ đôi mươi.
Phong trào "tiểu thuyết trên ĐTDĐ" đã làm dấy lên những tranh luận đầy lo lắng về bản chất của văn học và tương lai của văn hoá đọc tại xứ sở Phù Tang.
Danh sách các cuốn bestseller năm 2007 của Tohan, hãng phát hành sách lớn nhất của Nhật cho thấy, trong số năm cuốn tiểu thuyết thành công nhất của năm qua đã có ba cuốn được viết và tải xem trên ĐTDĐ trước khi in thành sách. Cuốn bestseller đứng đầu có tên Love Sky (tạm dịch Bầu trời tình yêu) đã bán được hai triệu bản, gần đây lại được chuyển thể thành phim rất ăn khách. Nhờ cuốn sách này mà tác giả của nó cũng nổi lên như một ngôi sao, dù người ta chỉ biết đó là một thiếu nữ chừng 20 tuổi tên là Mika.
Một nhà phê bình văn học nhận định: "Việc các độc giả trẻ ngày nay đang phải tiếp cận với những lối diễn đạt non kém và thiếu hụt ngôn từ đã đẩy mạnh tình trạng ít học và làm hỏng khả năng tự diễn đạt của chúng".
Tuy nhiên lại có những người khác cho rằng, thể loại mới này đang biến văn chương trở thành một loại hàng hoá thông qua việc khuyến khích lòng ham mê đọc sách trong giới trẻ, những người có vẻ như đang ngày càng ít quan tâm đến sách... |
Cuốn tiểu thuyết Your Sky (tạm dịch là Bầu trời của bạn) đứng ngay sau Love Sky còn vị trí thứ ba thuộc về Red String (tạm dịch Sợi dây màu đỏ) của tác giả Mei, cuốn sách này cũng đã bán được một triệu bản. Tất cả những cuốn tiểu thuyết nói trên đều được viết bằng kiểu câu ngắn gọn, đơn giản, sử dụng khá ít ký tự, diễn tả những cốt truyện lâm ly thiên về bạo lực, sex và những cảm xúc ủy mị. Chẳng hạn tiểu thuyết Love Sky kể chuyện một thiếu nữ tuổi teen bị cưỡng bức tập thể, có thai và sau đó bị sảy thai.
Xu hướng chiếm ưu thế của các tiểu thuyết trên ĐTDĐ (tiếng Nhật gọi là keitai shosetsu) tỏ ra hết sức rõ ràng khi người ta chứng kiến sự gia tăng đáng kể về mặt doanh thu của nó.
Nếu như năm 2002, chưa ai biết đến sự tồn tại của thể loại này thì chỉ một năm sau đó, mức doanh thu trên mạng của keitai shosetsu đã đạt 1,8 tỉ yên (tương đương với 8 triệu bảng Anh). Đến năm 2006, con số đó đã tăng lên 9,4 tỉ yên (tương đương 42 triệu bảng Anh). Thành công mà thể loại mới này có được chính là nhờ vào ĐTDĐ, thiết bị vốn rất phổ biến trong đời sống của giới trẻ Nhật Bản, họ đã quen với việc chụp ảnh, lướt nét và gửi email bằng "con dế" của mình từ rất lâu trước những người bạn đồng lứa ở phương Tây.
Nhiều nhà xuất bản ở Nhật còn lập các website chuyên về tiểu thuyết trên ĐTDĐ và cho phép người dùng download các tiểu thuyết trên đó với phí thuê bao khoảng 300 yên (tương đương 1,33 bảng Anh) một tháng. Các câu chuyện được chia thành nhiều đoạn nhỏ có thể đọc xong trong ba phút, cũng là khoảng thời gian tiêu chuẩn giữa hai điểm đỗ của tàu điện ngầm ở Nhật.
Chỉ một phần trong số các cuốn tiểu thuyết đó được nhiều người tìm đọc nhưng nói chung chúng đều có chung một phong cách: sử dụng các kiểu câu ngắn (vì màn hình ĐTDĐ chỉ cho phép hiển thị 100 ký tự mỗi lần), nhiều đối thoại và sự thiếu vắng rất rõ lối miêu tả dài dòng vốn là đặc trưng trong tiểu thuyết truyền thống của đất nước mặt trời mọc.
Nhân vật chính trong những cuốn tiểu thuyết trên điện thoại di động cũng giống như độc giả của họ, thường là các cư dân trẻ trong thành phố. Những bi kịch như bị tấn công, cưỡng bức, bị giết chết hay bị nhiễm HIV thường xuyên xảy ra với họ. Nhà xã hội học Kensuke Suzuki cho rằng, "mạch truyện trong những tiểu thuyết trên ĐTDĐ thường ủy mị, sướt mướt, đó là thế giới của thiện, ác và hoàn toàn không có chất văn chương".
Tuy nhiên, đó lại là những điều hấp dẫn giới trẻ. Tờ Bungakukai, tạp chí văn chương chuyên giới thiệu những tiểu thuyết mới trên ĐTDĐ nhận xét: "Các học sinh phổ thông cảm thấy những tiểu thuyết đó như chính cuộc đời thực của họ. Với những độc giả này, tiểu thuyết chính là món ăn tinh thần thay thế cho nhạc pop và truyện tranh".
Theo Sinh Viên Việt Nam